Cần đầu tư cho vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm
Sáng nay (9/6), Quốc hội thảo luận ở tổ để cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.
Phát biểu ở tổ Hà Nam, Bến Tre, Phú Thọ, Bắc Ninh, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã nhắc lại cách làm đúng đắn khi sáp nhập Hà Tây về Hà Nội (năm 2008). Ông cho biết, từ việc sáp nhập đó việc đầu tư cho nông nghiệp - nông thôn – nông thôn lớn hơn.
"Đã có đầu tư cho hạ tầng, văn hóa - xã hội, hành chính công, đơn vị sự nghiệp, thì phải dành phần ngân sách thỏa đáng cho đê điều", ĐB Tiến nói và cho biết, ông đã đi khảo sát thấy hiện nay nhiều nơi đê không được đảm bảo.
Nói về an toàn thực phẩm, ĐB Phùng Đức Tiến cho biết, ở đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV ông chủ trì về chuyên môn giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm (ĐB Tiến lúc đó đang là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội) thấy, lúc đó Hà Nội cứ đổ cho Hà Tây chở lợn thịt vào quận nội thành không có che đậy.
"Nói thật ngay các quận vẫn chở lợn thịt không che đậy. Hiện đang có 21 tỉnh vào chuỗi phục vụ Hà Nội với dân số khoảng hơn 10 triệu người, chưa tính đến khách du lịch. Do đó việc đầu tư an toàn thực phẩm, chế biến nâng cao giá trị gia tăng phải được tính đến. Không phải cứ đi mua nguyên liệu hoặc sơ chế ở các tỉnh rồi chở vào Hà Nội", ĐB Phùng Đức Tiến góp ý.
Vẫn theo ĐB Tiến, qua công tác giám sát đã có ý kiến nhưng việc mổ lợn không đảm bảo vệ sinh, chợ cóc, chợ tạm ở Hà Nội còn rất nhiều, điều đó dẫn tới nguy cơ về vệ sinh an toàn thực phẩm rất lớn. Do đó cần phải có kinh phí đầu tư cho vấn đề này.
Tại tổ TP.HCM, ĐB Trương Trọng Nghĩa, ĐB Trần Hoàng Ngân tán thành việc cần có một số cơ chế, chính sách đặc thù cho Hà Nội vì Hà Nội và TP.HCM là những đô thị lớn nhất cả nước và có tính đặc thù rất rõ, nếu không có các cơ chế chính sách đặc thù về tài chính, ngân sách thì sẽ khó khăn trong phát triển kinh tế xã hội.
Lưu ý từ thực hiện cơ chế chính sách đặc thù cho TP.HCM
ĐB Trần Hoàng Ngân phân tích: Thực tế giai đoạn vừa qua, nguồn thu ngân sách của Hà Nội đóng góp khoảng 17% vào nguồn thu chung của ngân sách cả nước. Năm 2019, Hà Nội thu khoảng 263.000 tỷ đồng, chi khoảng 100.000 tỷ đồng, tỷ lệ thu được điều tiết để lại cho Hà Nội là 35%.
Đặc biệt, GDP của Hà Nội cũng rất lớn nhưng thu nhập bình quân đầu người mới xếp thứ 8 cả nước. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng của thành phố có sự quá tải. Do đó cần có cơ chế để Hà Nội đầu tư mạnh hơn về kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông.
Đối chiếu với Luật Thủ đô năm 2012, Luật Ngân sách nhà nước 2015 hay các cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 54 của Quốc hội dành cho TP.HCM thì các cơ chế chính sách đặc thù về tài chính – ngân sách dành cho Hà Nội mà Chính phủ trình Quốc hội lần này là hoàn toàn có thể thực hiện được.
Đồng quan điểm với ĐB Ngân và ĐB Nghĩa, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm bổ sung thêm, Luật Thủ đô có hiệu lực năm 2012 đến nay đã tác động tích cực đến sự phát triển của Hà Nội, nhưng trong thực tế triển khai luật này cũng còn rất nhiều vướng mắc cần phải có điều chỉnh, sửa đổi. Vì thế, lần này Chính phủ trình Quốc hội một số cơ chế chính sách đặc thù về tài chính – ngân sách cho Hà Nội là cần thiết.
ĐB Tâm lưu ý, từ thực tiễn triển khai Nghị quyết 54 của Quốc hội về một số cơ chế chính sách đặc thù cho TP.HCM thời gian qua cho thấy, có những vấn đề khi đưa vào Nghị quyết tưởng là một lợi thế cho sự phát triển của địa phương nhưng để thực hiện được thì vô cùng khó khăn, nhiêu khê, thậm chí không triển khai được.
"Chẳng hạn về vấn đề cổ phần hóa, hay vấn đề TP.HCM được hưởng 50% nguồn thu từ tiền sử dụng đất…, đến nay TP.HCM vẫn chưa được hưởng đồng nào. Vướng mắc là do những quy định, hướng dẫn triển khai chậm, ngay vấn đề hướng dẫn về triển khai cổ phần hóa đến giờ vẫn đang vướng", ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết.
Từ dẫn chứng trên, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đề xuất, việc đầu tư đối với Thủ đô Hà Nội không phải chỉ là sử dụng nguồn lực ngân sách của thành phố mà còn cần được đầu tư từ ngân sách Trung ương, sự phối hợp đầu tư của các bộ ngành để cùng phát triển Thủ đô Hà Nội xứng tầm.
"Là một người dân ở địa phương khác nhìn về Thủ đô, nhìn về Hà Nội - trái tim của cả nước với một sự tin yêu, kính trọng, cả nước cùng hướng về Hà Nội, nên tôi mong muốn Hà Nội phát triển toàn diện, có một bộ mặt xứng tầm là Thủ đô của cả nước.
Không chỉ là phát triển kinh tế - xã hội mà Hà Nội cần được đầu tư tương xứng để nâng tầm và nâng cao đời sống của người dân cả về đời sống vật chất lẫn văn hóa, tinh thần, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, có tính tiêu biểu", ĐB Quyết Tâm nói.
Theo PVCT/danviet.vn
https://danviet.vn/thu-truong-phung-duc-tien-ha-noi-cu-do-cho-ha-tay-cu-cho-lon-thit-vao-khong-che-day-20200609132117308.htm
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;