Mô hình chế biến nước mắm của HTX Hòa Vang, Xuân Hòa Xuân Hòa đang đổi mới Con đường rộng dài đi ngang giữa cánh đồng xanh ngút ngàn dẫn chúng tôi về với Xuân Hòa. Nhìn từ xa, làng quê này với san sát nhà cao tầng, nhà mái ngói đỏ tươi trông thật thích mắt. Trưởng thôn Hoàng Quốc Trị hồ hởi nói, mặc dù thôn Xuân Hòa có diện tích đất tự nhiên hẹp (khoảng 143 ha), là nơi sinh sống của hơn 750 hộ dân với 3.500 nhân khẩu nhưng diện mạo quê hương đang đổi mới từng ngày vì người dân nơi đây cần cù, chịu thương chịu khó sống bằng nghề khai thác, chế biến thủy hải sản và xuất khẩu lao động. Với đội tàu hơn 80 chiếc với tổng công suất máy là 7.000CV, trong đó có 35 chiếc có công suất máy trên 90CV, tổng sản lượng đánh bắt hằng năm đạt trên 1.200 tấn. Các ngành nghề dịch vụ khác như sản xuất đá lạnh, dịch vụ vận tải ngày càng phát triển đã tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân. Thôn còn tự hào với nghề chế biến nước mắm truyền thống. Chị Lê Thị Thoạn, Chủ nhiệm HTX chế biến thủy sản, nước mắm Hòa Vang (thôn Xuân Hòa) cho biết: Từ nguồn nguyên liệu dồi dào sau những chuyến ra khơi vào lộng, chị em chúng tôi đã góp vốn trên 2,2 tỷ đồng đầu tư xây dựng dây chuyền chế biến thủy sản và sản xuất nước mắm để vừa thu mua sản phẩm của ngư dân, vừa tạo công ăn việc làm cho chị em trong thôn. Ngoài ra, mô hình nuôi tôm trên cát đang được 13 hộ dân mạnh dạn nuôi trồng và bước đầu đem lại hiệu quả. Không chỉ phát triển sản xuất dựa trên những thế mạnh của tự nhiên, những năm trước đây, thanh niên ở Xuân Hòa đã đi xuất khẩu lao động ở các nước. Từ nguồn ngoại tệ gửi về quê hương đã góp phần xây dựng được các công trình cơ sở hạ tầng khang trang. Dẫn chúng tôi đi trên các đường làng, ngõ xóm đã được bê tông hóa, ông Phạm Văn Bích, Bí thư chi bộ thôn Xuân Hòa cho biết: Được sự đồng thuận của nhân dân, ngay từ năm 1998, chính quyền cùng với Hội đồng mục vụ thôn đã huy động sức dân để xây dựng 2 công trình có ý nghĩa quan trọng đó là trường tiểu học và nhà văn hóa của thôn với số tiền gần 600 triệu đồng. Xuân Hòa là thôn có dân số đông lại ở gần biển nên vấn đề nước sinh hoạt, rác thải được chi bộ thôn và Hội đồng mục vụ quan tâm và có cách thức tuyên truyền ý thức của người dân. Đến nay, 100% hộ gia đình sử dụng điện và nước giếng khoan đảm bảo vệ sinh. Năm 2001, một hộ gia đình ở trong thôn đã mạnh dạn đứng ra gom rác thải hằng ngày từ các gia đình rồi chở đến bãi rác của huyện Quảng Trạch để tiêu hủy. Từ việc đảm bảo vệ sinh môi trường nên bờ biển, các trục đường quanh thôn luôn sạch đẹp. Bộ mặt nông thôn mới khang trang đang hiện hữu trên làng quê xứ đạo Xuân Hòa. Nhà thờ giáo xứ Xuân Hòa Xây dựng mô hình "xứ đạo bình yên” Từ cuộc sống người dân ngày càng nâng cao, tháng 12 năm 2005, chi bộ thôn Xuân Hòa đã lên kế hoạch, gặp gỡ Hội đồng mục vụ và linh mục quản xứ để họp bàn xây dựng mô hình tự quản "Xứ đạo bình yên” với 11 thành viên nhằm ngăn ngừa tội phạm và các tệ nạn xã hội, đảm bảo ổn định tình hình về an ninh trật tự của thôn. Những mục tiêu đặt ra như thôn không có tội phạm và tệ nạn xã hội, mỗi thành viên có lối sống lành mạnh, có trách nhiệm vận động gia đình, dòng họ không tham gia buôn bán, tàng trữ, sử dụng chất ma túy; không rượu chè, cờ bạc, không trộm cắp, gây rối làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự địa phương; tích cực tham gia phong trào phòng, chống và tố giác tội phạm, phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật; xây dựng phong trào khuyến học, khuyến tài... Nói về những kết quả của mô hình "Xứ đạo bình yên”, ông Phạm Văn Bích, Bí thư chi bộ thôn Xuân Hòa cho biết: Với sự phối hợp giữa Đảng ủy, chính quyền với Hội đồng mục vụ và linh mục quản xứ, tạo nên sự đồng thuận, thống nhất cao nên từ khi mô hình "Xứ đạo bình yên” đi vào hoạt động, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thôn từng bước được ổn định, người dân ý thức hơn trong việc chấp hành pháp luật. Hằng năm, thôn không có trọng án xảy ra, không có khiếu kiện vượt cấp, không có tệ nạn xã hội. Không chỉ đảm bảo an ninh trật tự trên đất liền mà 7 tổ đội đoàn kết sản xuất trên biển ở Xuân Hòa đã giúp nhau trong khai thác hải sản, phòng chống thiên tai, vừa bảo vệ an ninh trật tự, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Trưởng thôn Hoàng Quốc Trị cho biết, để xây dựng các tổ đội đoàn kết, các tàu thuyền tự chọn với nhau như cùng ngư trường khai thác, cùng đội... để giúp đỡ lẫn nhau. Ngoài ra, thôn còn có mô hình đoàn kết liên tổ đội để kịp thời thông báo những tình huống xấu để phối hợp. Cuộc sống đang đổi thay nơi xứ đạo Xuân Hòa, có lẽ, bên cạnh sự chịu thương chịu khó của người dân, sự phối hợp gắn bó giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với Hội đồng mục vụ và Linh mục quản xứ đã góp phần quan trọng tạo nên sự đồng thuận sâu rộng trong bà con giáo dân, xây dựng quê hương Xuân Hòa ngày càng giàu đẹp. Xuân Thi |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã