Là xã thuần nông, xuất khẩu lao động (XKLĐ) giúp giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm lao động xã Cẩm Nam. Bên cạnh lợi ích XKLĐ mang lại, hiện nay, xã đang có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đông nhất huyện Cẩm Xuyên, với 24 trường hợp, trong đó có những lao động hết hạn hợp đồng làm việc từ năm 2012.
Ông Trần Hữu Hương - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Nam cho biết: "Bài toán lao động cư trú trái phép tại Hàn Quốc thực sự rất khó giải. Cấp ủy, chính quyền đã thường xuyên xuống tuyên truyền, nhắc nhở gia đình các lao động để vận động con em sớm trở về, nhưng không hiệu quả".
Tại thị trấn Cẩm Xuyên, qua rà soát, hiện nay còn 11 lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Theo ông Nguyễn Anh Đức - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cẩm Xuyên: "Sau khi huyện chỉ đạo, cả hệ thống chính trị thị trấn đã chia tổ, chia nhóm liên tục xuống tận các hộ có người thân cư trú trái phép ở Hàn Quốc tuyên truyền, vận động. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại là không nhiều.
Một số gia đình thì tỏ ra hợp tác, vui vẻ đồng ý vận động người thân trở về, nhưng không thực hiện. Một số gia đình thì có thái độ không hợp tác trong khi chế tài xử lý không có. Một số gia đình là cán bộ, công chức nhưng cũng không hợp tác, lảng tránh thì nói gì đến các gia đình khác".
Theo ông Nguyễn Văn Nam - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Cẩm Xuyên: Trong các hội nghị tư vấn việc làm, XKLĐ, huyện đều tổ chức tuyên truyền cho các lao động về nội dung cấm cư trú bất hợp pháp, đồng thời tổ chức các đoàn tuyên truyền, vận động tại các hộ gia đình. Tuy nhiên, số lao động cư trú bất hợp pháp vẫn không có chiều hướng giảm.
"Ở Hàn Quốc, các lực lượng chức năng có tiến hành các đợt truy quét lao động cư trú bất hợp pháp, nhưng không thường xuyên, gắt gao như Thái Lan hay Nhật Bản nên nhiều lao động hết hạn hợp đồng vẫn tiếp tục ở lại làm việc. Mặt khác, chế tài xử lý duy nhất hiện nay là số tiền ký gửi 100 triệu trước khi đi xuất khẩu của các lao động, nhưng số tiến này đang còn nhỏ so với mức thu nhập của họ. Vì thế, dù mất đi số tiền ký gửi, các lao động vẫn tiếp tục cư trú trái phép" - ông Nam nói thêm.
Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Nam Trần Hữu Hương cho hay: "Để hạn chế tình trạng cư trú bất hợp pháp, cần có chế tài quản lý chặt chẽ hơn, nhất là ở khâu tuyển chọn, ký cam kết, còn nếu chỉ mỗi chế tài ký gửi thì chắc chắn không hiệu quả".
Cẩm Xuyên là một trong 7 huyện của Hà Tĩnh bị tạm dừng việc đưa lao động sang Hàn Quốc theo Chương trình EPS. Số liệu từ Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh tính đến tháng 7/2018 cho thấy, toàn huyện Cẩm Xuyên có 210 lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Ngoài Cẩm Nam, Cẩm Nhượng, thị trấn Cẩm Xuyên, số lượng lao động này phân bổ ở 22 xã, thị trấn khác. |