Thay vì phải thuê thêm vài nhân công, thì mình anh có thể tự chăm sóc đàn bò của mình, tiết kiệm mỗi tháng hàng chục triệu đồng...
Với quy mô nuôi 31 con bò để lấy sữa cung cấp cho các nhà máy tại Củ Chi, anh Lập phân ra thành 3 dãy, mỗi con bò sẽ có 1 hộc đựng thức ăn nước uống riêng. Trước đây, anh phải dậy từ 3h sáng để bắt đầu một ngày làm việc của mình. Nhưng từ khi chế tạo ra hệ thống tắm và cho bò uống nước tự động, cũng như máy vắt sữa bò, máy cắt cỏ… anh có thể ngủ thêm, sáng dậy có thời gian nhâm nhi cà phê.
Anh Lập vừa nói vừa dẫn chúng tôi đi tham quan trại bò của mình: “Việc chăm sóc bò sữa đòi hỏi mất rất nhiều công sức và thời gian. Từ những khó khăn của bản thân, tôi đã mày mò tìm những biện pháp để giúp mình đỡ vất vả hơn”.
Việc tắm cho 31 con bò trước đây phải mất 1 tiếng mới xong, cũng như phải cần thêm 2 nhân công để chăm sóc cho cả đàn bò. Từ khó khăn đó, anh Lập tự chế tạo một hệ thống tắm tự động bằng dàn ống nước mua được của công viên cây xanh và những muỗng i-nox (giá 3.000 đồng/cái) có thể tự điều chỉnh hướng phun theo độ cao thấp của từng con bò, hệ thống tự động có thể tắm cho 4 con bò một lúc, cứ thế luân phiên nhau.
Anh còn sáng chế làm mát chuồng bằng hệ thống phun sương trên mái tôn. Cắt cỏ cho bò ăn thì anh chế từ động cơ xe máy cũ (chỉ tốn 1.000 đồng/ngày cho tiền xăng); dọn và phơi phân bò bằng việc cải tiến máy cày tay, máy cắt cỏ để ủi và xới phân bò.
“Giờ nếu có việc bận không tắm cho bò được, tôi chỉ cần nhờ đứa cháu học lớp 4 tới ấn cái nút điện là hệ thống tắm hoặc cho bò uống nước sẽ khởi động. Chỉ mất 8 triệu đồng/hệ thống tự động, dùng 2 năm chưa bị hỏng và một mình tôi có thể tự chăm sóc đàn bò một cách nhàn nhã hơn. Như vậy là lời quá rồi còn gì, giải phóng sức lao động biết bao cho nông dân”, anh Lập nói.
Điều khiến anh Lập tự hào nhất là việc sáng chế cải tiến, lắp đặt bộ tạo nhịp tim để vắt sữa bò một cách đơn giản, dễ sử dụng. Chính sáng chế này, đã giúp anh là một trong những nông dân được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT năm 2016.
Anh Lập nói: “Bình thường mọi người hay dùng máy vắt sữa phổ biến hiện nay có hai chi tiết chính rời nhau là máy hút chân không và xe đẩy bộ cốc hút, bình chứa sữa. Những sự cố mà nhịp tim thường gặp là do được gắn trên nắp đậy bình chứa sữa. Đối với nông dân mới sử dụng máy vắt sữa, việc vệ sinh nhịp tim mỗi ngày thường không được thực hiện thường xuyên. Vì vậy, các loại vi khuẩn dễ sinh sôi nảy nở, có khi còn bị những con kiến nhỏ chui vào cắn sẽ làm hỏng các ron hơi của nhịp tim”.
Tự mày mò, anh Lập đã cải tiến máy vắt sữa bò, giúp thời gian vệ sinh máy ngắn hơn và sạch hơn, cũng như việc tiết kiệm được chi phí thay nhịp tim cho máy hút (thường trong vòng 6 tháng nhịp tim của máy dễ hư hỏng, nhưng bằng cách của anh Lập thì 2 năm anh vẫn chưa phải thay).
Điều quan trọng là chất lượng sữa được cải thiện tốt hơn do xử lý được vấn đề nhiễm vi sinh, từ đó giá sữa cũng cao hơn. Thao tác vệ sinh dễ dàng hơn, không mất nhiều thời gian để làm sạch, không tốn nhiều chi phí cho việc bảo trì, thay thế nhịp tim.
Trước khi chúng tôi ra về, anh Lập còn hào hứng cho chúng tôi xem việc dùng nấm Trichoderma để xử lý phân bò bón cho cây trồng. Anh hy vọng dự án làm mùn hữu cơ từ phân bò sẽ sớm đưa ra thị trường.
Chính những sáng kiến của mình, anh Lập được nhiều bà con tin tưởng và nhờ tư vấn. “Thời gian đầu thử nghiệm tôi đã từng thất bại. Đến giờ có thể nói hệ thống coi như ổn. Bà con nào cần hỗ trợ là tôi hướng dẫn hết mình, không giấu nghề. Chỉ mong sao nông dân đỡ vất vả hơn trong việc chăm sóc bò cũng như làm sao để đạt chất lượng sữa tốt nhất, đem lại nguồn thu nhập cao”.
Anh Lập nói: “Quy chế về chất lượng sữa của các công ty thu mua sữa rất nghiêm ngặt. Chính vì vậy, hệ thống vắt sữa tự động giúp tôi loại được sữa không đạt ra 1 bình riêng, còn sữa đạt sẽ cho 1 bình riêng mà chỉ cần 1 lần vắt. Đối với sữa không đạt tôi dùng để ủ phân bón cho cây trồng. Còn sữa đạt sẽ cung cấp cho công ty thu mua với giá 14.000 đồng/lít”. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã