Trung tâm YTDP huyện Cẩm Xuyên phun hóa chất khử khuẩn tại các điểm trường tiếp nhận người dân trú bão tập trung, trước khi học sinh trở lại trường học.
Bão số 10 kèm theo mưa lớn và triều cường gây ngập lụt nhiều hộ dân các vùng ven biển, ven sông trên địa bàn. Xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên) là địa phương có số hộ ngập lụt nhiều nhất, gây ô nhiễm môi trường đáng kể.
Trạm trưởng Trạm Y tế xã Nguyễn Xuân Từ cho biết: “Một nửa xã bị ngập sâu. Do bị ảnh hưởng nặng nề, mọi người dân đều phải tập trung khắc phục cho gia đình mình, không tổ chức được chiến dịch vệ sinh môi trường (VSMT) tập trung nhưng tất cả người dân đều thực hiện phương châm “nước rút đến đâu, VSMT đến đó”.
Về nước ăn, uống, do mất điện không có nước máy nên người dân chủ yếu dùng nước lọc mua bên ngoài. Đến thời điểm này, có một số người bị rối loạn tiêu hóa nhưng không đáng kể. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, nhất là ở khu vực bến thuyền. Hầu hết nước thải sinh hoạt của người dân đều thải ra khu vực này, ứ đọng, tạo môi trường cho muỗi phát triển, trong khi đó, trước bão, tại địa phương đã xuất hiện 1 ca nghi ngờ bị sốt xuất huyết. Vài ngày tới, xã sẽ tổ chức phun hóa chất khử khuẩn ở các khu vực ngập sâu và phun hóa chất diệt muỗi tại các khu vực có nguy cơ xuất hiện dịch sốt xuất huyết cao”.
Tại Cẩm Xuyên, ngoài việc ảnh hưởng môi trường do ngập lụt, huyện còn có điểm trường phục vụ gần 3.700 người dân di dời tránh bão tập trung. Ngay sau khi bão tan, Trung tâm YTDP huyện đã phối hợp với nhà trường triển khai các biện pháp đảm bảo VSMT.
Giám đốc Trung tâm YTDP Cẩm Xuyên Trần Huy Nghĩa cho biết: “Cẩm Xuyên có 4 điểm trường phục vụ di dân tập trung, đó là Trường Tiểu học Cẩm Phúc, Cẩm Thăng, THCS Phúc Thăng và THPT Cẩm Xuyên. Ngay sau khi người dân trở về nhà, trạm y tế đã hướng dẫn, phối hợp với các trường học triển khai VSMT. Trung tâm YTDP huyện đã tiến hành phun Cloramin B khử khuẩn tại tất cả các trường học nói trên với tổng diện tích hơn 50.000 m2. Các trường đã đảm bảo môi trường an toàn trước khi học sinh trở lại trường học”.
Được biết, ngay sau bão, Trung tâm YTDP huyện đã cử đội cơ động phòng chống dịch gồm 10 người về các địa phương tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp phòng chống và giám sát dịch bệnh. Hiện, đáng lo ngại nhất vẫn là dịch sốt xuất huyết. Vì vậy, trung tâm sẽ tổ chức phun hóa chất các vùng có nguy cao và tập trung công tác giám sát, phát hiện sớm, khoanh vùng dập tắt ngay từ các ca bệnh đầu tiên”.
Lực lượng công an, quân sự giúp dân Thạch Kim, Lộc Hà dọn dẹp rác rưởi, sửa sang nhà cửa...
Tại vùng tâm bão TX Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh, công tác VSMT sau bão từng bước được xử lý. Tuy nhiên, khó khăn nhất vẫn là nước sinh hoạt, ăn uống cho người dân. Giám đốc Trung tâm Y tế TX Kỳ Anh Nguyễn Quốc Trị cho biết, sau bão, nước máy rất đục và không có mùi CloraminB, do vậy, trung tâm đã tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo người dân chưa nên dùng để phòng các bệnh tiêu hóa.
Những ngày qua, một số người dân bị thương khi sửa chữa nhà cửa, Trung tâm YTDP và các trạm trên địa bàn đều đã tiêm phòng uốn ván. Hiện, nguy cơ các bệnh nhiễm ký sinh trùng và viêm da rất cao. Trung tâm đang tập trung thực hiện công tác tuyên truyền, giám sát và tham mưu cho các địa phương xử lý VSMT, hạn chế tối đa người dân bị mắc các bệnh dịch.
Để chủ động phòng chống dịch bệnh sau mưa bão, Trung tâm YTDP tỉnh đã cấp 90 lít hóa chất diệt muỗi loại Hockey DeltaPlus, Hantox và 170 kg Cloramin B cho các vùng trọng điểm Cẩm Xuyên, TX Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh.
Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh Nguyễn Lương Tâm cho biết: Trung tâm đã chỉ đạo các đơn vị tùy tình hình thực tế tại các xã bị ngập để tiến hành phun hóa chất xử lý môi trường; chỉ đạo các trạm y tế phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành VSMT, phòng chống các bệnh dịch.
"Với điều kiện môi trường, thời tiết như hiện nay, nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết rất cao. Vì vậy, cùng với phòng chống dịch bệnh, phải kết hợp triển khai các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết, không để lây lan và bùng phát ra cộng đồng. Đối với người dân, cần tuân thủ các khuyến cáo của Cục YTDP để chủ động phòng tránh các dịch bệnh”, ông Tâm khuyến cáo.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã