Học tập đạo đức HCM

Đâu là hình mẫu lý tưởng cho hợp tác xã?

Thứ hai - 26/01/2015 21:00
Đã từng gánh vác trọng trách lớn trong thời kỳ miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam đấu tranh giành độc lập dân tộc, mô hình hợp tác xã đã đi cùng những khó khăn của đất nước. Nhưng rồi nó cũng đã bộc lộ những điểm yếu của chính mình khiến có thời kỳ nghe thấy từ hợp tác xã nhiều người vẫn còn thấy… sợ. Hiện nay, khi quy mô sản xuất nông hộ không thể tự bơi trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt, muốn nâng cao sức cạnh tranh của nông sản, liên kết là một đòi hỏi tất yếu. Lúc này, vai trò của hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT) lại được khẳng định.

Bài 1: Liên kết hay là… “chết”?

Đó là khẳng định của ông Phạm Văn Dũng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân, xã Hồng Giang (Lục Ngạn – Bắc Giang). Thực tế, kể từ khi liên kết trong một HTX, sức mạnh của những nông hộ nhỏ lẻ đã được nâng lên rất nhiều.

Không còn đơn lẻ

Đi lên từ một câu lạc bộ VAC, HTX Hồng Xuân được thành lập ngày 5/1/2008, lúc đầu có 12 thành viên, hiện có 9 thành viên, vốn kinh doanh 390 triệu đồng, do các thành viên đóng góp. Lý giải cho việc thành lập HTX, ông Dũng cho biết, mô hình câu lạc bộ chỉ thích hợp với những cuộc trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, muốn mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả kinh tế và tiếp cận những cơ hội mới thì phải thành lập hợp tác xã.

 

Ông Phạm Văn Dũng (thứ hai từ trái sang) kiểm tra chất lượng cam Canh của xã viên HTX Hồng Xuân.

Hiện, ngành nghề sản xuất kinh doanh chính của HTX Hồng Xuân là sản xuất, chế biến, tiêu thụ vải thiều, kinh doanh thuốc thú y, gia cầm giống. Và rõ ràng so với cách làm ăn riêng lẻ, sự liên kết, hợp tác đã giúp những nông dân này vượt qua nhiều khó khăn khi thị trường tiêu thụ bấp bênh, thu lợi nhuận khá, cuộc sống được cải thiện đáng kể.

Đơn cử như trong việc tiêu thụ vải thiều, nếu như những hộ khác bán trên thị trường tự do, phải chịu cảnh “sáng nắng chiều mưa” của giá cả thì các xã viên của HTX có thể yên tâm hơn vì đã có hợp đồng cung cấp vải cho các đơn vị đã ký kết với giá cả ổn định. Không những vậy, những cơ hội đổi mới sản xuất liên tục đến khi năm 2011 HTX được chọn xây dựng mô hình thí điểm sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Dương Văn Sinh, Trưởng ban Kiểm soát của HTX, cho biết, so với canh tác theo phương pháp thông thường, áp dụng VietGAP đòi hỏi nhà vườn phải áp dụng nhiều tiêu chuẩn khắt khe hơn, nhất là trong việc ghi chép nhật ký đồng ruộng và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. “Thông thường nuôi gà trong vườn vải là mô hình được nhiều nông dân áp dụng nhưng khi làm cái anh GAP này là cấm tiệt”, ông Sinh nói. Nhưng bù lại, giá vải VietGAP luôn cao hơn giá thị trường cùng thời điểm từ 2.000 – 3.000 đồng/kg, sản phẩm luôn có được đặt hàng trước. Đặc biệt, năm 2014, nhờ áp dụng VietGAP, đã có 10 tấn vải thiều đầu tiên của HTX được xuất sang Nhật Bản với giá cao hơn thị trường 12.000 đồng/kg. Được biết, cả 9 hộ xã viên của HTX đều đồng loạt áp dụng VietGAP trên vải thiều.

“Năm 2015, chúng tôi đang đứng trước cơ hội lớn khi được chọn là một trong những đơn vị tham gia xuất khẩu vải thiều sang Mỹ. Hiện, chúng tôi đang cùng các đơn vị khác tham gia các lớp tập huấn do huyện tổ chức để đáp ứng các yêu cầu về mặt sản xuất của phía đối tác. Nếu thành công chắc chắn sản phẩm của HTX sẽ được nâng tầm”, ông Dũng nói.

Trong lĩnh vực kinh doanh giống gia cầm, hiện HTX có 6 máy ấp trứng, 5.000 con gà mái giao cho 7 hộ nuôi, HTX lo về kỹ thuật, thuốc thú y, vắc-xin,… Riêng năm 2014, HTX cung cấp cho thị trường 400.000 con giống. Ngoài ra, các xã viên HTX cũng mạnh dạn chuyển một số diện tích trồng vải thiều kém hiệu quả sang trồng cam Canh. Dù mới “bén duyên” với cam Canh được 3 năm nhưng năm vừa qua, nó cũng mang về cho các hộ 4,5 tỷ đồng. “Năm vừa qua, dù thị trường của lúc khó khăn nhưng kết quả sản xuất kinh doanh của HTX vẫn ổn định với doanh thu 12,61 tỷ đồng, thu nhập bình quân của xã viên khoảng 200 triệu đồng/hộ/năm. Nếu không liên kết lại chắc chắn chúng tôi không mạnh như bây giờ”.

HTX mạnh thì dân giàu

Ông Trần Văn Sỹ, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Tân Dĩnh (Lạng Giang – Bắc Giang) đã khẳng định với chúng tôi như vậy khi được hỏi về quá trình chuyển đổi. Cũng có một thời gian, như nhiều HTX khác, HTX Nông nghiệp Tân Dĩnh gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động do nguồn vốn hạn hẹp, trình độ cán bộ quản lý điều hành kém nên xã viên có phần mất lòng tin. Vì vậy, trong quá trình chuyển đổi hoạt động, HTX đã tập trung thực hiện tốt các dịch vụ, mở mang thêm nhiều ngành nghề mới để đáp ứng nhu cầu của xã viên.

 

Nguồn vốn của HTX Nông nghiệp Tân Dĩnh giúp anh Ngô Văn Trung (ngoài cùng bên phải), thôn Tân Sơn 1 rất nhiều trong việc mở rộng trang trại.

 

Là  HTX quy mô toàn xã với 3.200 hộ xã viên, bộ máy quản lý, điều hành chuyên trách là 7 người, 49 người bán chuyên trách, HTX đang thực hiện 11 mô hình dịch vụ, gồm: Cung cấp nước tưới tiêu cho toàn xã, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, dịch vụ bảo vệ thực vật, cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm, thu gom và xử lý rác thải, tín dụng nội bộ, quản lý thương mại chợ, mô hình trồng nấm, trồng hoa và cánh đồng mẫu lớn trồng lúa chất lượng. Nguồn vốn của HTX hiện đạt 4,12 tỷ đồng, trong đó vốn đóng góp của xã viên là 320 triệu đồng.

 Nhìn vào những con số này chắc chắn nhiều HTX phải mơ ước. Nhưng để làm được điều đó, theo ông Sỹ “phải đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất của người dân”. Ví như dịch vụ tưới tiêu, HTX có 3 máy bơm điện 15kW và một máy dầu 18 mã lực, đảm bảo tưới tiêu cho 530ha đất canh tác; mỗi năm tổ chức chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho trên 800 hộ xã viên; tiêu thụ giúp bà con 150 – 180 tấn thịt trâu, bò mỗi năm. Tổ làm nấm ngày một phát triển với 80 hộ tham gia, sản lượng năm 2014 đạt 1.400 tấn, thu nhập của các hộ thấp nhất là 30 triệu đồng, cao nhất 160 triệu đồng. Mô hình trồng hoa hiện đạt 19ha, mỗi hộ xã viên thu lợi nhuận 8 – 10 triệu đồng/sào. HTX cũng đóng góp 1,8 tỷ đồng cho công cuộc xây dựng nông thôn mới, giúp xã Tân Dĩnh cán đích 19/19 tiêu chí.

Tín dụng nội bộ là một điểm nhấn của HTX Nông nghiệp Tân Dĩnh, trở thành cứu cánh của bà con xã viên khi cần vốn sản xuất. “Khi bà con cần vốn, chỉ cần có xác nhận của trưởng thôn là HTX có thể giải ngân ngay với mức vay tối đa 50 triệu đồng. Dù lãi suất áp dụng theo lãi suất ngân hàng cùng thời điểm nhưng bà con vẫn muốn vay vốn của HTX vì thủ tục nhanh gọn, dễ dàng, việc trả gốc và lãi linh hoạt”, ông Sỹ nói.

Hoạt động đa dạng, hiệu quả như vậy nên không khó hiểu khi HTX Nông nghiệp Tân Dĩnh đã trở thành điểm sáng của lĩnh vực kinh tế tập thể không chỉ ở Bắc Giang mà ở nhiều tỉnh phía Bắc có điều kiện lịch sử, xã hội tương đồng cũng “khao khát” có được những mô hình như Tân Dĩnh. Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ trong lần về thăm Tân Dĩnh (ngày 17/11/2014) cũng tỏ ra băn khoăn: “Tại sao không nhân bản đồng chí Sỹ và HTX Tân Dĩnh lên 20 – 30 lần?”.

Đây cũng là trăn trở của không ít địa phương. Đi tìm hình mẫu lý tưởng cho HTX hoạt động trong thời kỳ mới vẫn còn là bài toán khó.

Nguồn: kinhtenongthon.com.vn

 Tags: hợp tác

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập87
  • Hôm nay21,653
  • Tháng hiện tại51,199
  • Tổng lượt truy cập92,428,863
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây