Những năm qua nguồn ngân sách đầu tư cho tam nông năm sau luôn cao hơn năm trước. Chúng ta có cả chủ trương lớn đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới để đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho khu vực nông nghiệp, vậy mà chúng ta vẫn phải thừa nhận với nhau rằng cuộc sống người dân ở khu vực này vẫn gặp rất nhiều khó khăn, tại sao vậy thưa ông?
Phải khẳng định rằng đây là sự cố gắng cao của Nhà nước. Dù vậy, theo tôi đầu tư này mới chỉ đáp ứng được từ 55% đến 60% nhu cầu thực tế. Bởi có một thực tế dân số khu vực nông nghiệp quá lớn, ngân sách lại có hạn nên độ che phủ của chính sách tất sẽ không thể rộng khắp. Vì vậy cuộc sống của người dân ở những vùng nông thôn luôn khó khăn hơn khu vực khác là điều dễ hiểu. Theo tôi muốn khu vực nông nghiệp, nông thôn "đuổi kịp” khu vực khác thì phải tìm mọi cách thu hút các nguồn đầu tư vào đây chứ không thể mãi trông chờ vào sự "viện trợ” từ ngân sách nhà nước. Có ý kiến, muốn khu vực nông nghiệp bứt phá không phụ thuộc chuyện đầu tư nhiều hay ít mà cần nhất là một cơ chế chính sách phù hợp? Đúng vậy. Theo tôi, chỉ một mình Nhà nước "đỡ” cho khu vực này không bao giờ đủ. Nhiệm vụ của Nhà nước là tạo ra được các cơ chế, chính sách để các thành phần kinh tế khác chia sẻ gánh nặng đầu tư trong bối cảnh ngân sách nhà nước luôn là rất eo hẹp này. Nhưng theo tôi, hiện tại Nhà nước chưa tạo ra được những chính sách, giải pháp hữu hiệu để huy động được nhiều nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp và toàn xã hội cho khu vực này. Việc ban hành các cơ chế, chính sách để thu hút mạnh các nguồn đầu tư xã hội, đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn còn chậm, còn thiếu và còn ít. Một số chính sách đã có thì phát huy tác dụng nhưng còn khá hạn chế. Nhưng điều đáng nói là nhiều chính sách đã được ban hành nhưng lại rơi vào trong tình trạng "cái cần thì không có, cái có khó thực hiện”. Nhiều chính sách ban hành đã lâu nhưng việc hướng dẫn thực hiện lại quá chậm. Ví dụ Nghị định 177 ban hành năm 2004 trong đó Điều 24 quy định hướng dẫn giao đất, cho thuê đất đối với hợp tác xã, nhưng suốt từ đó đến nay đã 8 năm, bộ chuyên ngành vẫn chưa ra thông tư hướng dẫn nên việc đó trên thực tế hầu như không thực hiện. Rồi việc thực thi chính sách cũng chưa tốt. Như trong việc thực hiện chính sách đối với các doanh nghiệp nông nghiệp chưa hiệu quả. Hiện nay chúng ta có khoảng gần 9.000 doanh nghiệp nông nghiệp nhưng hầu hết là những doanh nghiệp nhỏ, bởi vì có đến 90% trong số này có vốn dưới 10 tỷ đồng. Điều đáng chú ý là về quan điểm và chủ trương, chúng ta xác định là các doanh nghiệp nông nghiệp được ưu tiên nhưng trên thực tế không phải như vậy. Đơn cử như chúng ta có khoảng 40 doanh nghiệp mía đường liên quan đến 40 vạn hộ nông dân trồng mía, khoảng 1 triệu lao động, nhưng các doanh nghiệp chưa được hưởng ưu đãi giống như các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong các lĩnh vực công nghiệp thương mại và dịch vụ. Hay một số trang trại của nông dân trồng cà phê, làm lâm nghiệp, khi chuyển sang mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn phải nộp tiền thuê đất và không được hưởng ưu đãi. Là người đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của nông dân, vậy theo ông thời gian tới chúng ta cần làm những gì để thúc đẩy các nguồn lực đầu tư khu vực nông nghiệp, thưa ông? Có rất nhiều điều phải làm cho khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Nhưng theo tôi, chốt vẫn là cơ cấu đầu tư chưa hợp lý. Chưa hợp lý giữa đầu tư cho cơ sở hạ tầng với đầu tư cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp với đầu tư phát triển đào tạo nguồn nhân lực, với chế biến bảo quản sau thu hoạch, với đầu tư cho khoa học công nghệ và kỹ thuật… Chính vì những sự chưa hợp lý này, chẳng hạn, trong đầu tư khoa học kỹ thuật chưa tương xứng nên ở nước ta trong sản xuất nông nghiệp tổn thất sau thu hoạch rất lớn. Tôi cho rằng nhất thiết phải cơ cấu lại đầu tư cho khu vực tam nông mới khắc phục được những tồn tại hiện nay. Xin trân trọng cảm ơn ông! Khánh Ly (thực hiện) |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã