Học tập đạo đức HCM

Đồng bằng sông Cửu Long tạo đà phát triển bền vững

Thứ tư - 30/08/2017 19:06
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa lớn nhất của cả nước, đồng thời là vùng trọng điểm thủy sản, trái cây, nông sản; hằng năm đóng góp khoảng 90% sản lượng gạo, 70% sản lượng trái cây, 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước. Thời gian vừa qua, kinh tế của vùng tăng trưởng khá tốt; cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, môi trường kinh doanh năng động; nguồn lao động dồi dào, chất lượng ngày càng tăng. Tuy nhiên, đến nay ĐBSCL vẫn chưa thật sự là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.


Dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH MTV Dược phẩm Hậu Giang, Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A (Hậu Giang).

 

Nỗ lực khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế

ÐBSCL có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nước ta. Nhiều năm qua, Ðảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt, chỉ đạo và đầu tư, hỗ trợ ÐBSCL nhiều mặt. Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các địa phương, toàn vùng đã nỗ lực huy động nhiều nguồn lực mới, tạo bước chuyển mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, toàn vùng hiện có 20 khu công nghiệp (KCN) và 177 cụm công nghiệp (CCN) đang hoạt động. Ðến nay, vùng ÐBSCL có hơn 53 nghìn doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực chế biến nông, thủy sản, phát triển đô thị, giao thông vận tải, thương mại - dịch vụ - du lịch..., giải quyết việc làm cho hơn hai triệu người lao động. Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Sơn Minh Thắng cho biết, vài năm gần đây, tốc độ thu hút các dự án FDI ở ÐBSCL tăng khá nhanh. Tính đến thời điểm này, toàn vùng thu hút 1.205 dự án FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 18 tỷ USD; trong đó tỉnh Long An dẫn đầu với gần 400 dự án có số vốn còn hiệu lực cao nhất 6,3 tỷ USD. TP Cần Thơ, trung tâm ÐBSCL đổi thay từng ngày, là điểm đến của các nhà đầu tư. Sáu tháng đầu năm 2017, thành phố cấp mới đăng ký kinh doanh cho 626 DN, với tổng vốn đăng ký 2.585 tỷ đồng ; thu hút 11 dự án đầu tư (10 dự án trong nước và một dự án FDI), tổng vốn đăng ký 2.704,4 tỷ đồng. Ðến nay, TP Cần Thơ có 415 dự án, tổng vốn đầu tư 74.805,9 tỷ đồng. Trong đó, 340 dự án đầu tư trong nước có tổng vốn đăng ký 61.248 tỷ đồng và 75 dự án FDI có tổng vốn đăng ký 14.054,5 tỷ đồng (651,2 triệu USD).

Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Quận cho rằng, nhờ thực hiện tốt các chỉ số chi phí gia nhập thị trường, chi phí thời gian, cải cách thủ tục hành chính, thiết chế pháp lý... được các DN nhìn nhận, đánh giá cao về sự năng động trong giải quyết khó khăn, vướng mắc, đã tạo dựng lòng tin cho DN tìm kiếm cơ hội đầu tư. Là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, các tỉnh, thành phố ÐBSCL có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghệ sinh học, cơ khí và dịch vụ nông nghiệp, chế biến thực phẩm và một số ngành mới như điện gió, điện mặt trời, một số ngành đang có tốc độ đầu tư nhanh như may mặc, giày da... Huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) nằm trong bản đồ du lịch quốc gia và thế giới.

Gỡ "nút thắt" để phát triển bền vững

Tuy đạt được một số thành tựu quan trọng, nhưng tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở ÐBSCL vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém như: Kinh tế tăng trưởng chưa ổn định và vững chắc, chưa tương xứng với lợi thế, tiềm năng của vùng; việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đưa tiến bộ khoa học - công nghệ vào sản xuất còn chậm; nhiều KCN được thành lập nhưng thu hút đầu tư nước ngoài còn khiêm tốn;...

Mặt khác, hiện nay ÐBSCL chưa có chính sách đặc thù, nhất là liên kết vùng; sự hợp tác liên kết trong quá trình đầu tư sản xuất nông nghiệp và công nghiệp chế biến còn lỏng lẻo; chưa có quy hoạch đồng bộ nguồn nguyên liệu tập trung ở một số địa phương, thiếu sự phân bổ cho các tỉnh tập trung sản xuất công nghiệp chế biến; một số địa phương có lợi thế giao dịch thương mại, hậu cần... chưa phát huy được thế mạnh. Ðiều này khiến sức hút đầu tư vào vùng gặp nhiều khó khăn, nhất là thu hút vốn FDI. Hơn nữa, các nhà đầu tư nước ngoài còn thiếu thông tin về cơ hội, chính sách đầu tư, thiếu hụt nhân công có tay nghề,... Các DN trong khu vực cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nhất là thị trường ngày càng bị thu hẹp, các chi phí sản xuất ngày càng tăng, cho nên nhiều DN không vay đầu tư mới mà chỉ vay vốn lưu động phục vụ sản xuất.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư tỉnh Cà Mau Mai Hữu Chinh thừa nhận: Là một trong bốn tỉnh kinh tế trọng điểm của vùng ÐBSCL, thời gian qua Cà Mau đã có những chính sách thu hút đầu tư. Nhưng đến nay, tỉnh cũng chỉ thu hút được 265 dự án, với tổng vốn hơn 84 nghìn tỷ đồng. Riêng từ năm 2016 đến nay, Cà Mau thu hút bốn dự án từ nhà đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký hơn 700 tỷ đồng. Phần lớn các dự án này đều của DN vừa và nhỏ, công nghệ trung bình, vốn thấp... Nguyên nhân là do Cà Mau nằm xa trung tâm TP Hồ Chí Minh nơi có nguồn nguyên liệu và công nghiệp phụ trợ; khoảng cách đi lại còn xa, qua nhiều trạm thu phí đường bộ, khiến chi phí tăng cao. Nhiều DN đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng điện gió, điện mặt trời nhưng hiện địa phương không còn nhiều quỹ đất cho nhà đầu tư.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Lữ Văn Hùng cho biết, mặc dù có nhiều cố gắng trong thu hút các nhà đầu tư, nhưng tỉnh còn nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng, thiếu quỹ đất sạch, kinh phí giải phóng mặt bằng; thủ tục hành chính còn rườm rà, phong cách làm việc của một bộ phận cán bộ công chức chưa tốt; trình độ tay nghề của người lao động chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng của DN, làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thu hút đầu tư. Là tỉnh có tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp, có cả Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô 5.200 ha ở huyện Long Mỹ với nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt, nhưng đến nay vẫn chưa có DN nào vào đầu tư.

Trên thực tế, các tỉnh, thành phố trong vùng tiến hành quy hoạch, xây dựng các KCN, CCN kêu gọi đầu tư nhưng phần lớn các dự án đều có quy mô tương đối giống nhau. Kết quả là đầu tư trùng lắp, manh mún, hiệu quả sản xuất, kinh doanh chưa cao.

Ðể gỡ "nút thắt" này, theo các chuyên gia kinh tế, liên kết vùng được xem là giải pháp có tính chiến lược nhằm đẩy mạnh thu hút nguồn vốn FDI và định hướng ưu tiên cho nông nghiệp, nông thôn. Ðiều này đòi hỏi các tỉnh, thành phố trong khu vực hợp tác và liên kết lại để có tiếng nói chung. Ðây là chiến lược quan trọng, nhằm khắc phục những yếu kém, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào ÐBSCL, trong đó, tập trung vào các lĩnh vực mà các địa phương có lợi thế nhằm tạo động lực phát triển chung cho toàn vùng. ÐBSCL đang đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào 72 dự án thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo cơ khí phục vụ nông nghiệp công nghệ cao,... với tổng nguồn vốn bốn tỷ USD. Việc thu hút FDI đang đặt ra yêu cầu đột phá về cơ chế, chính sách, nhất là cần xây dựng chương trình liên kết vùng với các dự án sản xuất và tiêu thụ nông thủy sản; chính sách phát triển những sản phẩm chủ lực...

Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Võ Thị Hồng Ánh khẳng định: Với lợi thế là trung tâm ÐBSCL, có Vườn ươm Công nghệ công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc nằm trên địa bàn, Cần Thơ đang được các nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm với các dự án nâng cao cơ giới hóa nông nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. TP Cần Thơ hiện có hai dự án lớn của nhà đầu tư Hàn Quốc là Nhà máy sản xuất bán thành phẩm giày thể thao của Tập đoàn Tae Kwang và Trung tâm thương mại Lotte Mart Cần Thơ. Dự kiến, khi đi vào hoạt động vào cuối năm 2017, hai dự án sẽ giải quyết việc làm cho hơn 35 nghìn người lao động. Ðồng thời, cùng với chính sách ưu đãi cho ba lĩnh vực: chế biến nông sản, thủy sản, cơ khí chế tạo, Cần Thơ đã và đang tận dụng những lợi thế, tiềm lực sẵn có, mở ra nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư vào các dự án lớn, công trình mang tính chất vùng, liên vùng có trọng tâm, trọng điểm.

Với sự nỗ lực của các tỉnh, thành phố vùng ÐBSCL trong thu hút đầu tư, cùng với việc tăng cường liên kết khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có, chắc chắn sẽ mở ra luồng sinh khí mới, hấp dẫn các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo đà cho nền kinh tế của vùng phát triển vững chắc

Theo báo nhandan.com.vn


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập724
  • Hôm nay76,783
  • Tháng hiện tại741,108
  • Tổng lượt truy cập93,118,772
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây