Những cánh đồng màu mỡ giờ đây trở thành nơi chăn thả trâu bò Nghịch lý Những vựa lúa trên vùng đất Hà Tĩnh thời gian này đang kỳ làm đòng. Thế nhưng đâu đó bên cạnh những thửa ruộng lúa xanh tốt là những ô thửa bị bỏ hoang thành nơi cho cỏ mọc, chăn thả trâu bò. Về huyện Can Lộc những ngày này không khó để tìm những thửa ruộng như thế. Xã Trường Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh) vốn là một xã thuần nông, mấy năm nay người dân đã rộ lên phong trào đi làm thuê ở Lào, Thái Lan, Đài Loan hay làm ô sin tại các thành phố lớn trong nước...Tại đây đã có rất nhiều hộ nông dân viết đơn xin trả ruộng cho chính quyền. Gia đình chị Nguyễn Thị Hường (thôn Tân Tiến, xã Trường Lộc) là một trong những hộ nông dân sản xuất giỏi, nhà chị làm 7 sào (tương đương 3.500m2) nhưng năm nay chị quyết định trả hết toàn bộ số ruộng của mình. Chị vừa viết đơn trả ruộng cho xóm trưởng cách đây mấy ngày. Chị Hường ngao ngán nói: "Ruộng nhà tui đều là ruộng 2 vụ, tính ra thì một mùa một sào chỉ được 2 tạ ló (thóc) mà mần (làm) thì quá cực nhọc, chi phí vật tư thì cao mà giá bán ra lại quá rẻ mạt. Năm mô (nào) may mắn thì lời được một ít, còn không thì hòa vốn thậm chí bị lỗ nặng. Hai vợ chồng bàn bạc mãi cuối cùng quyết định trả ruộng để đi làm thuê chứ lâu nay làm nông thua lỗ, con cái đứa thì sinh viên, đứa thì sắp sang lớp 11, lấy tiền đâu cho chúng nó đóng học phí”. Chị còn cho biết: "Dân ở đây họ đi Thái, đi Lào làm thuê được nhiều tiền nên họ bỏ ruộng hết. Nhà chị Hoa Phú đi giữ con ở Hà Nội một tháng được 3 triệu bằng 6 tạ ló mà không phải đầu tư chi cả”. Cánh đồng thôn Tân Tiến có lợi thế bậc nhất ở xã Trường Lộc do ở vị trí đầu nguồn nước và có hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh. Thế nhưng thời gian gần đây, người dân không còn mặn mà gì với ruộng lúa, hầu hết lao động chính trong thôn đều bỏ đi xứ khác làm ăn. Họ chấp nhận cuộc sống làm thuê hơn là làm ruộng. Ông Hoàng Mạnh Hùng, Trưởng thôn Tân Tiến cho biết: "Vụ xuân năm ngoái đã có gần 20 đơn trả ruộng, năm nay cũng có trên 10 đơn trả ruộng. Nhưng điều nan giải nhất là dân không chỉ trả ruộng đấu thầu mà trả luôn cả ruộng cơ bản”. Chị Nguyễn Thị Loan (thôn Phúc Trường) than thở: "Năm nay gia đình tui làm hơn 3 mẫu. Do anh em họ hàng trả ruộng nên tui gom lại làm, không ngờ thửa thì bị sâu bệnh, thửa thì bị chuột phá nên mất trắng cả. Mỗi lần đi thăm ruộng là khóc rồi về không muốn làm chi nữa. Quanh năm chỉ biết có cây lúa mà có sống nổi với lúa mô. Cứ tình hình ni thì sang năm tui cũng làm đơn trả ruộng cho chính quyền để đi làm thuê”. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Tín, Phó Chủ tịch UBND xã Trường Lộc cho biết: "Hiện tại xã chưa thống kê chính xác được số diện tích mà người dân trả lại nhưng ước chừng khoảng 30ha, ngoài ra còn một số diện tích người dân bỏ hoang mà không làm đơn trả nữa. Hiện tại hơn nửa dân xã Trường Lộc đã ngoài tuổi lao động, còn đa phần lao động chính đã đi làm ăn ở xứ khác”. Không chỉ ở Can Lộc có hiện tượng này mà nhiều địa phương khác người nông dân cũng bỏ ruộng nhiều không kém như Hồng Lĩnh, Thạch Hà... Ngay như huyện Đức Thọ - một vựa lúa bậc nhất của Hà Tĩnh nhưng cũng có nhiều diện tích đất bị bỏ hoang hoặc chỉ trồng một vụ còn một vụ là ruộng hóa. Sau khi hoạch toán, mỗi sào ruộng người nông dân chỉ lãi được 212.000 đồng làm trong 6 tháng Đi tìm nguyên nhân, giải pháp Theo ông Đào Hữu Nhuận, Phó Chủ tịch Hội KH-KT Nông nghiệp Hà Tĩnh thì, hiện nay, hiện tượng bỏ ruộng có 3 hình thức, thứ nhất là bỏ không sản xuất, thứ hai bỏ do thiếu lao động, thứ ba là có lao động nhưng trả cả sổ đỏ không canh tác nữa. Sở dĩ nông dân bỏ ruộng là vì chi phí quá cao, sản phẩm thu được không bù đắp đủ chi phí, trong khi đó các khoản đóng nộp quá lớn. Tất cả đè lên người nông dân. Tư liệu sản xuất của nông dân là ruộng nhưng họ sẵn sàng bỏ ruộng và chấp nhận cuộc sống làm thuê bấp bênh. Hiện nay sản xuất nông nghiệp đang tồn tại nhiều bất cập. Theo tính toán của ông Nguyễn Xuân Tòng, Xóm trưởng xóm Tân An, xã Cẩm Bình (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) thì, nếu trừ chi phí vật tư, thuê máy, nhân công, thuế (chỉ tính ½ số tiền mỗi công lao động)…thì mỗi sào ruộng chỉ lãi được 212.000 đồng. Bình quân mỗi hộ ở xã Cẩm Bình sản xuất 8 sào thì lãi 1.696.000 đồng, chia cho 4 nhân khẩu trong 6 tháng thì mỗi tháng một người nông dân lãi được hơn 70.000 đồng. Tân An là 1 trong 3 thôn được chọn xây dựng khu dân cư mẫu của tỉnh, có nghĩa là thôn có điều kiện kinh tế, chính trị xã hội xếp loại tốt nhất tỉnh Hà Tĩnh và năm 2013 Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An đầu tư cánh đồng mẫu và thu mua giá thóc cao hơn thị trường 10% nên mới có giá trị như vậy, còn đối với những vùng khác thì không biết mỗi tháng người nông dân lãi được bao nhiêu!? Cũng theo ông Nhuận thì trước mắt cần phải "Soát xét lại tất cả các khoản thu của người nông dân từ đó miễn hoặc giảm các khoản thu cho nông dân đến mức tối đa nhằm khoan thư sức dân. Bên cạnh đó, Nhà nước nên có chính sách trợ giá vật tư, phân bón cho nông dân, nhưng phải trợ giá tận gốc – nơi sản xuất - nếu không tiền sẽ vào túi của tư thương. Mặt khác, phải đầu tư, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào nông nghiệp để người nông dân sản xuất có lãi, khi đó mới có thể khuyến khích được họ quay lại với đồng ruộng”. Không biết sẽ còn bao nhiêu nông hộ làm đơn trả ruộng? Câu hỏi này đang rất cần một lời giải từ phía các cấp chính quyền. Hạnh Nguyên Theo daidoanket.vn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;