Trước khi đến với nghề trồng nấm, chị Huyền từng làm nhiều nghề, nuôi trồng nhiều loại cây con khác nhau nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Qua sách báo chị biết được mô hình trồng nấm bào ngư cho hiệu quả kinh tế cao, sau đó chị lên mạng tự tìm hiểu về loại nấm đặc biệt này.
Trong quá trình tìm hiểu, chị nhận thấy, đây là loại nấm khá dễ trồng, thị trường tiêu thụ rộng lớn. Mặt khác nguồn nguyên liệu để trồng loài nấm này cũng rất dồi dào từ rơm rạ, mùn cưa...dễ kiếm, dễ tìm, dễ vận chuyển.
Anh Trần Tuấn Hữu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Tây đang dẫn phóng viên báo Dân Việt đi thăm quan mô hình trồng nấm bào ngư của gia đình chị Huyền.
Sau khi nắm được kỹ thuật trồng nấm, đầu năm 2012, chị Huyền bắt tay vào xây dựng lán trại, đầu tư trang thiết bị để trồng nấm bào ngư với quy mô lớn. Những năm đầu khởi nghiệp, chị Huyền gặp rất nhiều khó khăn từ về kinh nghiệm cho đến kỹ thuật, thậm chí cho đến cả thiên tai khiến gia đình chị nhiều lúc trắng tay.
“Do nhà gần biển nên thường xuyên bị bão thổi bay mất hết cả lán cũng như phôi nấm. Có bốn năm trồng nấm mà gia đình tôi phải ba lần dựng mới lại lán trại, cũng bằng đấy lần phải vay mượn khắp nơi để gây dựng lại cơ ngơi” chị Huyền nhớ lại.
Trong quá trình trồng nấm, chị Huyền không ngừng học hỏi thêm kinh nghiệm, tham gia vào các lớp tập huấn kiến thức, kỹ thuật trồng nấm, cũng như đi thăm quan các mô hình trồng nấm lớn ở trong và ngoài tỉnh để tích luỹ kinh nghiệm.
“Nấm bào ngư của gia đình tôi được trồng theo quy trình khép kín và không dùng các chất kích thích nên sản phẩm luôn đảm bảo, nhằm đưa ra thị trường sản phẩm nấm chất lượng, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng” chị Huyền chia sẻ.
Sau nhiều năm lăn lộn với nghề trồng nấm, đến nay quy mô trồng nấm bào ngư của gia đình chị Huyền đã lên tới gần 1.000 m2. Trung bình, mỗi tháng cơ sở sản xuất nấm của gia đình chị Huyền xuất bán ra thị trường gần 5 tấn nấm bào ngư với giá trên dưới 25.000 đồng/1kg. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi tháng gia đình chị Huyền lãi 20 triệu đồng.
Chia sẻ với Dân Việt, chị Huyền cho biết, nấm bào như hầu như trồng được quanh năm, chỉ mất 2 tháng là nóng nhất vào mùa hè là nấm phát triển hơi chậm. Trung bình trồng khoảng 1 tháng là bắt đầu cho thu hoạch và thu hái liên tục trong vòng hơn 4 tháng liền mới phải trồng mới lại. Sau khi trừ hết chi phí, mỗi một bịch trồng nấm lãi khoảng 10.000 đồng.
Sản phẩm sau khi thu hoạch về sẽ được đóng gói và được bán với giá 25 ngàn đồng/kg.
Chị Nguyễn Thị Huyền khẳng định, so với trồng các loại cây khác, trồng nấm thương phẩm có năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều, không phải suy nghĩ nhiều, vốn đầu tư ban đầu cho mô hình cũng không lớn lắm. Nguồn nguyên liệu để trồng nấm cũng dễ kiếm, chủ yếu là rơm rạ mùn cưa... nên chi phí khá thấp.
"Quan trọng là ngày càng có nhiều người tiêu dùng tìm tới nấm như là 1 sự lựa chọn dinh dưỡng tốt nhất cho bữa ăn của gia đình. Thêm vào đó, nhu cầu làm lẩu nấm ở các nhà hàng, khách sạn ngày càng lớn. Một nguồn tiêu thụ nấm cũng khá lớn và ngày càng phát triển đó là chế biến thành đồ ăn chay...", chị Huyền phân tích.
Chia sẻ về kỹ thuật trồng nấm bào ngư, chị Huyền cho hay, nấm là loại khá khó tính nên muốn trồng thành công phải hiểu về nó, cũng như nắm bắt được kỹ thuật trồng. Trong quá trình trồng nấm nói chung và nấm bào ngư nói riêng, khâu quan trọng nhất là khâu xử lý được nguyên liệu đầu vào, khâu này quyết định đến tỷ lệ thành công là 50%.
Nhờ trồng nấm bào ngư mà mỗi tháng gia đình chị Huyền bỏ túi đều đặn 20 triệu/tháng.
Nói về mô hình trồng nấm bào ngư của gia đình chị Huyền, anh Trần Tuấn Hữu-Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Tây cho biết, gia đình chị Huyền là một trong những hộ đi đầu và đang phát triển nghề trồng nấm ở xã Hải Tây. Đây là một mô hình cho hiệu quả thu nhập khá cao và giải quyết được công ăn việc làm cho rất nhiều lao động trên địa bàn xã.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;