Học tập đạo đức HCM

Nâng tầm hợp tác đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Thứ năm - 04/10/2018 10:18
30 năm qua, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đóng góp tích cực cho nền kinh tế Việt Nam, bổ sung vào nguồn vốn đầu tư phát triển, tăng ngân sách, thúc đẩy xuất khẩu,… và làm “thay da đổi thịt” nhiều địa phương.

 nqh_9509.jpg

Thủ tướng thăm gian hàng của các doanh nghiệp FDI.

Chặng đường 30 năm

Ngày 7/4/1988, giấy phép cho dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tiên chính thức được Bộ Kinh tế Đối ngoại cấp cho một liên doanh giữa Công ty Hochimex của Hồng Kông (Trung Quốc) và Công ty Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu. Những đồng vốn đầu tiên trị giá hơn 2 triệu USD lúc đó của Hochimex đi vào lịch sử thu hút vốn ngoại của Việt Nam.

Tổng kết 30 năm thu hút FDI, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố con số 334 tỷ USD vốn FDI đăng ký lũy kế kể từ trước tới nay, tiếp tục khẳng định Việt Nam là điểm sáng trong thu hút FDI trên toàn cầu. Đóng góp vào phân nửa con số ấy thực ra lại là khoản vốn đầu tư nước ngoài mà Việt Nam thu hút được trong 5 năm gần đây, sau khi tổng kết 25 năm thu hút FDI (năm 2013).

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), kể từ năm 2013 đến tháng 9/2018, Việt Nam đã thu hút được hơn 150 tỷ USD vốn FDI, chiếm gần 45% tổng vốn FDI mà Việt Nam thu hút được được 30 năm qua. 

Đánh giá về kết quả này, GS-TSKH. Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư, cho rằng, đó là kết quả tích cực, cho thấy những nỗ lực của Việt Nam trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cũng như trong thực hiện chiến lược thu hút, quản lý và sử dụng vốn FDI trong giai đoạn mới, được thể hiện cụ thể trong Nghị quyết số 103/2013/NQ-CP của Chính phủ. 

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị Tổng kết 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, Việt Nam tiếp tục khẳng định khu vực đầu tư nước ngoài là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế, được khuyến khích phát triển lâu dài phù hợp với mục tiêu, định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong trung và dài hạn.

Đổi thay từ dòng vốn ngoại

Đánh giá về đóng góp của nguồn vốn FDI đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, khu vực FDI đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu và hình thành một số ngành, sản phẩm mới, tạo sự đa dạng và gia tăng mức độ tinh xảo, phức tạp trong các sản phẩm. Dòng vốn FDI đang có xu hướng chuyển dịch từ các ngành thâm dụng lao động sang các ngành, nghề có giá trị gia tăng cao hơn như sản xuất máy vi tính, các sản phẩm điện tử, quang học và các ngành dịch vụ cho sản xuất.

Một số địa phương như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Thái Nguyên… đã “thay da đổi thịt” sau 30 năm mời gọi FDI. Điển hình như tỉnh Bắc Ninh, chỉ trong 5 năm gần đây, nhờ những đóng góp từ nguồn vốn FDI, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm 82% cơ cấu kinh tế của tỉnh. Các dự án FDI ở Bắc Ninh được đánh giá cao về chất lượng nhờ sự đầu tư của nhiều tập đoàn lớn mang thương hiệu toàn cầu như Canon (Nhật Bản), Samsung (Hàn Quốc), Pepsico (Mỹ), ABB (Thụy Điển).

Nhiều dự án tỷ USD trong các lĩnh vực công nghệ cao được các tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam. Năm 2013, Samsung đã chính thức khởi công Dự án Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT), vốn đầu tư 2 tỷ USD, tại Khu công nghiệp Yên Bình (Thái Nguyên); năm 2015, tiếp tục gây ấn tượng khi tăng vốn đầu tư lên 5 tỷ USD; dự án Samsung Electro-mechanics Việt Nam, vốn đầu tư 1,23 tỷ USD ở Thái Nguyên; Samsung cũng đồng thời tăng vốn đầu tư Dự án Samsung Electronics Việt Nam (SEV) lên 2,5 tỷ USD; đầu tư thêm Dự án SEHC 2 tỷ USD ở TP. Hồ Chí Minh và Dự án Samsung Display 6,5 tỷ USD ở Bắc Ninh, góp phần đưa tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam lên 17,3 tỷ USD.

Cùng với Samsung, người đồng hương LG cũng đã tăng đầu tư vào Việt Nam, với Dự án LG Electronics 1,5 tỷ USD ở Hải Phòng, sau đó là LG Innotek, LG Display. Tổng vốn đăng ký đầu tư của LG vào Việt Nam trong 5 năm qua lên hơn 4 tỷ USD.

Cũng trong giai đoạn này, hàng loạt dự án quy mô lớn cũng đã được cấp chứng nhận đầu tư và triển khai, góp phần quan trọng tăng năng lực cho nền kinh tế, tạo nền tảng cho tăng trưởng và phát triển của Việt Nam. Chẳng hạn, Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn tăng vốn thêm 2,8 tỷ USD; Dự án Thành phố thông minh 4,18 tỷ USD của Sumitomo và BRG; Dự án Thành phố thông minh gần 900 triệu USD ở TP. Hồ Chí Minh của Lotte; hay các dự án điện BOT quy mô hàng tỷ USD…

Nhờ thu hút nhiều dự án quy mô lớn, công nghệ cao của các tập đoàn lớn, kinh tế - xã hội Việt Nam đã có sự chuyển biến đáng kể trong thời gian qua. Chỉ 5 năm trước đây, không ai ngờ Việt Nam có thể trở thành cứ điểm sản xuất các thiết bị di động. 5 năm trước, cũng không chuyên gia kinh tế nào dự báo được, các dự án FDI đã góp phần rất lớn khiến Việt Nam có thể đạt tổng kim ngạch xuất khẩu trên 400 tỷ USD trong năm ngoái và từ nước nhập siêu lớn, Việt Nam  bắt đầu xuất siêu từ năm 2012. Chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, con số xuất siêu đã ở mức 5,39 tỷ USD…

nqh_9735.jpg
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị.

Thay đổi định hướng chiến lược thu hút FDI

Tuy vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, một số định hướng chiến lược thu hút FDI của Việt Nam vẫn chưa đạt kỳ vọng và tổng kết 30 năm thu hút FDI, nhìn về phía trước, thì Việt Nam phải có chính sách để làm sao khắc phục được những tồn tại, hạn chế. Hơn nữa, những thay đổi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, khu vực và trong nước cũng đang đặt ra yêu cầu phải có những thay đổi trong định hướng chiến lược về thu hút FDI giai đoạn tới.

Theo Bộ trưởng Dũng, mục tiêu tổng quát trong thời gian tới là thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vốn, công nghệ cao, tiên tiến, quản trị hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng công nghiệp 4.0.

Về định hướng ngành, lĩnh vực, Bộ trưởng cho rằng, cần tập trung ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất thiết bị y tế, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh…

Về định hướng theo địa phương, vùng, cần tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với lợi thế, điều kiện, trình độ phát triển và quy hoạch từng địa phương trong mối liên kết vùng, đảm bảo hiệu quả tổng thể kinh tế - xã hội - môi trường. Đối với những địa bàn, khu vực nhạy cảm, liên quan đến quốc phòng, an ninh, khu vực biên giới, vùng biển, hải đảo, vùng đặc quyền kinh tế, việc thu hút đầu tư nước ngoài cần được xem xét chặt chẽ, vấn đề bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia phải được đặt lên hàng đầu. 

“Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi mong muốn các bạn đến với Việt Nam trong tâm thế của những nhà đầu tư có thiện chí, có trách nhiệm, với những cam kết và hành động cụ thể, thực chất để đầu tư kinh doanh lâu dài trên cơ sở hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, của Nhà nước và của cộng đồng”, Bộ trưởng Dũng phát biểu.

tt.jpg

Thủ tướng trao Bằng khen cho các cá nhân và tập thể có nhiều đóng góp trong quá trình xúc tiến phát triển FDI.  

Cần hoàn thiện khung pháp luật liên quan đến đầu tư

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, tổng kết 30 năm qua cho thấy việc mở cửa thu hút vốn FDI là chủ trương đúng đắn, góp phần thực hiện nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội quan trọng của đất nước.

Theo Thủ tướng, cũng cần nhìn thẳng vào những hạn chế tồn tại, cả những thua thiệt trong thu hút FDI. Các doanh nghiệp FDI về cơ bản đang sử dụng công nghệ trung bình hoặc trung bình tiên tiến so với khu vực. Chưa có nhiều tập đoàn đa quốc gia trong các lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, công nghệ nguồn.

Liên kết giữa khu vực FDI, khu vực trong nước và chuyển giao công nghệ chưa đạt như kỳ vọng, chủ yếu là gia công lắp ráp, tỷ lệ nội địa hóa trong một số ngành thấp, giá trị gia tăng trên một đơn vị sản phẩm không cao. Một số dự án FDI tiêu tốn năng lượng, tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường; còn có biểu hiện báo lỗ - chuyển giá; đầu tư chui...

Thủ tướng nêu rõ và khẳng định, khu vực FDI là bộ phận hữu cơ của nền kinh tế Việt Nam và đang đồng hành cùng lớn lên với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Các doanh nghiệp có vốn FDI là những thành viên tích cực trong đại gia đình các doanh nghiệp Việt Nam. Việt Nam tự tin và tiếp tục thực hiện nhất quán chủ trương hợp tác FDI.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, chính quyền địa phương tập trung làm cho được điều mà các nhà đầu tư luôn cần là: Giữ vững ổn định chính trị - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô. Hoàn thiện khung pháp luật liên quan đến đầu tư, hoàn thiện chính sách ưu đãi về đầu tư, đảm bảo nhà đầu tư phải thực hiện các cam kết đề ra. Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước liên doanh, liên kết, góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của doanh nghiệp FDI trong các dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ mới, công nghiệp hỗ trợ....

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin rằng, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam sẽ tiếp tục thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài đóng góp vào sự phát triển.

Thủ tướng cũng bày tỏ cảm ơn, đánh giá cao các nhà đầu tư nước ngoài đã tin tưởng Việt Nam, lựa chọn Việt Nam và đã đồng hành, lớn lên cùng Việt Nam. “Các bạn đã cùng chúng tôi vượt qua khó khăn và đóng góp thiết thực và hiệu quả cho sự phát triển của Việt Nam trong suốt chặng đường 30 năm qua”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Tính từ khi Luật Đầu tư nước ngoài ra đời năm 1987 đến nay, đã có 129 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng cộng 26.500 dự án.

Năm 2013, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt trên 21,628 tỷ USD. Năm 2014, con số là 21,92 tỷ USD. Năm 2015 là 22,75 tỷ USD. Năm 2016 là 24,4 tỷ USD và 2017 là con số kỷ lục 35,88 tỷ USD. 

9 tháng qua, đã có 25,37 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, bao gồm cả vốn cấp mới, tăng thêm và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần. Song FDI trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp chỉ chiếm 1,01%.

 Theo kinhtenongthon.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập250
  • Máy chủ tìm kiếm17
  • Khách viếng thăm233
  • Hôm nay42,079
  • Tháng hiện tại817,357
  • Tổng lượt truy cập91,991,086
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây