Nhưng nay, nhím đang rớt giá thê thảm. Sự phát triển quá nóng theo "hiệu ứng đám đông" tất yếu dẫn đến hệ lụy này. Giá giảm từng ngày Chỉ cần gõ trên trang tìm kiếm lớn nhất thế giới Google từ khóa "nhím giống giá rẻ" sẽ cho khoảng 591.000 kết quả, nhím từ một con vật nuôi "quý tộc, danh giá", chỉ người giàu mới dám đầu tư đã được rao bán rầm rộ trên các trang mua bán trực tuyến với những lời quảng cáo, khuyến mại hấp dẫn. Ngày trước, để mua được nhím giống, có khi người nuôi phải đặt tiền trước hàng tháng thì nay, khi mua nhím, người mua sẽ được tiếp cận với "giá cả hợp lý, có giấy tờ xuất trại hợp lệ của trạm kiểm lâm, khi mua quý khách sẽ được tư vấn kỹ thuật làm chuồng trại và nuôi nhím sinh sản đạt kết quả cao nhất" (lời quảng cáo của trại nhím giống Hà Đông có địa chỉ tại Kim Nỗ, Đông Anh, Hà Nội được rao trên trang web vatgia.com). Cũng trên trang vatgia.com, một tài khoản đến từ Tiền Giang còn rao bán nhím với giá 2 triệu đồng/cặp... Điều đó có nghĩa nhím đã không còn sức hút như ban đầu và sức mua đang trầm lắng. Số phận con nhím chưa kịp đi hết những ngày tháng huy hoàng, nghĩa là chưa kịp giúp những nông dân ôm mộng làm giàu thỏa nguyện ước mơ đã rơi xuống đáy. Hiện, một cặp nhím giống 4 - 5kg (4 tháng tuổi) có giá chỉ 2 triệu đồng, nhím thương phẩm 150.000 - 180.000 đồng/kg (trước đây là 500.000 đồng/kg). Mức giá này được cho là thấp nhất từ trước đến nay. Nhím giảm giá là một chuyện nhưng những người trót đầu tư nhiều tiền của giờ cũng đang "ngồi trên đồng lửa" vì nguy cơ thua lỗ. Có một câu chuyện cười ra nước mắt ở huyện Sông Mã, nơi được coi là "thủ phủ" nhím của tỉnh Sơn La, đó là 80 con nhím, trong đó có 30 cặp bố mẹ từng được một người từ tận Hải Phòng đánh xe lên trả giá 1,2 tỷ đồng nhưng gia chủ không bán đợi giá lên cao nhưng chỉ sau vài tháng, giá giảm chỉ còn 400 triệu đồng. Điều đáng nói là giao dịch trên thị trường có dấu hiệu "đóng băng". Tại huyện Đông Hưng (Thái Bình), nhiều gia đình, nhất là những hộ mới đầu tư nuôi con vật này đang đứng ngồi không yên vì nhím đang giảm giá từng ngày. Hiện, trên địa bàn huyện có hàng chục hộ được cấp phép nuôi nhím, bởi người ta từng kháo nhau rằng, nuôi nhím cho lợi nhuận cao hơn cả trồng cây cảnh bởi nhu cầu nhiều nhưng nguồn cung khan hiếm. Hấp dẫn cũng phải thôi khi có thời điểm một đôi nhím giống dễ dàng bán với giá 16 - 18 triệu đồng, nhím thương phẩm 350.000 - 500.000 đồng/kg, trong khi cả báo chí, nhà khoa học, ngành chức năng và những người đi tiên phong đều "quảng cáo": Nhím dễ nuôi, dễ chăm sóc, ít bị dịch bệnh, thức ăn lại vô cùng dễ kiếm (vốn là những thứ rau, củ, quả bỏ đi). Phải chăng, truyền thông cũng có một phần trách nhiệm trong phong trào nuôi nhím phát triển đến mức khó kiểm soát?. Những hộ khi quyết định chọn nhím làm con vật đầu tư đều làm một phép tính đơn giản: nếu mua một đôi nhím giống với giá 18 triệu đồng, sau 6 tháng nhím sinh sản sẽ được thêm đôi nhím, trong khi chi phí thức ăn chỉ khoảng 2 triệu đồng. Cứ như vậy nhân lên, sau hơn 1 năm là có lãi. Nhưng bà con không tính đến việc nếu phát triển ồ ạt, cung vượt cầu thì sẽ bán cho ai. Một anh bạn đồng nghiệp của tôi kể một câu chuyện vừa buồn cười vừa đau lòng, đó là một số hộ nuôi nhím quy mô nhỏ ở Sóc Sơn (Hà Nội) vì không bán được nhím đành giết thịt ăn dần. Nghe có vẻ xa xỉ nhưng đằng sau câu chuyện ấy là nỗi đắng lòng của chính những người nông dân khi giấc mơ của họ đã tan theo mây khói. Người ta từng định giá một cặp nhím giống bằng một lượng vàng, giờ thì 1 lượng vàng mua được 10 cặp nhím. Sự đảo chiều ấy liệu có khiến ngành chức năng nhìn nhận, đánh giá một cách nghiêm túc cái gọi là "phát triển theo phong trào" vốn được nhắc đến nhiều nhưng chưa có giải pháp khắc phục?. Phát triển quá "nóng" Có nhiều lý do giải thích cho việc thị trường nhím bão hòa, người ta có thể đổ lỗi cho suy thoái kinh tế, người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng nên những món đặc sản xa xỉ như nhím sẽ không dám "mơ" tới. Nhưng đó chỉ là bề nổi, gốc rễ sâu xa của vấn đề này vẫn là phát triển quá "nóng" theo phong trào, dẫn đến cung vượt cầu. Đơn cử như tại Quan Hóa, huyện có số hộ nuôi nhím và tổng đàn lớn nhất tỉnh Thanh Hóa, theo thống kê của Hạt Kiểm lâm, trên địa bàn huyện có 209 hộ nuôi nhốt nhím với tổng đàn trên 1.000 con, chưa kể những hộ nuôi nhỏ lẻ một vài con. Còn tại huyện Sông Mã, theo thống kê chưa đầy đủ, hiện có trên 500 hộ đang theo nghề này. Chạy đua theo phong trào thể hiện ở chỗ, khi giá nhím lên đỉnh điểm, có gia đình ở Sông Mã vay ít thì trăm triệu đồng, nhiều lên đến 500 triệu đồng đầu tư nuôi nhím. Vốn chưa kịp thu, giờ gánh thêm khoản lãi trong điều kiện thị trường "đóng băng" khiến những hộ trên dở khóc dở mếu, thậm chí có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo vì nợ nần chồng chất. Ông Lành Văn Khoa, Chi hội trưởng Hội Chăn nuôi nhím Sông Mã cho biết, nhím xuống giá do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do thị trường đã gần như bão hòa. Đặc biệt, năm ngoái giá nhím tăng cao, gần 20 triệu đồng/đôi nên nhiều người đã vay vốn ngân hàng hoặc có vốn lớn đua nhau đầu tư nuôi. Ngoài ra, còn có hiện tượng người dân tự tạo giá ảo khiến giá nhím không đúng với thực tế. Đó là hệ quả tất yếu của việc làm theo "đám đông".
Bắc Giang cũng là địa phương có phong trào nuôi nhím phát triển khá mạnh. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn tỉnh có 459 cơ sở được cấp phép gây nuôi động vật hoang dã với gần 17.000 cá thể, trong đó chiếm hơn 50% là nhím. Giờ đây, khi nhím rớt giá từng ngày, người ta mới nhận ra làm theo phong trào như con dao hai lưỡi. Nếu phát triển ồ ạt sẽ dẫn đến tình trạng mất giá, thậm chí không tiêu thụ được, gây thiệt hại cho người sản xuất. Bài học và những rủi ro từ cách làm theo "đám đông", theo phong trào mà thiếu sự tính toán, chuẩn bị chu đáo vẫn còn nguyên tính thời sự, do vậy người gây nuôi động vật hoang dã nói chung, nuôi nhím nói riêng cần chủ động nắm bắt thông tin, tạo "nền" vững chắc về giống, vốn, kỹ thuật và đầu ra cho sản phẩm để tránh thiệt hại. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp và cơ quan kiểm lâm cần tăng cường kiểm tra, quản lý, cấp phép cho các cơ sở, gia đình có đủ điều kiện, tạo cơ sở pháp lý cho việc chăn nuôi, trao đổi, mua bán hợp pháp động vật hoang dã, trong đó có nhím; có định hướng để nghề nuôi nhím thực sự mang lại hiệu quả kinh tế. Sau nhím, bây giờ người ta đang đưa con lợn rừng lai "lên tận mây xanh" với những lời quảng cáo "có cánh": Dễ nuôi, đầu ra rộng mở, ít tốn chi phí,… Nhiều trang trại, bên cạnh các con vật nuôi truyền thống cũng kiếm vài con lợn rừng nuôi thử. Liệu số phận của lợn rừng có rơi vào vết xe đổ của nhím khi ai cũng chạy theo phong trào và mơ hồ về thị trường tiêu thụ vì "chỉ nghe người ta nói" giá lợn rừng (trước kia là nhím) đang cao ngất ngưởng, đầu tư một vốn bốn lời. Một câu hỏi đặt ra là, vai trò của ngành chức năng ở đâu trong việc người dân ồ ạt nuôi nhím, hay chỉ đến khi giá giảm, người nuôi thua lỗ mới đưa ra khuyến cáo?. Khi viết những dòng này, trong suy nghĩ của tôi có một chút ân hận, bởi với tư cách là người làm báo, cũng có lúc tôi tôn vinh nghề này như một hướng đi hiệu quả, xóa đói giảm nghèo nhanh. Liệu có phải vì sức mạnh của truyền thông, vì những lời "có cánh" truyền thông dành cho nghề này mà người nông dân ồ ạt làm theo?
Khánh Phương |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã