Học tập đạo đức HCM

Bám biển làm giàu

Chủ nhật - 19/08/2012 22:44
Mở rộng ngư trường kết hợp với bảo đảm an ninh quốc phòng trên biển và đầu tư hiện đại các đội tàu công suất lớn cùng với cơ sở hậu cần nghề cá theo hướng đồng bộ, bền vững và hiệu quả là nhiệm vụ hết sức quan trọng đòi hỏi các ngành chính quyền địa phương các cấp và cộng đồng ngư dân cùng chung tay góp sức từng bước đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển.
 
Tàu anh Lê Văn Sang sau chuyến đi biển trở về đầy cá.  
 
Bài 1: Ðầu tư phát triển nghề cá

Những năm gần đây, nghề cá được Nhà nước quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ cho ngư dân phát triển sản xuất, khai thác xa bờ (KTXB) an toàn và hiệu quả. Trên hành trình phát triển nghề cá, trong đó khai thác hải sản (KTHS) đã, đang gặp  nhiều khó khăn như ngư trường hạn hẹp, nguồn lợi ngày càng cạn kiệt;  giá cả nhiên liệu biến động... Việc đầu tư phương tiện đánh bắt mặc dù được cải thiện nhưng còn lạc hậu. Ðời sống ngư dân khó có thể nói hết được những gian khổ, vất vả, hiểm nguy... Ðể phát triển nghề cá nói chung, nghề KTHS rất cần sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước và sự chung tay của đồng bào cả nước với ngư dân trên hành trình ra khơi.

Khó khăn trong đầu tư mở rộng ngư trường

Nước ta có bờ biển trải dài hơn 3.260 km từ bắc vào nam, vùng biển đặc quyền kinh tế rộng hơn một triệu km2 và có 28 tỉnh, thành phố có biển, hải đảo. Lớp lớp ngư dân luôn nuôi khát vọng bám biển, giữ đảo. Nhiều hộ ngư dân đã vượt qua khó khăn, mạnh dạn đầu tư, đóng mới phương tiện đánh bắt xa bờ (ÐBXB), hướng ra biển lớn đánh bắt hải sản.

Có mặt ở Hợp tác xã (HTX) tàu thuyền Cổ Lũy, xã Nghĩa Phú, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) những ngày đầu tháng tám, mới thấy không khí lao động nơi đây hết sức khẩn trương. Dưới nắng hè oi bức, ngột ngạt, trong tiếng khoan, cắt gỗ; tiếng hò dô của hơn 50 thợ tất bật gánh chân vịt kịp hạ thủy những con tàu công suất lớn phục vụ cho những chuyến ÐBXB. Ông Nguyễn Hữu Lệ, quê xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa) cho biết: Gia đình có hai tàu công suất 90CV, nhưng chỉ đi đánh bắt gần bờ, bây giờ muốn ra ngư trường mới phải đầu tư tàu lớn và gia đình quyết định chọn Cổ Lũy đặt đóng thêm một chiếc tàu 600CV (trị giá hơn 2,2 tỷ đồng) cho những chuyến đi biển sắp tới. Tuy nhiên, hiện ngư dân đang gặp khó khăn do thiếu vốn cho nên chỉ lắp đặt những thiết bị thủ công, còn máy móc, thiết bị thông tin hiện đại chưa đủ sức.   

Ông Lệ cho biết thêm, để đóng tàu lớn vươn ra khơi xa, không phải nơi nào cũng đóng được, và lý do chọn Cổ Lũy bởi nơi đây hội tụ được nhiều yếu tố như mẫu mã đẹp, chất lượng gỗ tốt, kỹ thuật (kinh nghiệm) đóng chuyên nghiệp hơn các tỉnh phía bắc, và giá thành có thể chấp nhận được.   

Theo thợ đóng thuyền Lê Văn Ðông (xã Nghĩa Hà), để đóng một con tàu hoạt động bám biển dài ngày, phải trải qua tám công đoạn chính. Từ việc chọn gỗ, làm nong cốt, khung xương cho đến việc lắp ghép hệ thống then hạ, lắp đặt vỏ... cho con tàu đều được các thợ đóng tàu lành nghề thực hiện nghiêm ngặt, bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật. Trong quá trình thi công, các hạng mục đều được cán bộ kỹ thuật và thợ cả kiểm tra, giám sát chặt chẽ.

Chủ nhiệm HTX tàu thuyền Cổ Lũy Phan Như Huỳnh cho biết: Trước đây, mỗi năm HTX chỉ đóng 10 tàu nhỏ dưới 90 CV, nhưng bây giờ nhu cầu của ngư dân vươn ra khơi xa cho nên sáu tháng đầu năm nay, hơn 30 chiếc tàu công suất lớn ÐBXB đã được đưa xuống nước.

Chủ trương hỗ trợ KTXB của Chính phủ tiếp tục là đòn bẩy để phát triển nghề cá truyền thống và nâng cao hiệu quả kinh tế biển. Từ nguồn vốn tích góp và vốn vay, nhiều hộ gia đình quyết tâm đầu tư đóng mới tàu công suất lớn để vươn ra khơi xa KTHS. Tuy nhiên, trên thực tế ở một số địa phương xuất hiện tình trạng do khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng cho nên nhiều hộ ngư dân phải tự phát huy "nội lực", huy động họ hàng góp vốn đóng tàu mới. Anh Phạm Hồng Tý, ngư dân khu phố 6, phường Phú Ðông, TP Tuy Hòa (Phú Yên) ngồi giám sát con tàu sắp hoàn thành, cho rằng: Ðể đóng mới một con tàu 400CV phải đầu tư khoảng 1,7 tỷ đồng. Nhưng khi làm thủ tục vay vốn, ngân hàng báo chỉ cho vay 200 triệu đồng vậy nhưng chờ mãi vẫn không vay được.

Ðể vay được tiền, phía ngân hàng yêu cầu đủ thứ. Nào là chứng minh tài sản, bản vẽ thiết kế tàu và phải có hồ sơ đăng kiểm (tàu đang đóng làm sao có hồ sơ đăng kiểm)... Thấy thủ tục rườm rà quá, đành phải vay mượn anh em để kịp hoàn thiện tàu. Nếu chờ vốn ngân hàng, không biết bao giờ mới đóng được tàu để ra khơi! Anh Tý nói.

Trên thực tế, không ít trường hợp như anh Tý. Nhiều ngư dân ở các địa phương vẫn gặp phải những khó khăn do thủ tục, chính sách hoặc khó tiếp cận nguồn vốn để đóng tàu mới... Anh Nguyễn Thanh Hương, thôn Cổ Lũy, xã Nghĩa Phú (Quảng Ngãi), với thâm niên hơn 25 năm đi biển chia sẻ nguyện vọng, mong muốn ra khơi, làm chủ con tàu. Gia đình anh Hương có bốn lao động thường xuyên đi bạn (đi đánh cá thuê), thu nhập thất thường. Hai năm lại đây, anh và ba đứa con góp tiền, vay mượn đóng một chiếc tàu ÐBXB, nhưng do vốn ít, giá cả vật liệu tăng cao; vay ngân hàng gặp nhiều thủ tục khó khăn, cho nên dù kinh nghiệm có, sức người có, nhưng "bất lực" vì thiếu vốn cho nên ước mơ có tàu đi biển vẫn là mơ ước mà thôi!  

Liên kết bám biển

Ðể bám biển, phần lớn ngư dân ở 28 tỉnh, thành phố ven biển đã tự vượt qua những khó khăn, thách thức, tiếp tục đầu tư đóng mới tàu công suất lớn ÐBXB, trong đó nhiều ngư dân mạnh dạn bỏ ra từ ba đến năm tỷ đồng để đóng tàu dịch vụ hậu cần nghề cá (HCNC), vừa hỗ trợ bà con yên tâm đánh bắt, vừa là chiếc "phao" tiếp sức ra ngư trường mới với ý chí, khát vọng vươn khơi và làm giàu từ biển. 

 Chúng tôi tìm gặp chủ nhân con tàu số hiệu ÐNa 90567TS-có công suất gần 1.000CV, được đầu tư hơn ba tỷ đồng của chủ tàu Trần Văn Mười (35 tuổi, phường Mân Thái, quận Sơn Trà). Tàu được trang bị đầy đủ hệ thống chuyên dụng hiện đại, bảo đảm cho 40 lao động làm việc trong vòng 90 ngày trên vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa... Tàu vừa trở về tại cảng cá Thuận Phước sau chuyến đi dài với hầm cá, mực đầy ắp. Ngồi trong buồng lái, anh Mười vui vẻ cho biết: "Tàu mới đi biển được mấy chuyến nhưng hiệu quả thấy rõ, hành trình hoạt động xa hơn, năng suất cũng cao hơn và lợi nhuận từ chuyến đi tăng cao hơn trước. Ngư dân bây giờ chỉ có vươn ra khơi xa trên tàu công suất lớn mới đánh bắt hiệu quả và làm chủ được ngư trường mới". 

Sau khi những con tàu "anh cả" ra khơi, con tàu hậu cần lớn tiếp tục được hạ thủy tại khu đóng sửa tàu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Ðà Nẵng). Tàu dịch vụ HCNC vỏ gỗ, chiều dài 26m, rộng 6m, tổng công suất 1.200CV của chủ tàu Lê Văn Sang (sinh năm 1985, ở phường Thuận Phước, quận Hải Châu). Tại lễ hạ thủy, nhiều ngư dân vui mừng vì từ nay cùng với "Tổ dịch vụ HCNC phường Thuận Phước" đi vào hoạt động, giúp họ yên tâm hơn mỗi khi ra khơi. Ngư dân Trần Toàn (ở phường Thuận Phước) tâm sự: "Trước đây, thời gian ra đến ngư trường và từ ngư trường trở về đã mất 30% thời gian của chuyến đi. Ðiều đó vừa làm giảm thời gian bám biển, vừa tốn thêm từ 10 đến 15 triệu đồng tiền dầu cho tàu hoạt động. Nếu tính cả chuyến ra lần sau, chi phí tiền dầu của nhiều tàu lớn có thể lên tới 20 đến 30 triệu đồng. Cho nên việc ra đời tàu dịch vụ HCNC càng tạo động lực giúp ngư dân vươn ra những ngư trường tiềm năng hơn...". Cũng theo anh Toàn, nghề KTXB nếu trúng luồng cá thì "ngày làm, tháng ăn", trước đây nhiều tàu cá khi tìm được luồng cá lại phải trở về do "cạn" dầu, lương thực và đá lạnh... Nay đã có đội tàu dịch vụ HCNC, "thời điểm vàng" ấy sẽ không bị bỏ lỡ, tàu cá có thêm cơ hội bám biển dài ngày. Không chỉ có thế, những địa phương có nhiều tàu dịch vụ sẽ thu gom được nhiều cá, tôm, mực...; tạo điều kiện để phát triển dịch vụ HCNC và việc làm cho người dân ven biển.

Trao đổi với Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ðà Nẵng Hồ Phó, được biết, bốn chiếc tàu vừa hạ thủy chỉ là bước đầu cho hành trình bám biển, ra khơi của ngư dân Ðà Nẵng. Sắp tới, TP Ðà Nẵng sẽ đẩy mạnh đầu tư đóng mới tàu cá có công suất lớn, đưa tổng công suất tàu cá ở Ðà Nẵng lên 30 nghìn CV, đồng thời đầu tư đội tàu dịch vụ HCNC từ 10 đến 15 chiếc có công suất 800 đến 1.000 CV/chiếc cung cấp nguyên, nhiên liệu và thu mua sản phẩm ngay trên biển, khắc phục khâu bảo quản để ngư dân yên tâm vươn khơi, làm giàu.  

Việc phát triển đội tàu ÐBXB hiện đại gắn với việc phát triển loại hình dịch vụ HCNC là nhu cầu thiết thực và là mắt xích quan trọng trong quá trình phát triển, mở rộng ngư trường, từ đánh bắt đến thu mua và chế biến hải sản. Thời gian tới, TP Ðà Nẵng, Phú Yên, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Quảng Ninh... sẽ hỗ trợ, khuyến khích ngư dân ven biển tiếp tục đầu tư đội tàu hiện đại, đáp ứng nhu cầu đánh bắt ở các ngư trường lớn...

Khó có thể nói hết được những gian khổ, vất vả, hiểm nguy và thiệt hại mà gia đình  ngư dân phải gánh chịu trong mỗi chuyến đi biển. Ngư dân ra khơi làm việc hết sức khắc nghiệt, "ăn sóng, nói gió", không giây phút nào có được cảm giác bình yên, kể cả lúc nghỉ ngơi. Trước bão tố, những con tàu trở nên bé nhỏ, đơn độc, chịu đựng những rủi ro, mất mát và chưa nói đến tranh chấp với nước ngoài, bị bắt giữ, tịch thu ngư cụ, bị đâm vỡ, chìm tàu thuyền... trở về với tay trắng. 

Ðể sẻ chia, giúp ngư dân an toàn hơn khi hoạt động trên vùng biển của mình, chương trình "Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa, Trường Sa" do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và quỹ Tấm lòng vàng của Báo Lao động phát động đã đến được với ngư dân từ tháng 9-2011 (riêng chương trình nhắn tin phát động từ ngày 12-6 đến 31-7, đã nhận được hơn 200 nghìn tin nhắn ủng hộ với số tiền gần ba tỷ đồng). Ngư dân Trần Phương ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã 25 năm đi biển, dành dụm, đóng mới con tàu 45CV có giá trị 600 triệu đồng. Miệt mài với những chuyến ra khơi, số nợ 200 triệu đồng tiền đóng tàu chưa kịp trả thì ngày 16-5, tàu và toàn bộ ngư cụ của ông bị tàu nước ngoài thu giữ. Ðể chia sẻ mất mát, củng cố niềm tin tiếp tục vững bước bám biển, chương trình "Tấm lưới nghĩa tình" ủng hộ gia đình ông số tiền bằng giá trị con tàu cũ. Ông Trần Phương phấn khởi chia sẻ: Ðây là niềm hạnh phúc đối với những gia đình ngư dân gặp khó khăn như chúng tôi. Nếu không có sự hỗ trợ của Quỹ,  không biết đến bao giờ gia đình có tiền để đóng tàu mới...

(Còn nữa)

Bài và ảnh: LÊ ÐỨC NGHĨA, MẠNH HÙNG và TRÍ KẾ

Nguồn:nhandan.org.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập240
  • Hôm nay20,706
  • Tháng hiện tại391,982
  • Tổng lượt truy cập90,455,375
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây