Thu hoạch mủ cao-su ở Đồng Nai. Ảnh: LÊ HÙNG |
Hiệu quả thấp
Theo thống kê của Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, sau 10 năm thực hiện Quyết định 80/2002/QÐ-TTg và Chỉ thị 25/2008/CT-TTg, tỷ lệ nông sản hàng hóa tiêu thụ thông qua hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân vẫn ở mức rất thấp. Ðến nay, lúa hàng hóa tiêu thụ qua hợp đồng chỉ đạt 2,1%, chè 9%, cà-phê 2,5%, rau quả 0,9%, thủy sản 13%, gỗ 16,7%... Chỉ vài lĩnh vực đạt tỷ lệ cao như trồng và tiêu thụ bông đạt hơn 90%, nuôi bò sữa 80%. Kết quả đạt được quá thấp so với mục tiêu đề ra ban đầu là đến năm 2005, ít nhất 30% và đến năm 2010 có hơn 50% số lượng nông sản hàng hóa được tiêu thụ qua hợp đồng. Không có sự liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và nông dân, kênh tiêu thụ chính vẫn lại thông qua thương lái. Trong các ngành hàng như lúa gạo, cà-phê, chè và hồ tiêu, doanh nghiệp thường thu mua qua thương lái để chế biến, tiêu thụ. Theo Tổng Công ty Lương thực miền nam, thương lái cung ứng 36% sản lượng gạo. Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam cũng thu mua tới 83% gỗ nguyên liệu rừng trồng qua thương lái. Cả nước có hơn 600 doanh nghiệp chè, nhưng theo Hiệp hội chè Việt Nam hiện chưa có đơn vị nào ký hợp đồng thu mua chè trực tiếp trong dân. Trong khi đó, các mô hình tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng được triển khai ở một số địa phương vẫn chỉ dừng lại ở dạng thí điểm, không thể nhân rộng. Hệ quả là tình trạng "được mùa mất giá, mất mùa được giá", trồng - chặt, đào - lấp vẫn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương. Thu nhập của nông dân bấp bênh, khó thoát nghèo và làm giàu trên mảnh đất của mình. Còn doanh nghiệp thì không thể thu mua được sản phẩm có chất lượng, dẫn đến nông sản Việt Nam không có thương hiệu và uy tín trên thị trường quốc tế.
Vướng mắc trong triển khai
Ðẩy mạnh tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng là một chủ trương đúng nhưng lại bế tắc trong thực thi. Theo Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn, qua khảo sát tại nhiều địa phương, Quyết định 80 và Chỉ thị 25 chưa đi vào cuộc sống là do mối liên kết bốn nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp vẫn còn lỏng lẻo. Trong đó quan trọng nhất là doanh nghiệp và nông dân chưa tìm được tiếng nói chung. Hình thức hợp đồng chủ yếu được ký kết ở doanh nghiệp và ngành hàng đã có kinh nghiệm liên kết từ nhiều năm trước, với những nông sản được sản xuất ở những vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn và do đặc tính của sản phẩm đòi hỏi phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và chế biến. Còn ở phần lớn địa phương, đối với nhiều nông sản hàng hóa, hình thức hợp đồng hầu như chưa được áp dụng và còn quá xa lạ đối với người sản xuất cũng như doanh nghiệp. Nhiều nông dân không thực hiện đúng hợp đồng, bán nông sản cho tư thương hoặc doanh nghiệp khác với giá cao hơn hoặc các điều kiện khác hấp dẫn trước mắt. Một số nông dân cố tình bán ra bên ngoài để lẩn tránh việc thanh toán các khoản đầu tư ứng trước của doanh nghiệp theo hợp đồng. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chưa tôn trọng lợi ích của người nông dân, không thực hiện đúng các điều khoản đã ký kết như cung ứng vật tư không đúng chất lượng, đơn phương phá bỏ hợp đồng, không quan tâm đầu tư cho vùng nguyên liệu. Chưa kể một số doanh nghiệp lạm dụng thế độc quyền để ép cấp, ép giá trong thu mua nông sản, như đưa ra những yêu cầu quá cao về chất lượng để khi thu mua giảm giá sản phẩm. Sử dụng việc đánh giá phẩm cấp để ép giá. Trì hoãn việc thu mua khi chính vụ làm giảm chất lượng nông sản. Việc soạn thảo hợp đồng do phía doanh nghiệp áp đặt, thanh toán hợp đồng chậm, chưa sòng phẳng. Nguyên nhân do trong Quyết định 80, đối với các quy định về hợp đồng, mặc dù đã có chế tài nhưng lại không có văn bản dưới luật để cụ thể hóa các chế tài xử lý tranh chấp vi phạm hợp đồng. Vì thế, nhiều hợp đồng đã được ký kết nhưng vẫn bị đổ bể do hai bên không tìm được tiếng nói chung. Trong khi đó, những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện tiêu thụ nông sản qua hợp đồng như: Chế độ bảo hiểm, bảo lãnh hợp đồng; các hình thức mua bán hiện đại như thị trường giao dịch, quyền mua, quyền bán; thành lập hệ thống thông tin thị trường; công tác kiểm soát chất lượng, xuất xứ hàng nông sản... hầu như chưa đề cập đến trong Quyết định 80.
Giải pháp tháo gỡ
Việc tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng chưa đạt được hiệu quả như mong muốn không phải chỉ do những hạn chế của văn bản pháp luật mà còn do khâu chỉ đạo tổ chức sản xuất nông nghiệp của Nhà nước, nhất là trong công tác quy hoạch sản xuất, chỉ đạo dồn điền đổi thửa, tập trung và tích tụ ruộng đất. Trong khi đó, tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng chỉ có thể thực hiện được với điều kiện nhà nông phải là chủ các trang trại, có quy mô sản xuất nông sản hàng hóa lớn, có khả năng áp dụng Global GAP. Doanh nghiệp phải có khả năng chế biến - tiêu thụ nông sản với công nghệ tiên tiến, đạt tiêu chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Còn hiện nay, đất sản xuất của phần lớn các hộ nông dân manh mún, phân tán, cho nên khó khăn trong việc quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa tập trung cũng như việc áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật. Năng lực chế biến sâu của các doanh nghiệp cũng còn nhiều hạn chế thì Quyết định 80 rất khó đi vào thực tiễn sản xuất.
Ðể tháo gỡ những khó khăn này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng đề án mới về thúc đẩy tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng. Trong đó, điểm mới là Nhà nước sẽ tạo cơ chế đặc biệt để doanh nghiệp mặn mà hơn trong liên kết với nông dân, như hỗ trợ 30% khi doanh nghiệp đầu tư nâng cấp, tu sửa cơ sở hạ tầng và vùng nguyên liệu, giảm 20% thuế thu nhập doanh nghiệp khi liên kết với nông dân ở vùng nguyên liệu thuộc loại đặc biệt ưu tiên. Ðồng thời có chế tài ràng buộc nông dân phải bán sản phẩm theo đúng hợp đồng cho doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến gắn với xây dựng các vùng nguyên liệu. Mục tiêu là đến năm 2020, có 80% - 95% lượng mía đường, tôm, cá tra, cá basa và 15% - 30% lượng chè, lúa hàng hóa, cà-phê, trái cây xuất khẩu, rau an toàn tiêu thụ thông qua hợp đồng. Ðể đạt mục tiêu này, ngoài việc sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật một cách phù hợp cần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển quy mô lớn và chuyên nghiệp hơn.
TIẾN ANH
|
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã