Học tập đạo đức HCM

Nuôi trồng thủy sản: Cần nhiều nỗ lực đổi mới

Thứ tư - 17/02/2016 19:42
LTS: Ngành thủy sản Việt Nam đã có nhiều chuyển biến quan trọng, tạo được chỗ đứng trong nông nghiệp nói riêng và kinh tế cả nước nói chung, nhất là đang hội nhập ngày càng hiệu quả vào thị trường thế giới. Tuy nhiên, nội tại ngành vẫn còn nhiều việc phải bàn. Thủy sản Việt Nam trân trọng giới thiệu bài của TS Lê Thanh Lựu (ảnh), nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Nuôi trồng Thủy sản I, Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS).
 

ts lê thanh lựu giám đốc icafisSau những thành công lớn trong phát triển, như đưa sản lượng cá nuôi tăng mạnh, góp phần ổn định sản lượng khai thác, những mặt hàng thủy sản Việt Nam đã xuất hiện trên 160 thị trường; kim ngạch xuất khẩu đã hơn 7,8 tỷ USD/năm (tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thường trên 10%/năm). Các mặt hàng như tôm (nhất là tôm sú), cá tra thường xuyên trong số mặt hàng xuất khẩu trọng điểm của nông nghiệp.

Tuy vậy, trong năm 2015, những khó khăn, bất cập nhiều hơn trước. Hơn 10 năm qua (từ 2001 - 2002), lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu có dấu hiệu giảm. Thị trường gặp khó khăn, lượng nhập khẩu các mặt hàng chính tôm và cá tra/basa ở các thị trường lớn (Nhật, Mỹ, EU…) giảm. Giá cả biến động lớn, tình hình sản xuất thay đổi theo chiều hướng bất lợi. Nhiều khó khăn đã được nhận diện, nhưng nhiều khó khăn không thể tiên lượng được mức độ ảnh hưởng tới phát triển và tăng trưởng ngành thủy sản Việt Nam.

 

Nhiều thách thức, khó khăn không nhỏ

Những thách thức, khó khăn do cả khách quan và chủ quan (quản lý kém, tư duy sản xuất ngắn hạn, thiếu hợp tác giải quyết những vấn đề then chốt…).

Biến đổi khí hậu (BĐKH) quy mô toàn cầu là thách thức lớn đối với cả nghề nuôi trồng lẫn khai thác vì tính cực đoan (bão, lụt, nắng hạn kéo dài), tăng nhiệt độ và mực nước biển gây biến đổi các yếu tố môi trường và sinh thái các vực nước, các vùng sinh thái. Tác động BĐKH thường xảy ra trên những vùng sinh thái rộng lớn đối với mọi hoạt động kinh tế. Biến đổi sinh thái trong ngắn hạn tạo ra những rủi ro cao cho nghề nuôi trồng và nguồn lợi thủy sản tại các vực nước.

Hiện nay, Việt Nam đã tham gia nhiều thị trường chung như TPP; Việt Nam và Liên minh thuế quan Nga, Belarus, Kazakhstan; EU; ASEAN. Đối với ASEAN, đây vừa là cơ hội vừa là thách thức. Nguyên liệu, sản phẩm của các nước trong khối có thể thâm nhập Việt Nam dễ dàng. Các nước ASEAN là những đối tác cạnh tranh mạnh (nhất là Thái Lan, Indonessia, Philippines, Myanmar), vì đây những nước sản xuất và xuất khẩu thủy sản lớn trong khu vực và trên thế giới. Đã có những thông tin rằng nguồn nguyên liệu giá rẻ (nhất là tôm) từ Thái Lan, Ấn Độ được nhập về Việt Nam để chế biến xuất khẩu.

Đối với các khu vực thương mại tự do khác như TPP (Trans-Pacific Strategic Economic. Partnership Agreement), EU, Liên minh thuế quan Nga, Belarus, Kazakhstan… thì các rào cản về an toàn vệ sinh thực phẩm, các tiêu chuẩn/chứng chỉ kỹ thuật như ASC (Aquaculture Stewardship Council), BMP (Best Management Practices), là những thách thức lớn đối với ngành nuôi trồng thủy sản của Việt Nam. Đặc biệt, với nông hộ sản xuất đơn lẻ ở Việt Nam, các tiêu chuẩn và các chứng chỉ kể trên là bất khả thi.

Mặt khác, sản xuất thủy sản của Việt Nam vẫn trong tình trạng nhỏ lẻ, tư duy sản xuất kinh doanh mang tính ngắn hạn. Điều này có nguồn gốc lịch sử là việc chuyển chế độ bao cấp sang kinh tế thị trường, dựa trên năng lực các nông hộ. Mỗi nông hộ khi đó (cuối những năm 1980) được xác định là đơn vị kinh tế độc lập, sản xuất dựa trên năng lực tài chính, kỹ thuật của chính nông hộ đó. Nhờ vậy năng suất, sản lượng sản phẩm nông nghiệp và thủy sản tăng nhanh so với thời bao cấp. Nhưng trong suốt gần 30 năm qua, hình thức tổ chức sản xuất như vậy chưa thay đổi đáng kể, nên đại bộ phận nông dân vẫn giữ hình thức tổ chức sản xuất như trước.

Về chính sách, Luật Hợp tác xã (mới) đã có từ năm 1996, được sửa đổi năm 2003 và 2012, nhưng vẫn chưa vào cuộc sống. Có một số chủ trương mới, như liên kết các nhà, sản xuất theo chuỗi; nhưng triển khai chậm, chưa thành phổ dụng trong sản xuất kinh doanh. Hậu quả là hình thức sản suất nhỏ lẻ, lạc hậu vẫn tiếp tục, tư duy sản xuất theo sản lượng mà chưa chú ý đầu tư nâng cấp chất lượng để giữ thương hiệu và tăng giá trị sản phẩm.

Cũng vì sản xuất nhỏ lẻ nên khả năng đầu tư của từng nông hộ để cải tiến công nghệ, khắc phục tác động môi trường… nói chung khó khăn. Các doanh nghiệp Việt Nam chỉ tầm cỡ vừa và nhỏ nên khả năng tự đầu tư cũng bị hạn chế. Vốn ngân hàng chủ yếu dành cho vay ngắn hạn lãi suất cao cùng nhiều thủ tục phiền toái. Vì vậy người sản xuất nhỏ lẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận.

nuôi trồng thủy sản cần nhiều nỗ lực đổi mới

Sản xuất cá tra theo chuỗi để nâng cao giá trị sản phẩm - Ảnh: Ngọc Trinh

Mặt khác, nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam đến nay vẫn chưa làm chủ được một số công nghệ then chốt (sản xuất tôm giống sạch bệnh, tạo đàn bố mẹ được chọn giống), chưa hoàn toàn kiểm soát được dịch bệnh, giám sát môi trường. Dịch bệnh dù chưa gây sự đổ bể như tại một số nước (Ecuador năm 1992 - 1993, Trung Quốc 1998 - 1999, Thái Lan 2003 - 2004 và 2013 - 2014…), nhưng hàng năm vẫn luôn là tác nhân gây thất thoát 15 - 25% cho người sản xuất. Đây là hệ quả môi trường nuôi xuống cấp; trong đó có nguyên nhân công nghệ nuôi bất ổn, quản lý môi trường kém, chất lượng con giống thấp.

Trong nuôi trồng, giá đầu vào (inputs) con giống, thức ăn, chế phẩm hóa chất, năng lượng và sức lao động mỗi năm đều tăng nhưng chất lượng của các yếu tố này không được cải thiện. Hơn nữa, dù là kinh tế thị trường, nhưng sự lựa chọn của nông dân đối với các sản phẩm đầu vào lại bị giới hạn, bởi mặt bằng giá của chúng ít chênh lệch (do chính sách của các nhà cung cấp), nhưng đầu ra (giá hàng hóa thủy sản) ít tăng hoặc tăng không đáng kể; ví dụ điển hình là giá cá tra/basa trong nhiều năm luôn ở mức 22.000 - 24.000 đồng/kg cá nguyên liệu.

 

Nỗ lực thay đổi

Giải quyết những thách thách thức này không đơn giản, cần nhiều thời gian và nỗ lực của mọi đối tác tham gia chuỗi giá trị thủy sản, các cơ quan công quyền… Trong ngắn hạn, chúng ta có thể tìm một số giải pháp giải quyết một số thách thức quan trọng nhất.

Trong đó, giải pháp "tổ chức lại hệ thống sản xuất" để gắn kết các đối tác trong chuỗi giá trị, sao cho các đối tác tương đối bình đẳng trong chia sẻ thông tin, chia sẻ lợi ích kinh tế, chung mục tiêu tạo ra sản phẩm đảm bảo tiêu chí của thị trường trong nước và quốc tế.

Thay đổi tư duy sản xuất kinh doanh cũng sẽ là giải pháp quan trọng, sẽ bổ sung cho giải pháp tổ chức lại hệ thống sản xuất. Các nhà sản xuất, bao gồm cả doanh nghiệp lẫn nông hộ, nên xem việc đầu tư sản xuất là đầu tư lâu dài; trong đó sử dụng công nghệ, nâng cao trình độ quản lý môi trường, kiểm soát dịch bệnh hướng tới các chứng chỉ quốc tế để có sản phẩm đạt yêu cầu của thị trường.

Cùng đó, Bộ NN&PTNT cần thương thuyết với các ngân hàng để xây dựng chính sách vay vốn cho ngành thủy sản, trong đó cần có cơ chế giảm lãi suất ở mức vừa phải, niên hạn vay là trung và dài hạn cho các mô hình tổ chức lại hệ thống sản xuất. Các dự án vay vốn cần trích một phần cho hoạt động áp dụng công nghệ mới, nâng cao kỹ năng quản lý môi trường và giám sát dịch bệnh, trao đổi thông tin... 

TS Lê Thanh Lựu 

nguồn: thủy sản việt nam

 Tags: thủy sản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập437
  • Hôm nay55,449
  • Tháng hiện tại859,307
  • Tổng lượt truy cập92,033,036
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây