Học tập đạo đức HCM

Tìm cách ‘cứu’ thịt heo

Thứ tư - 17/02/2016 19:44
Bất ổn hiện nay là đầu ra của hầu hết các mặt hàng nông sản Việt Nam lại phụ thuộc rất lớn vào việc “đóng mở” cửa biên giới từ phía Trung Quốc.
 
Xây dựng chuỗi liên kết nhằm tránh những rủi ro trong chăn nuôi heo - Ảnh: Chí Nhân

Đáng nói nhất là chỉ trong vòng 2 - 3 tháng trở lại đây, giá heo hơi ở Đồng Nai, địa phương có đàn heo lớn nhất cả nước, nhiều lần phải “nhảy múa” theo từng đợt đóng - mở của những "cánh cửa" này.
 
Nhiều trại heo ùn ứ
 
Giá heo thịt ở Đồng Nai thời điểm trước và sau tết rớt thê thảm khi thị trường Trung Quốc (TQ) ngưng thu mua. Đáng lo ngại là hàng chục ngàn con heo của các trang trại bị ứ đọng. Mặc dù mấy ngày gần đây giá heo “ấm” lên (tăng khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg) nhưng tình trạng ùn ứ heo thịt vẫn chưa được cải thiện. 
 
"Trung Quốc là thị trường lớn nhưng không ổn định, họ chỉ mua qua đường tiểu ngạch, không có hợp đồng nên khó ràng buộc, khi nào thiếu thì họ mua, đủ thì thôi. Do đó người chăn nuôi luôn là bên bị động, chịu nhiều thiệt thòi" Ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai
 
Anh Nguyễn Văn Chiểu, chủ một trang trại heo 4.000 con ở xã Gia Tân 2, H.Thống Nhất, đã không thể xuất bán500 con heo (110 kg/con) vào dịp tết vừa qua khi giá heo rớt chỉ còn 38.000 đồng/kg. Bán là lỗ nên anh Chiểu đành phải tiếp tục nuôi. Sau hai tuần nuôi tiếp, đến nay số heo trên đã chạm mốc 130 kg/con. Anh Chiểu cho biết giá heo mới chỉ tăng nhẹ lên 41.000 đồng/kg nhưng anh quyết định xuất bán. “Cũng mong huề vốn chứ nếu để nuôi nữa heo tăng trọng trên mức 130 kg sẽ rất khó bán, với lại càng nuôi càng lỗ”, anh Chiểu than.
 
Anh Nguyễn Đức Long, chủ trang trại heo ở ấp Nguyễn Huệ, xã Quang Trung (H.Thống Nhất), cũng không thể xuất bán 70 con heo (khoảng 100 kg/con) vào những ngày cận tết. Số heo đó gia đình dự tính bán đi để lấy tiền mua thức ăn dự trữ và sắm tết nhưng rốt cuộc anh phải đi vay mượn để chi tiêu. Dẫn chúng tôi ra xem đàn heo đã quá lứa, anh Long nói: “Trước tết một tháng cũng đàn heo như thế này tôi bán với giá 43.000 đồng/kg, thế nhưng cận tết giá chỉ còn 38.000 đồng/kg. Dù kẹt tiền tôi vẫn không dám bán, đợi giá tăng trở lại. Hơn 10 ngàyqua trong khi 70 con heo này đã ăn hết 100 bao cám (khoảng 25 triệu đồng) nhưng thương lái vẫn bặt tăm”.
 
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết giá heo thời gian qua ở Đồng Nai rớt xuống mức thấp nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Chỉ tính những trang trại lớn nuôi từ vài ngàn con trở lên thì riêng H.Thống Nhất - thủ phủ heo của tỉnh Đồng Nai, ứ đọng khoảng 15.000 con, chưa kể các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khác. Theo phân tích của ông Đoán, chuẩn trọng lượng của heo thịt là từ 100 - 120 kg/con, trên mức chuẩn đó thì rất khó bán hoặc bán với giá thấp do heo nhiều mỡ, giống như heo nái, không đẹp, thương lái chê. “Bình thường ở vùng này xe tải bắt heo chạy nhộn nhịp mỗi ngày vài chục chuyến, mỗi chuyến chở khoảng 2.000 con. Tuy nhiên từ 20 tết trở lại đây thì im bặt. Hai ngày nay do giá tăng nhẹ nên lái heo quay trở lại nhưng cũng chỉ có lèo tèo vài ba chiếc xe”, ông Đoán nói.
 
Giá heo hơi tại thị trường Việt Nam năm 2014 – 2015 - Nguồn: VISSAN
 
Ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai - nhận xét: “TQ là thị trường lớn nhưng không ổn định, họ chỉ mua qua đường tiểu ngạch, không có hợp đồng nên khó ràng buộc, khi nào thiếu thì họ mua, đủ thì thôi. Do đó người chăn nuôi luôn là bên bị động, chịu nhiều thiệt thòi”. 
 
Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, cho biết: "Việc bán được heo với giá cao là điều đáng mừng với bà con chăn nuôi. Tuy nhiên, chúng tôi không muốn coi TQ là thị trường chính vì thường xuyên nóng lạnh bất thường. Nội địa mới là thị trường mà chúng tôi muốn hướng đến. Chúng tôi đang tập trung phát triển các trang trại, hộ chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP - hiện đã có 60 trang trại và 400 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Đây là tiền đề để đạt tiêu chuẩn VietGAP và chúng tôi sẽ làm quyết liệt việc này trong năm nay”.
 
Tìm cách “sống chung với lũ”
 
Theo ông Văn Đức Mười, Tổng giám đốc VISSAN, vào những đợt TQ tổ chức gom hàng trung bình mỗi ngày có khoảng 6.000 con heo nội “chạy” qua thị trường này, cao điểm có thể đạt từ 8.000 - 10.000 con/ngày. Những năm gần đây TQ thu mua heo với mức giá rất cao, có thời điểm lên đến 54.000 đồng/kg. Với giá thành sản xuất heo hơi của Việt Nam từ 39.000 - 40.000 đồng/kg, người nuôi heo lãi lớn. Tuy nhiên theo kinh nghiệm, chuyện TQ cho "thổi giá" một mặt hàng nào đó lên thật cao rồi lại cho “xì hơi” đã “quay” nông dân trong cái vòng luẩn quẩn lời - lỗ. Nhiều khi thấy lời nhưng bù qua, sớt lại cuối cùng vẫn lỗ. Thương lái TQ cứ làm giá “nóng lạnh, nhảy múa” không theo quy luật nào nên rủi ro rất lớn. Đặc biệt về lâu dài cách làm ăn này làm cho nông dân không có động lực cải tiến về kỹ thuật, áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất để tăng năng suất, hạ giá thành sản phẩm. Trong khi đó, giá thành sản xuất thịt của Việt Nam vẫn cao hơn mức bình quân chung của thế giới từ 25 - 30%.
 
Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận, TQ đang là một thị trường lớn của nông sản Việt Nam. Theo thống kê chính thức của các ngành chức năng, TQ chiếm trên 30% khối lượng gạo mà Việt Nam xuất khẩu trong những năm gần đây, bên cạnh đó là 90% khối lượng sắn và các sản phẩm từ sắn, thị phần của các thị trường chính khác đều nhỏ hơn 2%. Ngoài ra, nhiều mặt hàng xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang TQ đạt 80 - 90%như: thanh long, khoai lang, dừa, vải thiều... Vì vậy, theo các chuyên gia, vấn đề là phải tìm ra "cách chơi", cách sống chung các cơn nóng lạnh của thị trường này chứ không phải và cũng không thể “bỏ chạy”.
 
PGS-TS Nguyễn Văn Ngãi, Trưởng khoa Kinh tế - Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, phân tích nếu nhìn vấn đề từ góc độ thị trường sẽ thấy chuyện “họ ép mình không có gì lạ”. Nông sản có đặc tính khó bảo quản trong khi chúng ta trước nay vẫn làm theo kiểu sản xuất được cái nào đem đi bán cái nấy. Cách làm như vậy chính là chúng ta đã tạo cho họ một môi trường để họ ép mình.
 
“Tôi thấy trong thời gian gần đây có một số doanh nghiệp đã nhận ra vấn đề và làm theo một quy trình ngược lại. Ví dụ như ở ngành lúa gạo. Nếu họ muốn xuất hàng đi Trung Đông thì sản xuất gạo hạt dài theo thị hiếu của người Trung Đông; xuất hàng đi Nhật thì sản xuất gạo hạt tròn của Nhật Bản. Chúng ta không thể ép người Trung Đông hay Nhật Bản ăn gạo theo kiểu chúng ta, nhất là những thị trường của giới nhà giàu. Về mặt lý thuyết là vậy nhưng dĩ nhiên chúng ta không thể làm điều này một cách ồ ạt mà phải từng bước một sản xuất theo đơn đặt hàng. Để làm được điều này thì cần phải có vai trò của doanh nghiệp và nhà nước. Khi chúng ta xây dựng được các chuỗi như vậy thì TQ muốn mua hàng của chúng ta phải theo cách của chúng ta chứ không thể thu gom theo đường tiểu ngạch được; kèm theo đó chúng ta phải có chính sách khác về thương mại tiểu ngạch”, ông Ngãi hiến kế.
 
Chí Nhân - Lê Lâm (Báo Thanh Niên)

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập211
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm210
  • Hôm nay40,149
  • Tháng hiện tại181,975
  • Tổng lượt truy cập90,245,368
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây