Cây càphê chè được trồng sớm nhất và chiếm diện tích lớn nhất trong các loài càphê thương mại, chiến trên 60% tổng diện tích càphê thế giới. Càphê chè được tiêu dùng nhiều và có giá trị kinh tế cao do hương vị thơm ngon và hàm cafein thấp (khoảng 50% so với càphê vối), thông thường giá càphê chè cao gấp 2 lần so với càphê vối. Tuy nhiên, cây càphê lại rất mẫn cản với bệnh rỉ sắt, sâu đục thân, tuyến trùng nên năng suất không ổn định. Ngoài ra, sản phẩm càphê chè đòi hỏi phải được chế biến ướt với trang thiết bị và quy trình thực hiện phức tạp hơn nên giá thành sản xuất càphê chè cũng cao hơn. Do vậy, sản lượng càphê chè giảm từ 80% vào năm 1960 xuống còn 60 % như hiện nay.
Việt Nam là nước xuất khẩu càphê đứng thứ 2 trên thế giới với sản lượng 1 triệu tấn/năm nhưng chủ yếu là càphê vối. Do cây càphê chè cần nhiệt độ thấp, từ 20-22oC và thích hợp ở độ cao trên 1.000m so với mặt nước biển nên tại Việt Nam được trồng tập trung tại các tỉnh Lâm Đồng (12.000ha), Quảng Trị (4.000ha), Sơn La (3.500ha) và Nghệ An (1.500ha) với tổng diện tích khoảng 32-35.000ha, sản lượng khoảng 48.000 tấn (chiếm 4% sản lượng càphê cả nước).
Lịch sử phát triển càphê chè ở Tây Nguyên cho thấy đã có hàng ngàn hecta càphê chè bị phá hủy do bị bệnh rỉ sắt và phải thay bằng càphê vối vào những năm 1940-1950. Sau năm 1975 nhiều diện tích càphê chè Caturra amarello ở Tây Nguyên cũng bị phá bỏ do nhiễm bệnh rỉ sắt nặng sau một vài vụ thu hoạch. Dự án phát triển 40.000ha càphê chè từ Quỹ AFD của Pháp trong giai đoạn năm 1997-2000 cũng bị phá sản do quy hoạch vùng trồng không phù hợp và công tác quản lý kỹ thuật còn nhiều bất cập.
Theo ông, phát triển càphê chè ở nước ta có thuận lợi và khó khăn gì?
Việc phát triển càphê tại Việt Nam có nhiều thuận lợi, đó là có nhiều kinh nghiệm và bài học trong lịch sử phát triển càphê chè trong thời gian qua là cơ sở quan trọng để quy hoạch và định hướng phát triển; việc chọn tạo giống càphê chè được Nhà nước đầu tư liên tục và đã chọn lọc được những giống mới đáp ứng nhu cầu phát triển; giá càphê chè chế biến ướt luôn cao hơn càphê vối từ 1,5-2 lần. Trong những năm gần đây, các nhà nhập khẩu đánh giá khá cao sản phẩm càphê của Việt Nam; nămg lực chế biến càphê chè của nhiêu doanh nghiệp trong nước đang ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu chế biến ướt tập trung cho các vùng chuyên canh.
Tuy nhiên, ngành càphê chè Việt Nam cũng đang phải đối đầu với nhiều thách thức cần phải vượt qua. Đó là càphê chè chỉ phát triển phù hợp ở những vùng cao, mà những vùng cao ở nước ta lại có điều kiện kinh tế khó khăn, giao thông không thuận lợi và người dân canh tác theo tập quán là chính. Khả năng đầu tư chăm sóc cũng như phát triển trồng mới của người dân còn hạn chế. Hầu hết các hộ dân trồng càphê chè quy mô nhỏ, không có khả năng đầu tư hệ thống chế biến ướt quy mô nhỏ. Sản phẩm thu hoạch được bán dưới dạng quả tươi ngay sau khi thu hoạch và thường bị thương lái ép giá, đặc biệt là những vùng giao thông khó khăn, người dân chỉ bán giá bằng 2/3 giá thị trường. Hơn nữa, các giống càphê chè mới hiện nay đều sử dụngcon lai F1 được nhân bằng phương pháp ghép chồi, do đó khó vận chuyển đi xa và có chi phí cao khiến người dân khó tiếp cận giống mới.
Vậy, giải pháp nào để phát triển bền vững ngành càphê chè Việt Nam trong những năm tới, thưa ông?
Trước hết, phải khẳng định năng suất và chất lượng sản phẩm càphê chè của nước ta không cao và chưa tương xứng với tiềm năng. Ngoài ra, do điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội của Việt Nam không thích hợp để phát triển càphê chè với quy mô lớn. Do dó, chỉ nên mở rộng diện tích càphê chè là 50.000ha theo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
Vì vậy, để nâng cao năng suất, sản lượng và hiệu quả sản xuất càphê chè, trước tiên công tác quy hoạch vùng trồng cần được rà soát lại. Một trong những nguyên nhân chính khiến các chương trình, dự án phát triển càphê chè trước đây bị phá sản là do chất lượng công tác quy hoạch có vấn đề và không phù hợp với yêu cầu sinh thái của cây càphê chè. Trong quy hoạch cũng cần quan tâm đến xây dựng các vùng chuyên canh để đầu tư cơ sở chế biến tập trung hoạt động có hiệu quả hơn.
Thứ hai là phát triển giống chất lượng cao có khả năng kháng bệnh rỉ sắt và cho chất lượng tốt. Hiện, các giống càphê chè của nước ta rất hạn chế, trên 99% diện tích được trồng bằng giống Catimor là giống có hạn chế về phẩm chất nước uống. Các giống càphê chè lai tạo trong nước tuy có chất lượng tốt, kích cỡ hạt to nhưng bắt buộc phải nhân giống vô tính (ghép chồi) khiến giá thành cây giống, chi phí vận chuyển quá cao do mật độ trồng của càphê chè dày hơn so với càphê vối (3.500-5.000cây/ha).
Cần chú trọng hơn nữa công tác tập huấn, đào tạo và chuyển giao công nghệ cho người trồng. Việc tập huấn, đào tạo cần được tiến hành thường xuyên và liên tục với nội dung phù phợp với từng vùng. Chương trình đào tạo nên lồng ghép với chương trình sản xuất có chứng nhận của các doanh nghiệp để đa dạng hóa nguồn lực.
Và cuối cùng, khả năng đầu tư của nông dân ở vùng cao còn rất hạn chế, do đó cần được hỗ trợ nguồn tín dụng dài hạn (trên 3 năm) với lãi suất thấp và vườn cây của nông dân được xem như tài sản thế chấp.
Xin cảm ơn ông!
D.Thanh
Theo Kinh tế nông thôn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã