Khám bệnh tại bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
Chuyên khoa sâu được tăng 100%
Ngày 24.7, ông Nguyễn Nam Liên – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính, Bộ Y tế cho biết: “Trong số 38 BV trực thuộc bộ, đã có 22 đơn vị gửi đề xuất điều chỉnh khung giá dịch vụ. Bộ Y tế vừa phê duyệt khung giá của 5 BV tuyến T.Ư là Bạch Mai, Việt - Đức, Huyết học và Truyền máu T.Ư, Ung bướu T.Ư, Uông Bí Thụy Điển. Các BV này dự kiến cũng bắt đầu tháng 8 tới đây. Mức tăng trung bình của giá dịch vụ y tế tuyến T.Ư là 95%. Riêng những dịch vụ thuộc về chuyên khoa sâu thì mức tăng các dịch vụ được tối đa”.
Một số BV tuyến tỉnh cũng đề nghị mức tăng 90% kịch trần. Lý giải việc BV tăng gần tương đương với tuyến T.Ư, ông Nam Liên cho hay: Với các dịch vụ kỹ thuật, BV nào cũng sử dụng các vật tư tiêu hao như nhau như phim, thuốc hóa chất... Chẳng hạn để làm một xét nghiệm cho 2 - 3 bệnh nhân, BV tỉnh vẫn phải mở 1 lọ hóa chất.
Trong khi đó, ở tuyến T.Ư nhiều bệnh nhân cũng mở 1 lọ hóa chất đó, họ có thể dùng cho tới 20 - 30 người. Thế nên, các BV phải căn cứ vào thực tế để quy định giá. Đó là chưa nói đến giá đấu thầu thuốc và vật tư ở địa phương có thể đắt hơn T.Ư vì mua nhiều sẽ rẻ hơn. Ngoài ra còn chi phí vận chuyển. Không có chuyện là các tỉnh nghèo sẽ được tính viện phí cao hơn để tỉnh đó có điều kiện nâng cao cơ sở vật chất chữa bệnh. Bởi các chi phí liên quan đến hạ tầng cơ sở này đều chưa được tính vào cơ cấu giá trong đợt này.
Thông tư 04 đã quy định rõ mức giá giường bệnh và tiền khám bệnh của từng loại BV. Theo đó, tiền khám bệnh của BV hạng đặc biệt cho 1 ngày là 20.000 đồng, hạng II là 15.000 đồng, hạng III là 10.000 đồng. Tương tự, giá giường bệnh là 335.000 đồng/ngày giường hồi sức đặc biệt; 150.000 đồng hạng đặc biệt, hạng I; 100.000 đồng hạng II và 70.000 hạng III; 50.000 hạng IV. Như vậy, các BV hạng II có đề xuất thu bằng 90% khung giá giường và khám chữa bệnh thì cũng chỉ bằng 70-80% so với BV tuyến T.Ư. Vì thế, không thể “đánh đồng” BV tỉnh thu kịch trần và cho rằng mức thu tương đương với T.Ư.
Chưa tăng đã lo giá lạc hậu
Với mức tăng đã bao gồm các vật tư tiêu hao thì nếu các BV tính thêm, yêu cầu bệnh nhân mua ngoài là không đúng. Người bệnh không phải bỏ tiền chi trả cho những dịch vụ mà trước đây BHYT chưa thanh toán với BV. Ví dụ dịch vụ thông tiểu trước đây do giá thấp chỉ 6.000 đồng/lần thì khi làm dịch vụ thông tiểu, bệnh nhân phải mua thêm ống sonde mất 10.000 – 12.000 đồng. Hiện nay, với giá thành 145.000 đồng/lần, hiện nay đưa giá sonde vào giá dịch vụ, BHYT đã chi trả cả giá sonde nên người bệnh không phải thanh toán.
Sau khi các BV triển khai tăng viện phí khoảng 6 tháng, Bộ Y tế sẽ kiểm tra lại xem chất lượng có được tương ứng với giá viện phí. Nếu chất lượng không đáp ứng giá mới, bộ sẽ phải yêu cầu BV hạ giá dịch vụ của mình.
Bộ Y tế cũng đã có văn bản đề nghị các tỉnh tái khởi động lại Quỹ 139, hỗ trợ những trường hợp bệnh nhân nghèo, bệnh nặng, chi phí lớn vẫn phải cùng chi trả 5 – 20%, hoặc những người không có thẻ BHYT mà phải chi phí chữa bệnh lớn.
Được biết, tại Hà Nội, BV Việt - Đức đã thực hiện tăng giá dịch vụ với mức trung bình là 96% trần. Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền – PGĐ BV Bạch Mai: Từ tháng 10.2011, BV đã xây dựng giá đấu thầu cho mấy trăm mặt hàng bao gồm vật tư tiêu hao, xây dựng. Thế nhưng, đến nay khi Bộ Y tế đã duyệt thì các nhà thầu lại bỏ giá cao hơn mức này do trượt giá gần 1 năm qua. Vì thế, BV Bạch Mai lại lo nhiều giá dịch vụ tăng trong dịp này chưa được thực hiện cũng đã lạc hậu rồi.
Quang Duy
Theo Lao Động
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã