- PV: Thưa đồng chí, hiện nay nông dân trồng dừa trong và ngoài tỉnh đang đối mặt với việc ứ đọng sản phẩm, giá dừa rớt thê thảm, đâu là nguyên nhân của vấn đề này?
Đồng chí Nguyễn Thành Phong: Trong nhiều tháng qua, tình hình tiêu thụ dừa trái và các sản phẩm từ dừa gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu nhập, đời sống của các hộ dân trồng dừa trong tỉnh. Tình hình trên xuất phát từ một số nguyên nhân chủ yếu như sau: Diện tích vườn dừa ngày càng được mở rộng, sản lượng dừa trái trong và ngoài tỉnh tăng khoảng 20% so với cùng kỳ, làm cho nguồn cung tăng cao trong khi năng lực sản xuất, chế biến của các nhà máy trong tỉnh chưa được mở rộng. Bên cạnh đó, giá dừa trái trên thị trường thế giới giảm mạnh, hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn, đã kéo theo giá dừa trong nước giảm.
Tình hình thị trường xuất khẩu các mặt hàng dừa, nhất là thị trường các nước Trung Đông, Bắc Phi có nhiều biến động, hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, giá cả các sản phẩm từ dừa đều giảm mạnh. Một số mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc tiêu thụ chậm. Thêm vào đó là quá trình tiêu thụ dừa trái từ nhà vườn đến cơ sở chế biến phải qua nhiều khâu trung gian, làm tăng chi phí, đã ảnh hưởng một phần đến giá thu mua dừa của nông dân.
- Vấn đề này đã ảnh hưởng như thế nào đến đời sống nông dân trồng dừa?
Diện tích vườn dừa của Bến Tre hiện có 55.870ha (khoảng 79% diện tích đang cho thu hoạch), chiếm trên 43,6% diện tích dừa của vùng và khoảng trên 35% diện tích dừa của cả nước. Sản lượng dừa trái thu hoạch hàng năm khoảng 430 triệu trái, góp phần hình thành nên vùng nguyên liệu cung ứng cho ngành công nghiệp chế biến dừa phát triển và trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn của tỉnh.
Hiện nay, đối với Bến Tre, cây dừa có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Có 163.082 hộ tham gia trồng dừa, chiếm khoảng 40% dân số toàn tỉnh. Giá trị sản xuất cây dừa chiếm khoảng 20%/giá trị sản xuất ngành nông nghiệp. Toàn tỉnh có hơn 1.600 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh các sản phẩm từ dừa; hàng năm giải quyết việc làm cho hơn 17.250 lao động. Năm 2011, giá trị các sản phẩm chế biến từ dừa chiếm trên 17%/giá trị sản xuất của ngành công nghiệp chế biến; kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm từ dừa đạt 159,3 triệu USD, chiếm khoảng 43,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh; các sản phẩm từ dừa đã xuất khẩu đến khoảng 94 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới… Tỷ trọng giá trị gia tăng của ngành dừa (gồm sản xuất, chế biến, thương mại) chiếm 13,3% GDP của tỉnh.
- Lãnh đạo tỉnh Bến Tre đã có biện pháp gì cứu nông dân trồng dừa?
Vừa qua, tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bến Tre (khóa IX), các đại biểu đã thảo luận và nhất trí chủ trương đưa ra gói hỗ trợ người trồng dừa trị giá 80 tỷ đồng, trích từ ngân sách tỉnh. Theo chủ trương trên, mỗi hécta dừa sẽ được hỗ trợ 100kg phân hóa học, trị giá 1,5 triệu đồng, để nông dân chăm sóc dừa, nâng cao năng suất, tăng thu nhập và giữ vững diện tích dừa hiện có. Ngoài ra, nếu người trồng dừa trồng xen ca cao trong vườn dừa; nuôi xen tôm càng xanh dưới mương vườn dừa (2 loại cây và con được ngành nông nghiệp tỉnh khuyến khích), sẽ được hỗ trợ 100% vốn. Chủ trương đưa ra gói hỗ trợ người trồng dừa 80 tỷ đồng đã được HĐND tỉnh thông qua. Tỉnh cũng thông qua nguồn vốn sự nghiệp khoa học (khoảng 3,5 tỷ đồng) để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm; hỗ trợ nông dân trồng xen, nuôi xen tôm càng xanh trong vườn dừa; hỗ trợ một phần kinh phí để doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại tại thị trường nước ngoài; khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp mở các điểm thu mua dừa nguyên liệu trực tiếp trong dân nhằm giảm chi phí trung gian...
Nông dân trồng dừa ở ĐBSCL đang vất vả với trái dừa. Ảnh: T.M.T. |
- Đó chỉ là những giải pháp trước mắt. Đồng chí có thể nói rõ thêm về chiến lược lâu dài cho cây dừa Bến Tre?
Về lâu dài, tỉnh sẽ vận động thành lập các hợp tác xã/tổ hợp tác thu mua, sơ chế sản phẩm dừa tại các địa phương; hỗ trợ chi phí đào tạo nâng cao năng lực quản lý, kỹ thuật sơ chế cho các hợp tác xã, tổ hợp tác. Nghiên cứu ban hành chính sách ưu đãi đặc biệt đối với ngành công nghiệp chế biến dừa, nhằm thu hút doanh nghiệp về đầu tư chế biến các sản phẩm từ dừa tại Bến Tre. Phát huy vai trò của Hiệp hội dừa Bến Tre, các tổ chức hội, đoàn thể trong việc hình thành các mô hình liên kết dọc - ngang trong ngành dừa để hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, giảm bớt các khâu trung gian. Thực hiện quy hoạch để cơ cấu lại diện tích trồng giữa dừa nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và dừa uống nước một cách hợp lý, phù hợp với yêu cầu của từng vùng sinh thái và thị trường. Thực hiện chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào việc cải tạo, đầu tư thâm canh, tăng năng suất, sản lượng dừa; nhân rộng các mô hình trồng xen, nuôi xen có hiệu quả.
Bến Tre còn là tỉnh nghèo. Để hỗ trợ nông dân trồng dừa, giúp địa phương giảm bớt khó khăn trong cân đối ngân sách, tỉnh đề nghị Chính phủ xem xét, bổ sung có mục tiêu cho tỉnh số tiền 70 tỷ đồng để thực hiện chính sách nêu trên. Bến Tre kiến nghị Chính phủ xem xét đưa các sản phẩm chế biến từ dừa vào chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm hàng năm của quốc gia, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp để tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ; đề nghị Chính phủ xem xét sớm công nhận cây dừa là cây công nghiệp quốc gia; đồng thời xây dựng chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển toàn diện ngành dừa Việt Nam. Quy hoạch Bến Tre trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ chế biến và du lịch sinh thái dừa của cả nước và có chính sách, giải pháp cụ thể để hỗ trợ phát triển.
Trần Minh Trường thực hiện
Trà Vinh hỗ trợ người trồng dừa
Chiều 23-7, ông Trần Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Sở Công thương Trà Vinh, cho biết trước tình trạng giá dừa xuống thấp, đời sống nông dân trồng dừa lao đao, tỉnh Trà Vinh quyết định hỗ trợ gần 20 tỷ đồng cho hơn 40.000 hộ dân trồng dừa để mua phân bón chăm sóc vườn dừa, nhằm ngăn chặn tình trạng nông dân đốn dừa trồng cây khác.
Theo đó, hộ dân trồng dừa tập trung đang cho trái được hỗ trợ đột xuất một lần bằng tiền 1,5 triệu đồng/ha để mua phân bón cho vườn dừa; trường hợp trồng phân tán thì căn cứ theo định mức 200 cây dừa/ha để xác định mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/ha.
Theo SGGP
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã