Việc Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp mua gạo tạm trữ, giúp nông dân tiêu thụ lúa hàng hóa khi vào vụ thu hoạch đã góp phần kéo giá lúa lên, tăng thu nhập cho người trồng và giảm rủi ro, thiệt hại cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, cần đánh giá hiệu quả thực tế của việc mua lúa gạo tạm trữ đối với nông dân.
Số lượng lúa gạo mua tạm trữ còn quá ít so với sản lượng lúa vụ hè thu và phần lớn được giao cho các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Lương thực Việt Nam, chưa có được sự phối hợp tốt giữa Hiệp hội và các địa phương.
Cuối tháng 6/2012, Bộ Tài chính có văn bản quy định giá thành sản xuất lúa ở các địa phương rất khác nhau, thấp nhất là 3.524 đồng/kg (Kiên Giang) và cao nhất là Tiền Giang lên tới 4.540 đồng/kg. Nếu lấy giá thành bình quân của cả vùng là 3.993 đồng/kg để tính ra giá sàn thu mua bảo đảm cho nông dân lãi thấp nhất 30% là 5.200 đồng/kg thì nông dân ở những tỉnh có giá thành sản xuất lúa cao sẽ chịu thiệt lớn.
Ðể chính sách mua lúa gạo tạm trữ thật sự đem lại hiệu quả cho người trồng lúa, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cần có sự phối hợp hiệu quả hơn đối với các địa phương, cần phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ cho các doanh nghiệp gạo đã đáp ứng yêu cầu về điều kiện kho bãi, chứ không chỉ là các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội.
Ngoài ra, các bộ, ngành chức năng cần nghiên cứu để chủ động dự trữ gạo, thay cho mua tạm trữ. Toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long mỗi năm sản xuất khoảng 21 triệu đến 23 triệu tấn lúa, thừa hơn 10 triệu tấn lúa hàng hóa. Ngoài dự trữ lương thực quốc gia, vùng này cần được chủ động dự trữ từ 4-6 triệu tấn lúa phẩm cấp cao/năm. Các kho của ngành dự trữ quốc gia và năng lực hệ thống kho chứa hiện nay của Nhà nước và doanh nghiệp hoàn toàn có thể đảm đương tốt nhiệm vụ này.
Chủ động dự trữ gạo khi cần thiết là giải pháp hiệu quả để điều tiết thị trường lúa gạo./.