Sáng 1.11 tại TP.HCM, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị phổ biến Nghị định (NĐ) 107 và giải đáp các thắc mắc của cộng đồng kinh doanh xuất khẩu gạo sau đúng một tháng NĐ này có hiệu lực.
Nghị định mới sẽ xây dựng cơ chế khuyến khích, tạo thuận lợi xuất khẩu các mặt hàng có chất lượng, giá trị cao. Ảnh: Nguyên Vỹ
NĐ 107 được ban hành để thay thế NĐ 109 năm 2010 của Chính phủ trước đó. Theo đánh giá từ Bộ Công Thương, quá trình thực thi cho thấy bên cạnh những kết quả tích cực, NĐ 109/2010 đã bộc lộ một số vấn đề cần được điều chỉnh để tháo gỡ các rào cản cho thương nhân khi gia nhập thị trường xuất khẩu.
Mục tiêu ban hành NĐ mới giúp nâng cao tính cạnh tranh của thương nhân và sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường trong nước và thế giới.
10 điểm mới của NĐ 107 của Chính phủ được Bộ Công Thương hướng dẫn bao gồm: (1) Không bắt buộc thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo phải sở hữu kho chứa, cơ sở xay xát, chế biến thóc, gạo mà có thể thuê các cơ sở để đáp ứng điều kiện kinh doanh; (2) Không quy định quy mô kho chứa, công suất cơ sở xay xát chế biến, không bắt buộc phải có dây chuyền xay thóc, không hạn chế địa bàn đầu tư; chỉ quy định kho chứa, cơ sở chế biến phải bảo đảm đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn của nhà nước; (3) Xây dựng cơ chế khuyến khích, tạo thuận lợi xuất khẩu các mặt hàng có chất lượng, giá trị cao. Quy định mặt hàng gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cuờng vi chất dinh dưỡng được tự do xuất khẩu, không hạn chế số lượng, không cần đáp ứng điều kiện kinh doanh, không cần cấp giấy chứng nhận; (4) Bãi bỏ thủ tục kiểm tra, xác nhận kho chứa, cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo của Sở Công Thương cấp tỉnh; thương nhân tự kê khai thông tin, tự chịu trách nhiệm về đáp ứng điều kiện kinh doanh, thực hiện cơ chế hậu kiểm; (5) Quán triệt yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục cấp, cấp lại, điều chỉnh nội dung Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo; (6) Bãi bỏ quy định thủ tục bắt buộc thương nhân phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo tại Hiệp hội Lương thực Việt Nam; bỏ quy định thương nhân phải có lượng gạo tồn kho tối thiếu tương đương 50% lượng gạo trong hợp đồng đăng ký; (7) Bãi bỏ quy định giá sàn gạo xuất khẩu và các quy định yêu cầu tuân thủ giá sàn xuất khẩu trong giao dịch, ký kết hợp đồng; (8) Điều chỉnh giảm quy định lượng gạo dự trữ lưu thông từ 10% xuống còn 5% lượng gạo mà thương nhân đã xuất khẩu trong 6 tháng trước đó; (9) Bổ sung quy định về khuyến khích, hỗ trợ thương nhân tăng cường liên kết với người sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu, công tác phát triển thị trường, ký kết các thỏa thuận về thương mại gạo với các nước, giao dịch, ký kết và tổ chức thực hiện hợp đồng tập trung. (10) Bổ sung một số quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương liên quan trong điều hành xuất khẩu gạo; điều chỉnh, bổ sung quy định cụ thể chế độ báo cáo của thương nhân, các Bộ, ngành và cơ quan hải quan để kịp thời có thông tin, số liệu phục vụ công tác điều hành xuất khẩu chung. |
NĐ mới cũng bổ sung quy định về khuyến khích, hỗ trợ thương nhân tăng cường liên kết với người sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu. Ảnh: Nguyên Vỹ
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, NĐ 107 có nhiều điểm mới thể hiện tư duy đổi mới trong quản lý của Bộ Công Thương, của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Điều này sẽ giúp giảm đáng kể chi phí gia nhập thị trường cho thương nhân, tạo động lực giải phóng mạnh mẽ năng lực kinh doanh thương mại, năng lực thị trường, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu thóc, gạo hàng hóa cho người nông dân...
Bộ Công Thương tin tưởng NĐ 107 với nhiều điểm mới sẽ tháo gỡ rào cản cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Ảnh: Nguyên Vỹ
NĐ mới cũng tạo thuận lợi và khuyến khích đầu tư sản xuất, xuất khẩu sản phẩm có chất lượng, giá trị gia tăng cao, góp phần tích cực thực hiện định hướng tái cơ cấu ngành lúa gạo; xây dựng, củng cố thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường trong nước và thế giới.
Theo Nguyên Vỹ (danviet.vn)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;