Học tập đạo đức HCM

Quỹ khuyến nông Hà Nội: “Kênh” giúp nông dân làm ăn lớn

Thứ hai - 22/04/2013 22:36
Được thành lập năm 2002 với số vốn vẻn vẹn 5 tỷ đồng, sau 10 năm hoạt động, Quỹ Khuyến nông Hà Nội đã tăng nguồn vốn lên gần 100 tỷ đồng và tuân thủ đúng tôn chỉ, mục đích của mình, đó là hoạt động không vì lợi nhuận, góp phần hỗ trợ nông dân, chủ trang trại phát triển các mô hình khuyến nông tiên tiến, hướng tới sản xuất hàng hóa.

Trên 2.000 lượt hộ được vay vốn
Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, khi thành lập, nguồn vốn ngân sách cấp ban đầu cho Quỹ chỉ là 5 tỷ đồng; giai đoạn 2003 - 2008, ngân sách thành phố cấp bổ sung cho Quỹ 30 tỷ đồng; từ năm 2009 - 2012, thành phố tiếp tục cấp bổ sung thêm 58 tỷ đồng. Cộng với số vốn được bổ sung từ nguồn thu phí quản lý quỹ trích lập lũy kế trong 10 năm là 6,184 tỷ đồng, thì đến hết năm 2012, Quỹ Khuyến nông Hà Nội có tổng nguồn vốn 99,184 tỷ đồng. 

Với nguồn vốn không lớn, Quỹ đã ưu tiên hỗ trợ cho vay các hộ nông dân, chủ trạng trại, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp, chế biến nông sản để sản xuất ra những nông sản có chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thành lập những vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với bảo vệ môi trường sinh thái bền vững, hoặc những vùng chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp của thành phố. 

Trong 10 năm hoạt động, Quỹ đã giải ngân cho 2.079 lượt hộ vay vốn, với tổng số vốn quay vòng 259 tỷ đồng. Qua đó, giải quyết việc làm cho gần 6.500 lao động ở khu vực nông thôn với thu nhập bình quân 2-3 triệu đồng/người/tháng.

Đơn cử như tại Ba Vì, trước đây, nông dân trong huyện đã đầu tư chăn nuôi bò sữa, nhưng một phần do thiếu vốn, một phần do việc tiêu thụ sản phẩm không ổn định nên quy mô chăn nuôi nhỏ (mỗi hộ 1-2 con, hộ nuôi nhiều cũng chỉ 5-6 con), lợi nhuận kinh tế thấp, vì thế, từ năm 2009 đến nay, Quỹ Khuyến nông Hà Nội đã phối hợp với Công ty Sữa Ba Vì (trước đây là Công ty Sữa Vinh Nga), Công ty cổ phần Sữa Quốc tế (IDP) cho 123 hộ chăn nuôi bò sữa tập trung tại các xã Tản Lĩnh, Yên Bài, Vân Hòa vay 10,53 tỷ đồng để đầu tư mua bò giống, thức ăn, trồng cỏ… 

Do được Công ty Sữa Ba Vì và IDP đứng ra bao tiêu toàn bộ sản phẩm nên các hộ được vay vốn mạnh dạn mở rộng quy mô đàn bò sữa, mở rộng diện tích trồng cỏ và làm ăn ngày càng hiệu quả. Điển hình như hộ ông Phùng Đại Biên ở xã Tản Lĩnh, trước khi vay vốn chỉ nuôi 5 con bò sữa, đến nay mở rộng quy mô lên 10 con; hộ ông Nguyễn Quốc Huy ở xã Yên Bài, sau khi được vay vốn đã tăng quy mô nuôi từ 8 con lên 15 con… 

Đến nay, Quỹ Khuyến nông Hà Nội đã cho 827 lượt hộ vay vốn phát triển chăn nuôi lợn, gia cầm, thủy sản với tổng số vốn hơn 174 tỷ đồng. Số vốn này góp phần giúp bà con thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn ở một số vùng tập trung, xa khu dân cư như Cấn Hữu (Quốc Oai), Văn Đức (Gia Lâm), Trung Châu, Phương Đình (Đan Phượng)…, cũng như thúc đẩy quá trình chuyển đổi các vùng trũng trồng lúa năng suất thấp sang thâm canh thủy sản (như tại Đông Mỹ - Thanh Trì, Đồng Tâm - Mỹ Đức). 

Ngoài cho vay đối với những vùng sản xuất tập trung, những mô hình chuyên canh, Quỹ Khuyến nông còn hỗ trợ cho vay những mô hình sản xuất kinh doanh tổng hợp (VAC). Cụ thể là trong 10 năm qua, Quỹ đã giải ngân cho 288 phương án với tổng số vốn 43,86 tỷ đồng, tập trung ở các huyện Đông Anh (54 phương án, 6,985 tỷ đồng), Gia Lâm (59 phương án, 8,43 tỷ đồng)…

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế nông thôn, ông Nguyễn Văn Phúc ở thôn Thanh Hà, xã Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) cho biết: “Năm 2005, gia đình tôi từ huyện Gia Lâm lên thôn Thanh Hà mua đất để phát triển kinh tế trang trại, với diện tích 2.000m2, ban đầu nuôi 40 lợn nái, 200 lợn thịt. Nhưng do kinh nghiệm chăn nuôi còn hạn chế, chưa biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật nên hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2007, được sự giúp đỡ của Trạm Khuyến nông Sóc Sơn, tôi được Quỹ Khuyến nông cho vay 300 triệu đồng với lãi suất 0,5%/năm để phát triển sản xuất; năm 2008 lại được đi tham quan mô hình nuôi lợn không chất thải tại Côn Minh (Trung Quốc), được tham dự các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, phòng trị bệnh… nên tôi mạnh dạn mở rộng quy mô đàn lên 120 lợn nái, 600 - 800 lợn thịt”. 

Nhờ nguồn vốn đó, trang trại của gia đình ông Phúc ngày càng phát triển, mỗi năm cung ứng cho thị trường 100 - 120 tấn thịt lợn hơi; 800-1.000 con giống chất lượng, tổng doanh thu 5 - 6 tỷ đồng, trừ chi phí,  lãi 500-700 triệu đồng; đồng thời còn tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động với thu nhập bình quân 2,5-3 triệu đồng/người/tháng.

“Đặc biệt là trong năm 2012, gia đình tôi tiếp tục được Quỹ Khuyến nông cho vay 500 triệu đồng để cải tạo chuồng trại, mở rộng quy mô nuôi. Đến nay, toàn bộ hệ thống trang trại của gia đình đã được khép kín, chuồng trại chăn nuôi không có chất thải nên khá sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường. Ngoài ra, cái hay của việc vay vốn từ Quỹ Khuyến nông là không chỉ được hưởng lãi suất thấp, chúng tôi còn được cán bộ khuyến nông tư vấn, hướng dẫn tỉ mỉ, được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh nên hầu hết các mô hình vay vốn đều làm ăn có hiệu quả”, ông Phúc nói.    


Cần tăng nguồn vốn cho Quỹ

Dù rất mới và đang là mô hình duy nhất trên phạm vi cả nước, song có thể thấy, Quỹ Khuyến nông đã và đang là kênh tài chính hữu hiệu, góp phần giúp nhiều trang trại, hộ nông dân mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tiến dần tới sản xuất hàng hóa. Điều quan trọng là, lợi ích mà Quỹ mang lại không đơn thuần là đầu tư hỗ trợ lãi suất mà thông qua nguồn vốn để ngành nông nghiệp có điều kiện định hướng, hướng dẫn phát triển sản xuất đối với kinh tế hộ và kinh tế trang trại, đưa thiết bị và tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, từ đó đẩy nhanh công cuộc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thủ đô.

Đặc biệt là do làm tốt khâu tuyên truyền, kiểm tra, giám sát và tập huấn kỹ thuật nên tỷ lệ nợ quá hạn của Quỹ lũy kế đến 31/12/2012 chỉ là 793,7 triệu đồng, chiếm 0,792% tổng nguồn vốn (hàng năm, Quỹ đều tổ chức 30-40 lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho 2.000 - 2.500 lượt nông dân, chủ trang trại đã, đang và sẽ vay vốn của Quỹ).

Trong 10 năm qua, Quỹ Khuyến nông thành phố mới phải xử lý 9 hộ cố tình chây ỳ không chịu trả nợ, còn lại phần lớn các hộ được vay đều trả vốn và lãi đúng thời gian quy định, chưa để xảy ra tình trạng thất thoát, mất vốn. 

Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cho biết: “Về mặt kinh tế, nguồn vốn của Quỹ Khuyến nông đã góp phần tăng giá trị sản phẩm của các phương án vay vốn từ 10-30%. 10 năm qua, Quỹ đã góp phần tạo ra 700 - 750 tỷ đồng giá trị sản phẩm hàng hóa chất lượng cao. Tuy vậy, hiện nay tổng nguồn vốn của Quỹ còn thấp, trong khi nhu cầu vay vốn của hộ nông dân, chủ trang trại rất lớn, do đó chúng tôi đề nghị UBND thành phố cấp bổ sung hàng năm từ 20-30 tỷ đồng để Quỹ hoạt động hiệu quả hơn”.  

Về những kết quả mà Quỹ Khuyến nông Hà Nội đạt được trong 10 năm qua, ông Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh: “Chúng tôi đánh giá cao sáng kiến của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội khi vận hành tốt Quỹ Khuyến nông, giúp nhiều hộ nông dân có vốn phát triển sản xuất, vươn lên làm giàu. Chúng tôi cũng đang hướng dẫn, khuyến khích các địa phương khác học tập kinh nghiệm của Khuyến nông Hà Nội, đồng thời chính thức đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Tài chính có nghiên cứu toàn diện về quy trình xây dựng, phát triển Quỹ để xây dựng thành đề án phát triển Quỹ Khuyến nông Quốc gia, trình Chính phủ xem xét”.

 

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm hoạt động Quỹ Khuyến nông, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Xuân Việt đề nghị trong thời gian tới, Quỹ Khuyến nông Hà Nội cần nâng cao chất lượng hoạt động; việc đầu tư, triển khai cho các mô hình vay vốn cần chú ý trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc điểm thực tế của từng địa phương. Ngoài ra, nên cân đối hỗ trợ đầu tư một cách đồng bộ, gắn phát triển sản xuất với chế biến và tiêu thụ; đồng thời kiểm soát tốt nguồn vốn, nâng cao năng lực quản lý của cán bộ Quỹ…


Minh Huệ (kinhtenongthon.com.vn)

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập72
  • Máy chủ tìm kiếm4
  • Khách viếng thăm68
  • Hôm nay40,182
  • Tháng hiện tại1,055,366
  • Tổng lượt truy cập92,229,095
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây