Nói vậy vì, hàng ngàn hecta đất sản xuất nông nghiệp bị bỏ hoang, hàng ngàn hộ bốn, năm gia đình con cái, cháu chắt sống chung trong một căn nhà cấp 4 chật chội, môi trường bị hủy hoại. Thiếu nước, thiếu điện, cuộc sống dân sinh khó khăn dồn dập. Việc tiếp tục khai thác hay tạm dừng dự án đang được các nhà khoa học, các bộ, ban ngành, các nhà đầu tư nghiên cứu để đưa ra một quyết định sáng suốt trong xu thế hiện tại được và mất.
Cán bộ, nhân dân vùng mỏ sắt Thạch Khê vui mừng trong lễ khởi công bóc đất tầng phủ.
Cuối năm 2009, hàng nghìn người dân ở khu vực mỏ sắt Thạch Khê hết sức vui mừng khi chứng kiến lễ khởi công bóc đất tầng phủ, mở đầu công đoạn khai thác 544 triệu tấn quặng sắt đang “ngủ yên” dưới lòng đất. Tuy nhiên, niềm vui “ngắn chẳng tày gang”, những khó khăn, bất cập ngay từ giai đoạn bóc đất tầng phủ ngày càng bộc lộ rõ.
Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê được triển khai năm 2008 với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỷ đồng, do Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC) làm chủ đầu tư (đến tháng 12/2014, dự án được phê duyệt điều chỉnh lại với tổng mức đầu tư 14.517,2 tỷ đồng – PV). Tháng 9/2009, TIC chính thức khởi động dự án bằng việc thực hiện thử nghiệm công nghệ và bóc đất tầng phủ. Sau 2 năm kể từ ngày khởi công, đến tháng 7/2011, TIC thực hiện bóc đất tầng phủ đến độ sâu - 28m, đạt 12,7 triệu m3. Tuy nhiên, trong quá trình bóc đất tầng phủ đã xuất hiện những bất cập trong thiết kế kỹ thuật, công nghệ khai thác và đối mặt với những khó khăn tài chính bởi một số cổ đông không góp vốn đúng cam kết. Do đó, tháng 11/2011, Thủ tướng Chính phủ đã phải cho tạm dừng dự án, để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật và tái cơ cấu cổ đông.
Báo cáo về những hạn chế trong kỹ thuật, công nghệ khai thác của TIC nói rõ, dự án phê duyệt công tác đổ thải bố trí hoàn toàn trên đất liền, trong khi dung tích và chiều cao các bãi thải cát rất lớn, đã gây nguy cơ mất an toàn và ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Ngoài ra, công nghệ đào sâu đáy mỏ một cấp không phù hợp với điều kiện khí hậu của Hà Tĩnh. Việc sử dụng các thiết bị cỡ lớn chạy bằng điện không cơ động, sử dụng ô tô khung cứng có tải trọng lớn là chưa có cơ sở chắc chắn, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà Trần Việt Hà cho biết: “Một thực tế rất đáng lo ngại, đó là sau khi bóc đất tầng phủ đến -28m đã xuất hiện tụt nước ngầm và sa mạc hóa tại vùng bị ảnh hưởng bởi dự án”.
Không chỉ bất cập trong thiết kế kỹ thuật, công nghệ khai thác, dự án còn đối mặt với những khó khăn tài chính. TIC được thành lập ban đầu với 9 cổ đông sáng lập, trong đó, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) chiếm tỷ lệ góp vốn lớn nhất (30%). Các cổ đông còn lại hầu hết năng lực tài chính yếu, việc góp vốn điều lệ chậm làm ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Đến tháng 11/2011, tổng số vốn các cổ đông đóng góp mới chỉ đạt hơn 1.000 tỷ đồng, bằng 42,08% vốn điều lệ. Từ đó, dẫn đến hàng loạt hệ lụy như: chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, thiếu tiền thanh toán cho nhà thầu tư vấn lập thiết kế kỹ thuật, thiếu tiền xây dựng khu tái định cư.
Sau 2 năm kể từ ngày khởi công, đến tháng 7/2011, TIC thực hiện bóc đất tầng phủ đạt 12,7 triệu m3. Trong ảnh: Trên khai trường bóc đất tầng phủ tháng 9/2010
Bên cạnh đó, lộ trình giải phóng mặt bằng đề ra giai đoạn 2008-2013 giải phóng trắng 3.898,24 ha, di dời 3.952 hộ dân, với kinh phí 3.478 tỷ đồng, trong thực tế là không khả thi. Hơn nữa, những năm qua, giá quặng sắt trên thế giới giảm rất thấp, các doanh nghiệp trong nước có thể dễ dàng nhập khẩu quặng với giá rẻ để luyện thép để tối ưu hoá lợi nhuận.
Mỏ sắt Thạch Khê có trữ lượng quặng trên 544 triệu tấn, được coi là mỏ sắt có trữ lượng lớn nhất Đông Nam Á. Đặc điểm hạn chế của mỏ là gần biển (bờ mong mỏ phía Đông Bắc chỉ cách bờ biển 500 m); hàm lượng kẽm trong quặng sắt lớn (0,071%). Quá trình khai thác đến độ sâu - 550m sẽ phải bốc đi hơn 700 triệu m3 đất đá và sẽ thu được 369,9 triệu tấn quặng nguyên khai. Tuổi thọ mỏ 52 năm. |
Tại thông báo Kết luận số 52/TB-VPCP, ngày 17/2/2012 của Văn phòng Chính phủ về triển khai thực hiện Dự án mỏ sắt Thạch Khê đã khẳng định: Dự án mỏ sắt Thạch Khê và Dự án Nhà máy sản xuất phôi thép 2 triệu tấn/năm là một tổ hợp dự án, đòi hỏi công nghệ phức tạp, giải phóng mặt bằng lớn. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn nhiều bất cập, chậm, kéo dài; một số đơn vị tham gia góp vốn chưa thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc góp vốn và thoái vốn tại Công ty cổ phần sắt Thạch Khê làm ảnh hưởng tiến độ của dự án. Hơn thế nữa, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng thiết yếu tại khu tái định cư không đồng bộ, gây khó khăn đời sống, sinh hoạt của nhân dân.
Mặc dù đã điều chỉnh dự án và tái cơ cấu cổ đông, nhưng dự án vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập. Cuối năm 2016, UBND Hà Tĩnh đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, đề nghị tạm dừng dự án, bởi nhận thấy có quá nhiều bất cập. Theo UBND Hà Tĩnh, một số nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường còn chung chung, sơ sài, vì vậy cần xem xét, rà soát lại. Bên cạnh đó là hiệu quả kinh tế của dự án. Khi chưa giải quyết được các tồn tại đã nêu thì chưa cho khởi động lại dự án mỏ sắt Thạch Khê.
Dự án dừng triển khai hơn 7 năm qua đã để lại vô vàn hệ lụy trực tiếp cho người dân 6 xã vùng bị ảnh hưởng khai thác mỏ sắt Thạch Khê cũng như những khó khăn không nhỏ cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Tĩnh.
Kỳ 2: Sống khắc khoải bên moong mỏ
Anh Bình - Bá Tân/kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;