Cả trang trại không một bóng người, thi thoảng lại nghe tiếng ngỗng kêu khi thấy có người đứng phía ngoài cổng. Gọi điện cho ông Đệ và chờ mãi đến gần 1 giờ đồng hồ thì chị Trần Thị Hà (người làm thuê) mới lật đật trở về.
Trong khi ngồi chờ người giúp việc về, Trưởng CA xã Hưng Phúc nói: đàn chồn nhung đen của ông Đệ hiện giờ ít ra cũng phải trên dưới 2.500 con. Thế nhưng, khi chị Hà mở khóa 2 dãy chuồng cho chúng tôi vào xem đàn chồn, thì trái lại. Trong tiếng kêu chí chóe đòi ăn thưa thớt của chúng, tôi đoán số lượng ít nhất đã giảm mất ½ so với thời điểm tôi đến thăm mô hình này vào tháng 11/2012.
Chị Hà phân trần: nếu được chăm sóc cẩn thận như khi mới nhập đàn về (1.000 con), số lượng chồn nhung giờ ít ra cũng trên ba nghìn con. Nhưng do không bán được con chồn giống nào cho ông Đoàn Việt Châu, cũng không mở rộng được thị trường nên công việc chăm sóc, nuôi dưỡng bị sao nhãng hẳn.
Cận cảnh đàn chồn nhung hiện nay của ông Thái Doãn Đệ
Sau Tết người làm thuê cho ông Đệ trước đây đã xin nghỉ việc nên tôi mới được thuê đến làm tiếp. Hàng ngày tôi vẫn cắt cỏ cho chúng ăn và quét dọn chuồng trại sạch sẽ như mọi khi nhưng do thuốc men có hạn nên đàn chồn chết dần chết mòn. Những ngày trời mưa, cỏ cắt về có nước mưa, cho chồn ăn chúng lăn ra chết hàng loạt có ngày 15 đến 20 con. Có bữa cao điểm lên tới 30 con. Thế là ngày nào tôi cũng phải vào nhặt và điện thoại báo với ông chủ sau đó mang toàn bộ đi chôn.
Chúng tôi bắt thử một vài con lên kiểm tra xem, con nào cũng gầy nhom và có vẻ đói. Bắt thử con chồn đực to nhất xem trọng lượng thực của nó ra sao thì cũng chỉ nặng chừng 600 gam.
Còn nhớ giữa tháng 11/2012, khi ông Nguyễn Văn Nhạc, Chủ tịch Hội Nông dân phường Vinh Tân dẫn tôi đến xem mô hình này, ông Đệ đã “nổ” như pháo. Rằng bản hợp đồng ký tay đôi giữa ông và ông Đoàn Việt Châu sẽ thu hút 327 lao động quanh vùng. Với mức bình quân mỗi lao động nuôi 10 con thì riêng quy mô của hợp đồng này ông Đoàn Việt Châu có nghĩa vụ phải cung cấp cho ông xấp xỉ 3.300 đôi chồn giống.
Ông Thái Doãn Đệ sẽ thay mặt ông Đoàn Việt Châu bao thầu việc cung cấp con giống cho các hộ tham gia mô hình và mua lại đàn chồn con cho ông Đoàn Việt Châu... Vào thời điểm đó, trang trại của ông Thái Doãn Đệ mới được ông Đoàn Việt Châu cung cấp cho 500 đôi (với giá 4 triệu đồng/đôi) và ông Đệ đã trả cho ông Châu 800 triệu đồng và hai bên đang cam kết đến cuối năm 2012 sẽ cung cấp đủ 1.000 đôi (ông Đệ được nợ ½ và trừ lùi vào các lứa chồn con tiếp theo).
Theo chị Trần Thị Hà thì từ sau Tết Nguyên đán đến nay, ông Đệ chưa hề bán được con giống nào cho ông chủ Đoàn Việt Châu ở Hà Nội và cũng chẳng cung cấp được đôi chồn giống nào cho bất kỳ ai trong vùng. Đây là lý do khiến ông Đệ bỏ bê đàn chồn cho chúng tôi muốn chăm sóc, nuôi dưỡng ra sao thì tùy. Đến như đàn chồn chết hàng loạt mà ông cũng chẳng thèm quan tâm nữa. |
Lúc đó, tôi đã cảnh báo ông Đệ rằng đây là một mô hình kinh doanh đa cấp, người nuôi cần phải cảnh giác kẻo khi ông Đoàn Việt Châu dừng mua thì những người tham gia mô hình sẽ lâm vào cảnh tiền mất tật mang, không hoàn vốn được, đàn chồn không biết tiêu thụ ra sao. Ông Đệ cười, cho rằng không bao giờ có tình huống đó xảy ra. Và nếu có ông sẽ thu mua lại của dân với giá thị trường rồi mở một nhà hàng đặc sản cho mọi người cùng thưởng thức. Biết đâu lãi còn lớn hơn (!?).
Thế nhưng, sau đó một thời gian hình như ông Đệ cũng nhận ra bản chất “canh bạc” này nên đã kịp dừng lại. Bản thân người dân xứ Nghệ mặc dù rất “máu” làm giàu nhưng việc bỏ ra bình quân 80 đến 100 triệu đồng (để mua con giống và chuồng nuôi) không phải ai cũng làm được khiến mô hình không được nhân rộng thêm. Bởi thế, vai trò làm “tổng đại lý” cho ông Đoàn Việt Châu tại Nghệ An của ông Thái Doãn Đệ cơ bản thất bại.
Vừa bỏ cỏ cho chồn ăn, chị Trần Thị Hà cho biết thêm: Đàn chồn nhung giống ban đầu cộng với gần 500 con chồn con do chúng đẻ ra mấy lứa liền đã chết dần chết mòn cả chồn bố mẹ lẫn chồn con giờ chỉ còn lại chừng đó nữa thôi (khoảng vài trăm con). Hàng ngày tôi vẫn phải chăm sóc, quét dọn chuồng trại và cắt cỏ cho chúng ăn với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Đàn chồn do ăn uống, chăm sóc kém nên chẳng thấy đẻ nữa, mặc dù chồn cái và chồn đực vẫn được nuôi nhốt chung với nhau như mọi khi.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã