Ấp Đèn Đỏ, xã Tân Thành, phần lớn bà con ngư dân sống bằng nghề đi biển, đánh bắt thủy, hải sản. Vào thời điểm nước lớn, cảng cá Đèn Đỏ càng trở nên nhộn nhịp với hàng trăm lao động tấp nập đợi thuyền ghe về cặp bến để phân loại hải sản.
Khu vực cầu cảng nơi các thuyền ghe bắt đầu vươn khơi |
Chúng tôi đến xóm cá Đèn Đỏ vào một ngày cuối tuần, khi mặt trời vừa đứng bóng cũng là lúc từng tốp thuyền ghe đua nhau về bờ sau một đêm đánh bắt ngoài khơi, trên bờ biển nhiều xe tải đậu chờ sẵn sàng chở hàng. Trên khuôn mặt mỗi ngư dân xứ biển không giấu được niềm vui vì chuyến ra khơi thắng lợi, ghe thuyền mang đầy ắp tôm cá trở về.
Bà Nguyễn Thị Hồng Hoa, ấp Đèn Đỏ, tay thoăn thoắt lựa cá, miệng cười nói vui vẻ: “Tôi làm nghề này đã lâu rồi, ở đây khó tìm được việc làm nào phù hợp hơn ngoài việc lựa cá. Công việc không có thời gian cố định, chỉ làm theo con nước, khi chờ nước lớn ghe, thuyền về cặp bến thì mọi người mới tập trung phân loại tôm cá”.
Theo những ngư dân đi biển, có thời điểm liên tục thuyền ghe ở ấp Đèn Đỏ đã trúng mùa cá đối. Nhất là có ngày nào thả trúng luồng cá chạy thì càng bắt được nhiều cá khiến thương lái từ khắp nơi kéo đến thu mua tận bờ biển.
Bãi nuôi nghêu và chòi canh |
Gọi là chợ cá nhưng thực ra đây là bến ghe thuyền trở về, tập trung phân loại và bán ngay trong ngày. Bà Tư, xóm cá Đèn Đỏ tâm sự: “Chúng tôi chờ ở đây, hàng về loại gì cũng mua, vào mùa này thường mua được mực và cá phân để bỏ cho các nhà máy. Do biển đã vơi cá nên những năm gần đây thu mua được ít hơn, có hôm nhiều thì mua được vài tạ, nhưng có khi cũng chỉ vài chục ký không chừng”.
Dẫn chúng tôi đến thăm một số vựa hải sản ven biển Tân Thành, ông Phan Hồng Thu, trưởng ấp Đèn Đỏ bộc bạch: Nghề đánh bắt hải sản của ngư dân ấp Đèn Đỏ thịnh nhất cách nay khoảng chục năm, lúc đó nguồn tôm cá khá dồi dào khiến nhiều gia đình ở xứ biển này khấm khá, nhiều hộ trở nên giàu có. Còn cái tên ấp Đèn Đỏ có từ bao giờ và tại sao lại gọi như vậy thì dân ở đây cũng không còn nhớ nổi về gốc tích. Chỉ biết được trong ấp Đèn Đỏ nổi tiếng có những “vua biển” với nghề vươn khơi truyền thống đánh bắt hải sản như ngư dân Mai Văn Xây (Sáu Xây), Phạm Văn Beo, Võ Văn Ích, hay Võ Văn Bay… - những lão làng với thâm niên đi biển gần trọn cuộc đời.
Chợ Tân Thành |
Sau nhiều năm gắn bó với vùng đất nơi cửa sông ấp Đèn Đỏ, ông Sáu Tràm năm nay 72 tuổi cũng chứng kiến bao thăng trầm, biến chuyển của thiên tạo. Ông kể: “Ngày trước Cửa Tiểu hẹp hơn bây giờ nhiều. Để định vị cho tàu thuyền, người ta đã phải làm một cột hải đăng ở bờ bắc, thuộc xã Tân Thành này. Trụ đèn cao cả chục thước, được dựng trên trụ sắt vững chãi, nhưng do sau này bị sạt lở đã đổ sụp xuống biển. Từ mé bờ bây giờ ra đến trụ đèn ấy tới nửa cây số chứ chẳng chơi”.
Trụ đèn đỏ không còn, cả một khu vực rộng lớn bờ bắc Cửa Tiểu, thuộc hai ấp Tân Phú, Cầu Muống (xã Tân Thành) cũng đang bị sạt lở nặng, làm biến dạng cả một đoạn bờ biển hơn 3km, có nơi tiến sát vào đê ngăn mặn cho cả vùng Gò Công. Vậy nhưng địa danh Đèn Đỏ vẫn được truyền lưu khi nó trở thành tên hành chính quy tụ nhiều ngư dân làm nghề biển khắp nơi tìm về.
Ông Sáu Tràm còn cho biết, tại đây đã có lúc người ta thắp đèn dầu đỏ rực một vùng quê biển để lấy ánh sáng cân đong, phân loại cá tôm mỗi khi tàu thuyền cập bến. Có lẽ như vậy nên cái tên ấp Đèn Đỏ cũng được định danh đến tận bây giờ.
Những năm 90 trở về trước, ở vùng biển Tân Thành còn lắm khó khăn, đất đai bị nhiễm mặn quanh năm, cây lúa chỉ làm được một vụ, nhưng rất bấp bênh vì triều cường nên cuộc sống người dân vất vả, phải đi làm thuê mướn khắp nơi. Tuy nhiên, từ khi con nghêu xuất hiện, thu nghêu, cào nghêu đã giúp người dân có một cuộc sống ổn định.
Nghề cào nghêu giúp cho người dân xứ biển Tân Thành có thu nhập ổn định |
Chúng tôi tìm đến bãi nghêu vào đúng ngày thu hoạch, chứng kiến hình ảnh hàng trăm phụ nữ với lưỡi cào, bao, rổ đựng nghêu đang ngâm mình trong làn nước biển lạnh, họ đang miệt mài với công việc quen thuộc hàng ngày. Nếu đứng từ xa chỉ thấy bóng dáng người cào nghêu như những chấm nhỏ li ti bạt ngàn dưới bãi biển. Để gắn bó với nghề này họ luôn phải nắm rõ quy luật của con nước để kịp đi cào khi thủy triều vừa rút.
Chị Nguyễn Thị Hương, xã Tân Thành (người có thâm niên cào nghêu cả chục năm) tâm sự: “Mỗi ngày có khi cào được vài chục hay cả trăm ký, được chủ sân nghêu trả mấy trăm ngàn tiền công. Nếu ngày nào nghêu nhiều thì chỉ cần cào vài tiếng là về, còn gặp ngày nghêu vét (nghêu thưa) thì phải cào lâu hơn”.
Theo chị Hương, người dân xã biển Tân Thành, ngoài nghề cào nghêu thì cũng không làm nghề gì khác vì ở địa phương cũng không có công ty nhà máy gì. Không biết từ bao giờ nghề nuôi và cào nghêu đã trở thành nghề cứu cánh của người dân nơi đây. Kết thúc một ngày cào nghêu, bờ biển Tân Thành như nhộn nhịp hẳn lên, tiếng cười nói thăm hỏi nhau rộn ràng khi trên tay ai nấy đều có những bao chứa đầy nghêu trắng.
Chị Trần Thị Ngoan, lao động cào nghêu ở ấp Đèn Đỏ kể: “Tới mùa thu hoạch nghêu, hàng ngàn người kéo ra biển cào như trẩy hội. Gia đình tôi có 3 người đều đi cào nghêu, mỗi ngày cũng kiếm được mấy trăm ngàn đồng, cải thiện đáng kể cuộc sống gia đình”.
Ao ươm nghêu giống và Trung tâm nghiên cứu phát triển giống nghêu |
Theo nhiều hộ nuôi nghêu lâu năm ở biển Tân Thành, dù rủi ro dịch bệnh tăng cao, lợi nhuận trong nuôi nghêu ngày càng giảm, nhưng khi đề cập đến vấn đề hiệu quả nuôi nghêu hiện nay, ông Trần Văn Vinh, chủ hộ nuôi có 25 ha nghêu ở ấp Cầu Muống, chẳng cần suy nghĩ nói ngay: “Con nghêu từng được gọi là “vàng trắng” đem lại lợi nhuận kinh tế rất có giá trị ở quê biển chúng tôi. Tuy nhiên, nếu không có tình trạng nghêu chết hàng loạt như những năm gần đây, thì nuôi nghêu có hiệu quả kinh tế không loài thủy sản nào bằng”.
Cùng chung suy nghĩ, ông Nguyễn Văn Nhịn (Chín Nhịn), nông dân có 4 sân nuôi nghêu với diện tích trên 30 ha, ngụ ở ấp Cầu Muống tính toán: Hiện vốn đầu tư nuôi mỗi ha nghêu từ 120 - 150 triệu đồng tùy theo mật độ thả giống. Năng suất bình quân từ 15 - 20 tấn/ha, với giá nghêu bình quân chỉ tính khoảng 20.000 đồng/kg thì doanh thu từ nghêu đã lên đến hàng trăm triệu đồng.
“Vì thế, với bà con xứ biển Tân Thành thì nuôi nghêu vẫn là số một”, ông Chín Nhịn khẳng định chắc nịch.
Theo ông Nguyễn Quốc Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành, nuôi nghêu cũng là một trong những lợi thế quan trọng của địa phương với diện tích nuôi đạt khoảng gần 2.000 ha (tập trung chủ yếu ở khu vực biển Tân Thành), chỉ đứng sau tỉnh Bến Tre về diện tích nuôi nghêu trong khu vực ĐBSCL. Hàng năm, vùng nuôi nghêu này cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt là thị trường xuất khẩu, lên đến 17.000 tấn nghêu, góp phần đem về nguồn ngoại tệ đáng kể. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã