Mô hình nuôi bò thịt của gia đình ông Loan Văn Viền (xã Vô Ngại) cho thu nhập cao.
Gia đình ông Loan Văn Viền (thôn Nà Làng, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu) có 10ha đất rừng trồng cây keo lấy gỗ, tuy nhiên nhiều năm qua hiệu quả kinh tế không cao. Mỗi ha trồng cây keo sau hơn 6 năm mới cho thu hoạch, trừ chi phí chăm sóc, nhân công, chỉ còn được khoảng 10 triệu đồng. Vì vậy, từ tháng 10/2020, sau khi thu hoạch 5ha cây keo, ông Viền quyết định chuyển một phần diện tích đất rừng sang mô hình chăn nuôi bò lấy thịt.
Được sự hỗ trợ vốn 200 triệu đồng từ chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện cùng với tiền thu hoạch cây keo, ông Viền đầu tư xây dựng chuồng trại, mua 20 con bò giống về để chăn thả. Để có nguồn thức ăn cho bò, ông chuyển đổi hơn 5.000m2 đất đồi trồng cây keo sang trồng cỏ voi. Được sự hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, phương pháp phòng chống dịch bệnh, nên đàn bò của gia đình phát triển tốt, vừa qua đã sinh thêm 6 con bê, bán 4 con bò thịt được 82 triệu đồng.
Từ hiệu quả ban đầu của mô hình nuôi bò thịt, gia đình ông Viền tiếp tục vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách huyện, đầu tư mua thêm bò giống mở rộng chăn nuôi. Đến nay đàn bò của gia đình đã phát triển lên 50 con, hứa hẹn cho thu nhập cao thời gian tới. Ông Viền chia sẻ: Nuôi bò lấy thịt tuy bỏ ra số vốn đầu tư ban đầu nhiều, nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn trồng cây keo rất nhiều. Những quả đồi rộng lớn, bò có thể tự đi tìm kiếm ăn trong tự nhiên, cỏ voi dễ trồng, mọc xanh tốt quanh năm, nên nguồn thức ăn luôn dồi dào, tiết kiệm được chi phí. Thời gian tới, gia đình tiếp tục nhân giống để mở rộng số lượng đàn bò; tuyên truyền, hỗ trợ về con giống cho bà con trong vùng cùng phát triển chăn nuôi. Rất cảm ơn Nhà nước đã hỗ trợ về giống, vốn, kỹ thuật để tạo điều kiện ban đầu cho người dân phát triển kinh tế.
Hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm và hiệu quả kinh tế trên từng đơn vị canh tác, huyện đã vận động người dân tập trung đất đai, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với thế mạnh của địa phương; huyện hỗ trợ về nguồn vốn, con giống, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật. Nhờ đó nông dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện có cơ hội tiếp cận với những mô hình kinh tế mới, cho năng suất, giá trị kinh tế cao. Riêng từ nguồn vốn của chương trình xây dựng NTM, giai đoạn 2016-2020 huyện đã hỗ trợ 89 lượt mô hình, dự án phát triển sản xuất cho 834 lượt hộ gia đình, hợp tác xã tham gia, tổng kinh phí gần 18 tỷ đồng; trong đó hỗ trợ giống vật nuôi (trâu, bò, dê, lợn, gà, ong lấy mật) có 61 dự án, trồng trọt 11 dự án... Nhờ có sự nghiên cữu kỹ, hỗ trợ có hệ thống từ giống, vốn, khoa học kỹ thuật đến thị trường tiêu thụ, nên các mô hình kinh tế đều mang lại hiệu quả, người dân hăng say lao động, sản xuất. Đến nay trên địa bàn huyện đã bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung với các sản phẩm chủ lực của địa phương như cây dong riềng, hồi, sở, thanh long ruột đỏ...
Mô hình trồng cây đào phai gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm tại xã Hoành Mô hứa hẹn trở thành điểm du lịch hấp dẫn.
Từ nguồn vốn hỗ trợ, đã có hàng trăm hộ dân phát triển thành công các mô hình sản xuất, vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ năm 2016 đến nay, bình quân mỗi năm huyện giảm khoảng 10% số hộ nghèo. Chị Trần Thị Hiền (thôn Đồng Cậm, xã Hoành Mô) cho biết: Gia đình tôi trước đây là hộ nghèo. Từ năm 2018 được xã, huyện hỗ trợ vốn, cây giống, gia đình đã chuyển hơn 1.000m2 đất trồng hoa màu sang trồng cây thanh long ruột đỏ. Sau hơn 1 năm, cây đã ra quả, mỗi vụ thu hoạch cho lợi nhuận từ 40-60 triệu đồng. Gia đình đã thoát nghèo.
Thông qua các dự án, mô hình phát triển sản xuất, các khóa tập huấn, trình độ nhận thức và tư duy của người dân, nhất là ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, có chuyển biến rõ rệt, người dân đã mạnh dạn đổi mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhờ đó các mô hình, dự án hỗ trợ phát triển kinh tế đã mang lại hiệu quả cao, ngày càng được nhân rộng.
Bà Lê Thị Thu Hương, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Liêu, chia sẻ: Để nâng cao thu nhập của người dân, huyện ưu tiên phát triển các nông sản thế mạnh của địa phương; lựa chọn các gia đình có ý chí vươn lên, có điều kiện về đất đai để phát triển hiệu quả các mô hình kinh tế. Sau đó tuyên truyền mở rộng, lan tỏa các mô hình thành công trong nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Thời gian tới huyện tiếp tục nghiên cứu phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp, trồng hoa… kết hợp với du lịch, dịch vụ ở một số xã có điều kiện.
Từ những kết quả đạt được, năm 2021 huyện tiếp tục lồng ghép nguồn vốn các chương trình: Xây dựng NTM, giảm nghèo, để hỗ trợ, tuyên truyền vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng phát triển hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường; thúc đẩy tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng NTM.
Theo Lê Nam/quangninh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã