Tiêu thụ chậm
Năm nào cũng vậy, cứ vào thời điểm cuối tháng 7 đến hết tháng 8 là nông dân trên địa bàn huyện Võ Nhai lại tất bật vào vụ thu hoạch na. Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên bà con nông dân cũng gặp phải không ít khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm.
Anh Vũ Văn Dương, Giám đốc HTX La Hiên cho biết: “Gia đình tôi đã trồng na khoảng hơn 20 năm nay. Hiện, gia đình có khoảng 3.600m2 diện tích đất trồng na, trong đó tôi đang tiến hành trồng theo hướng hữu cơ. Những năm trước, năm nào na cũng tiêu thụ tốt và bán đắt hàng. Tuy nhiên, năm nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên hàng hoá tiêu thụ cũng chậm hơn. Thời điểm đầu vụ, gia đình tôi bán với giá trung bình từ 30.000 – 45.000đ/kg”.
Nhiều năm nay, cây na là một trong những cây trồng thế mạnh của huyện vùng cao Võ Nhai. Cây na không chỉ giúp mang lại thu nhập đáng kể cho người dân Võ Nhai mà quả na còn là sản phẩm được địa phương tập trung phát triển xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP của vùng này.
Hiện, diện tích cây na trên toàn huyện Võ Nhai là trên 400ha, trong đó diện tích trồng mới chiếm 100ha, diện tích cho thu hoạch sản phẩm trên 300ha. Na được trồng tập trung chủ yếu tại các xã: La Hiên, Phú Thượng, Lâu Thượng, Tràng Xá, Dân Tiến, Thị trấn Đình Cả của huyện Võ Nhai.
Năng suất trung bình của cây na đạt 100 tạ/ha; tổng sản luợng đạt trên 4.500 tấn. Đến thời điểm này đã có khoảng 100ha na trên địa bàn huyện Võ Nhai được cấp chứng nhận VietGAP với trên 150 hộ dân tham gia. Từ năm 2018 đến nay, có 5 xã trồng Na của huyện Võ Nhai là La Hiên, Lâu Thượng, Phú Thượng, Tràng Xá, Dân Tiến đã tham gia dự án chuỗi giá trị cây Na và Đề án sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Các hộ dân khi tham gia dự án liên kết được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống, phân bón, túi đựng sản phẩm với tổng kinh phí hỗ trợ trên 2 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh.
Những năm qua, việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm na trên địa bàn huyện Võ Nhai luôn được sự quan tâm lãnh đạo, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành của tỉnh và sự chủ động, tích cực của các phòng ban chuyên môn của huyện cũng như chính quyền cấp cơ sở nơi có sản phẩm na.
Tuy nhiên, sản phẩm na hiện nay của Võ Nhai vẫn chủ yếu được tiêu thụ trong và ngoài tỉnh thông qua tư thương và bán lẻ chứ chưa tiếp cận qua kênh chính thống của hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và phân phối hàng hoá trên nền tảng thương mại điện tử.
Nỗ lực vượt khó
Bà Đào Thị Dung, Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 việc sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông sản của bà con trên địa bàn nói chung và hội viên Hội Làm vườn nói riêng cơ bản vẫn ổn định và không bị ảnh hưởng quá nhiều do tỉnh Thái Nguyên làm tốt về công tác phòng, chống dịch bệnh. Do vậy, Hội luôn tập trung vào việc hỗ trợ về khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân và hội viên trên địa bàn. Chỉ có một khó khăn duy nhất trong công tác hội là việc tập huấn về khoa học kỹ thuật cho hội viên năm nay gặp phải một số trở ngại do dịch bệnh nên không thể tập trung đông người. Tuy nhiên, từ giờ đến cuối năm hội sẽ cố gắng để hoàn thành những nội dung công việc còn dang dở.
Có thể thấy, trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm na trên thị trường cũng bị ảnh hưởng ít nhiều. Do đó, để giúp bà con nông dân tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm, vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương, UBND huyện Võ Nhai đã tổ chức hội nghị hỗ trợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm quả na huyện Võ Nhai.
Theo đó, giải pháp đưa ra là đẩy mạnh hoạt động quảng bá, truyền thông, xúc tiến, kết nối tiêu thụ sản phẩm na đến các tổ chức, người dân trên địa bàn tỉnh để chung tay tham gia hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, hỗ trợ, tạo điều kiện lưu thông trên thị trường thông qua các kênh phân phối hiện đại và truyền thống.
Do đó, rất cần sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, các hội, hiệp hội doanh nghiệp, các siêu thị, trung tâm thương mại, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh trong việc chung tay hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm.
Nhằm nâng cao hiệu quả xúc tiến thương mại và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, các cấp, ngành cần tạo điều kiện để doanh nghiệp, HTX và người nông dân tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu sản phẩm vùng miền, kết nối giao thương giữa nhà sản xuất và nhà phân phối để tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Để những mùa na sau không bị động, định hướng của huyện Võ Nhai trong phát triển cây na giai đoạn 2021 – 2025 là tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây na theo hướng tập trung và đẩy mạnh chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm na.
Phấn đấu đến năm 2025 tổng diện tích trồng na trên địa bàn toàn huyện đạt 1.000ha, diện tích cây na cho thu hoạch sản phẩm đạt 750ha, diện tích sản xuất na tập trung đạt 900ha, diện tích sản xuất na ứng dụng công nghệ cao đạt 592ha (trong đó diện tích sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 550ha, diện tích sản xuất na hữu cơ đạt 60ha). Phấn đấu năng suất bình quân đạt 106 tạ/ha, sản lượng đạt 10.070 tấn, giá trị sản phẩm hàng hoá đạt trên 300 triệu đồng/ha, phát triển sản phẩm na OCOP đạt tiêu chí 3 sao.
(Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã