Học tập đạo đức HCM

Diêm dân đã quá chán nản với nghề muối

Thứ ba - 20/07/2021 00:34
Nghề muối đang là nghề gần như 'bi đát' nhất với người dân vùng ven biển.

Mặc dù đang chính vụ, nhưng trên các cánh đồng muối xã Bạch Long (Giao Thủy, Nam Định), nơi trước đây được xem là vựa muối lớn nhất miền Bắc, không khí sản xuất khá trầm lắng.

Nghề muối đang là nghề gần như 'bi đát' nhất đối với người dân vùng ven biển. Ảnh: Trung Quân.

Nghề muối đang là nghề gần như "bi đát" nhất đối với người dân vùng ven biển. Ảnh: Trung Quân.

Những năm trở lại đây, giá muối thấp, đầu ra bấp bênh, thu nhập không đủ nuôi sống gia đình nên nhiều diêm dân đã không còn mặn mà với ruộng muối. Phần lớn lao động hiện nay là người lớn tuổi và gắn bó lâu năm với nghề. Lớp lao động trẻ hầu hết đều đã đi tìm công việc làm khác.

Ông Lại Văn Tiến, Giám đốc HTX Dịch vụ Diêm nghiệp - Thuỷ sản và Môi trường Bạch Long cho biết trước đây, toàn xã Bạch Long có diện tích đồng muối lên tới 230 ha, với hơn 4.000 lao động. Sản lượng trung bình hàng năm đạt từ 25.000 - 28.000 tấn, chiếm 1/3 sản lượng muối toàn tỉnh. Tuy nhiên, từ năm 2015 đến nay, năng suất muối giảm dần theo từng năm. Đến năm 2020, sản lượng muối chỉ còn đạt gần 5.000 tấn.

Cũng theo ông Tiến, để làm ra được hạt muối, mỗi vụ diêm dân phải đầu tư khá nhiều công sức, tiền bạc. Chỉ tính riêng việc tu sửa đồng muối, làm lại sân phơi, ô chạt, mua cát, thiết bị… chi phí bỏ ra đã khoảng 2 triệu đồng/sào, nếu đầu tư làm mới thì chi phí còn cao hơn nữa. Trong khi, nếu thời tiết thuận lợi một lao động làm việc cật lực trong ngày cũng chỉ thu được từ 130.000 - 150.000 nghìn đồng.

Bên cạnh đó, gía muối liên tục giữ ở mức thấp trong khi các mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống liên tục tăng, nên việc người dân bỏ ruộng là điều tất yếu.

Bà Cao Thị Lan, xóm Hoành Tiến, xã Bạch Long có 4 sào muối cho biết: Nghề muối vất vả lại phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết, nhưng giá bán lên xuống thất thường. Những hôm nắng ráo thu được muối thì giá bán thấp, những ngày mưa giá lên lại không có muối bán, nên thu nhập của diêm dân cũng bập bõm theo. Bản thân bà, ngoài làm 4 sào muối vẫn phải tranh thủ những hôm ruộng nghỉ đi đội muối thuê cho các cơ sở thu mua để kiếm thêm thu nhập.

“Hơn nửa đời người gắn với ruộng muối, giờ lớn tuổi các công ty, xí nghiệp không tuyển dụng. Biết là khó khăn , vẫn phải xoay xở đủ đường để duy trì cuộc sống, chứ giờ không làm muối thì không biết làm nghề gì khác”, bà Lan bộc bạch.

Cùng chung nỗi lo chật vật mưu sinh với nghề muối, anh Phạm Văn Phương, xóm Thành Tiến thở dài: Chưa thời điểm nào người làm muối lại gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Rõ là vùng sản xuất muối sạch, chất lượng muối thì ít nơi sánh được, vậy mà giá bán lại không cao.

Những năm trước, có thời điểm giá muối chỉ 6 - 7 trăm đồng/kg. Hiện, giá muối đang ở mức 1.200-1.300đ/kg, nếu tính chi li, thu nhập không được là bao nhiêu. Hai vợ chồng anh dù cố gắng cũng không đủ tiền nuôi 3 con ăn học nên anh xin đi làm phụ nghề mộc, vợ anh cũng xin đi làm công việc phụ giúp nấu cỗ. Khi nào rảnh rỗi vợ anh mới ra đồng làm muối để kiếm thêm đồng ra đồng vào.

“Làm muối cực lắm. Thậm chí phải chấp nhận nghịch lý ngày nắng gay gắt thì lam lũ trên đồng, mát trời lại về nhà nằm khểnh. Trong khi, số ngày nắng hiện nay ít nên chỉ dựa vào ruộng muối thì không sống nổi”, anh Phương chia sẻ.

Phần lớn lao động nghề muối hiện nay là người lớn tuổi, gắn bó lâu năm với nghề. Lao động trẻ hầu hết đều đã đi tìm công việc làm khác. Ảnh: Trung Quân.

Phần lớn lao động nghề muối hiện nay là người lớn tuổi, gắn bó lâu năm với nghề. Lao động trẻ hầu hết đều đã đi tìm công việc làm khác. Ảnh: Trung Quân.

Chị Nguyễn Thị Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Muối Hằng Anh (Giao Thủy, Nam Định) cho biết: 4 năm trở lại đây, giá muối luôn giữ ở mức tương đối thấp, trung bình khoảng 20.000 đ/phương. Năm nay, giá muối có phần nhích hơn một chút nhưng không đáng kể. Hiện, công ty đang thu mua muối của diêm dân với giá 30.000đ/phương (25 kg).

Bên cạnh đó, sức tiêu thụ muối ở Bạch Long cũng chậm do muối ở đây chủ yếu là muối sạch, muối non ăn trực tiếp nên chỉ bán phục vụ nhu cầu sử dụng hàng ngày nên sức mua của thị trường không đáng kể. Các nhà máy chế biến chuộng muối thô vì già muối và độ mặn cao hơn từ các tỉnh miền Trung và miền Nam nên số lượng thu mua cho diêm dân ở đây cũng không đáng là bao.

Từ những năm 2017 - 2018, khi tình trạng người dân bỏ ruộng muối bắt đầu xảy ra nhiều. Số hộ còn canh tác nằm rải rác trên khắp các cánh đồng nên công tác quy hoạch về thủy lợi, điều hành nước gặp rất nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, nhằm duy trì, phát triển nghề muối, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tiến tới hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, từ năm 2019, sau trưng cầu ý kiến của các hộ dân làm nghề muối, UBND xã Bạch Long đã xây dựng đề án quy hoạch lại vùng sản xuất muối.

Theo đó, xây dựng vùng sản xuất muối tập trung trên cánh đồng muối số 2 và số 3 với diện tích gần 60 ha cho những gia đình đăng ký sản xuất muối. Các cánh đồng 1A, 1B và một phần cánh đồng số 3 và số 6 sản xuất muối kém hiệu quả sẽ xây dựng lại cơ sở hạ tầng, chuyển đổi sang trồng hoa màu, chăn nuôi thủy hải sản và kinh doanh tổng hợp.

Đến nay, việc đo đạc, kiểm đếm toàn bộ diện tích đất đã hoàn tất. UBND xã đã có tờ trình gửi UBND huyện và UBND tỉnh, khi có quyết định phê duyệt sẽ triển khai tới các hộ dân bắt tay vào sản xuất.

"Để nghề muối quay lại thời kỳ hoàng kim như trước đây thì rất khó. Tuy nhiên, với mong muốn duy trì nghề truyền thống của quê hương, các cơ quan quản lý sẽ tiếp tục đưa ra các giải pháp nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn cho người dân. Trong đó, có chủ trương phát triển du lịch trải nghiệm trên các cánh đồng muối. Từ đó, giúp các hộ sản xuất có thêm cơ hội nâng cao thu nhập cũng như cải thiện cuộc sống".

(Ông Phạm Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Bạch Long, Giao Thủy, Nam Định)

https://nongnghiep.vn/diem-dan-da-qua-chan-nan-voi-nghe-muoi-d297387.html
Theo Trung Quân/nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập90
  • Hôm nay17,192
  • Tháng hiện tại1,130,160
  • Tổng lượt truy cập92,303,889
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây