Học tập đạo đức HCM

Quyến rũ hương vị trà tôm nõn Hảo Đạt

Thứ bảy - 17/07/2021 09:26
Chè tôm nõn của HTX chè Hảo Đạt (Tân Cương, Thái Nguyên) là 1 trong 20 sản phẩm đầu tiên đang được trình Thủ tướng Chính phủ công nhận sản phẩm đạt OCOP 5 sao.

Chật vật đi lên từ xây dựng HTX

Giữa cái nắng oi bức của những ngày đầu tháng 7, tôi có dịp ghé qua vùng chè Tân Cương (Thái Nguyên), nơi được mệnh danh là vùng đất đệ nhất danh trà. Đón tôi là chị Hảo, Giám đốc HTX chè Hảo Đạt. Ấn tượng đầu tiên của tôi về chị là người phụ nữ với dáng người nhỏ nhắn, tháo vát, gương mặt luôn nở nụ cười đôn hậu, nhất là với khách phương xa như tôi.

Chị Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) giới thiệu sản phẩm chè tôm nõn, là 1 trong 20 sản phẩm đầu tiên đang được xem xét trình Thủ tướng Chính phủ công nhận sản phẩm đạt OCOP 5 sao. Ảnh: Trung Quân.

Chị Đào Thanh Hảo, Giám đốc HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) giới thiệu sản phẩm chè tôm nõn, là 1 trong 20 sản phẩm đầu tiên đang được xem xét trình Thủ tướng Chính phủ công nhận sản phẩm đạt OCOP 5 sao. Ảnh: Trung Quân.

Thấy chị đang tất bật giải quyết các đơn hàng, tôi ngỏ ý vào việc luôn nhưng chị cắt lời: “Đã đến Thái Nguyên thì phải thưởng thức đặc sản rồi có làm gì thì mới làm”. Nói rồi chị nhanh tay pha một ấm trà mà theo chị giới thiệu là trà thượng hạng do HTX sản xuất. Vừa pha trà, chị vừa ngâm nga: “Mấy khi khách đến chơi nhà, đốt than quạt nước pha trà người xơi. Trà này quý lắm ai ơi, mỗi người một chén cho tôi vừa lòng”.

Bất giác tôi hỏi chị, chè quê mình nổi tiếng, nhiều người tìm mua thì cuộc sống của người dân trồng chè cũng dễ thở?

Đang vui vẻ, bỗng nhiên chị lắng giọng bảo, nhìn vậy thôi chứ làm cái nghề này vất vả lắm. Trông thì ai cũng thấy đơn giản, cứ trồng cây xuống đến kỳ thì thu hoạch là “hái lá ra tiền” nhưng không biết được người trồng chè từng phải chật vật giữ nghề và mưu sinh gian khó thế nào.

Lặng đi giây lát, chị bồi hồi kể, bản thân chị sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống trồng chè. Trong ký ức của chị là cảnh lam lũ sớm tối của cha mẹ, cũng như những người dân trong vùng, mà cái nghèo vẫn cứ đeo bám không thôi.

Rõ là vùng chè có tiếng, người dân hiểu cây chè như hiểu chính bản thân mình. Vậy mà sản phẩm làm ra chật vật tiêu thụ, giá bán thì có lúc rẻ hơn so với nơi khác. Người làm chè nhiều lúc lúng túng với chính nghề cơm áo của mình, có người còn nghĩ tới việc phá bỏ cây chè chuyển trồng loại cây khác …

Không đành lòng trước thực tế đó, chị đã bỏ rất nhiều thời gian tìm hiểu thông tin về kỹ thuật chăm sóc chè theo hướng mới, cách thức xây dựng thị trường với mong muốn làm được điều gì đó cho cây chè quê hương.

Năm 2007, chị đã đứng ra vận động một số hộ trồng chè trong xóm tập hợp thành Tổ hợp tác. Trên cơ sở đó đến năm 2016, chị thành lập HTX chè Hảo Đạt với 7 thành viên. Nói về những ngày đầu thành lập, chị thở dài và chốt bằng một câu: Khó như lên trời!

Để có được một HTX hoạt động bài bản, quy mô, khang trang như bây giờ, chị Hảo đã phải đi lại không biết bao nhiêu lần đến từng nhà trồng chè trong xã để vận động tham gia.

Chè tôm nõn được lựa kỹ càng, thường hái vào hôm thời tiết đẹp, nắng vừa phải thì lá trà mới là ngon nhất. Ảnh: Trung Quân.

Chè tôm nõn được lựa kỹ càng, thường hái vào hôm thời tiết đẹp, nắng vừa phải thì lá trà mới là ngon nhất. Ảnh: Trung Quân.

Theo chị Hảo, trước đây phần đông người dân trồng theo kiểu mạnh ai người ấy làm, không chuyên tâm trau chuốt cho cây chè, dẫn tới năng suất, chất lượng thường không cao. Tuy nhiên, khi đề cập tới chuyện cùng làm cùng có lợi thì ai cũng nghi hoặc, thậm chí thấy phức tạp, rắc rối vì khi vào HTX phải thực hiện theo một quy chuẩn nhất định, trong khi nhiều đời nay họ vẫn trồng chè như vậy, không thấy có vấn đề gì.

Không nản chí, chị cùng các thành viên đã ròng rã, kiên trì với cách làm mới, từng bước HTX đã chứng minh được hiệu quả kinh tế hơn hẳn cách làm truyền thống trước đây.

Đến nay, sau 5 năm, số lượng thành viên HTX đã tăng lên 50. Tổng diện tích chè của HTX 10 ha và 25 ha liên kết đều trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, tạo việc làm thường xuyên cho hơn 50 lao động tại địa phương (cả chính thức và thời vụ) với mức thu nhập bình quân 6 triệu đồng/người/tháng.

HTX đã đầu tư hệ thống nhà xưởng chế biến chè có diện tích 2.000 m2. Lắp đặt thiết bị máy móc, ứng dụng công nghệ hiện đại tự động hóa đến 70% công đoạn sản xuất. Nhờ đó, công suất chế biến chè tăng lên từ 2-3 tấn chè búp tươi/ngày.

Bình quân mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 180 tấn chè búp khô an toàn, chất lượng cao. Ngoài việc đầu tư công nghệ thiết bị, nâng cao các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, HTX còn chú trọng khâu đóng gói, tem nhãn để nâng cao thương hiệu, gia tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

Hướng tới sản phẩm hữu cơ, mang tầm quốc gia

Nhờ cách làm sáng tạo, các sản phẩm chè của HTX Hảo Đạt từng bước đã tạo dựng được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài nước, với nhiều dòng chè chất lượng cao như: Chè đinh, chè tôm nõn, chè móc câu, chè bát tiên…

Trong năm 2019, 3 sản phẩm chè của HTX được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao. Trong đó, nổi bật chè tôm nõn là 1 trong 20 sản phẩm đầu tiên đang được xem xét trình Thủ tướng Chính phủ công nhận sản phẩm đạt OCOP 5 sao.

Các công đoạn sản xuất chè tôm nõn đều được thực hiện một cách rất cẩn thận và tỷ mỷ. Ảnh: Trung Quân.

Các công đoạn sản xuất chè tôm nõn đều được thực hiện một cách rất cẩn thận và tỷ mỷ. Ảnh: Trung Quân.

Nói về chè tôm nõn, chị Hảo hào hứng kể, đây là một trong những loại chè thơm ngon và được yêu thích nhất trong giới thưởng trà. Chè được chọn lựa kỹ càng qua tay các nghệ nhân bản địa với tiêu chuẩn 1 tôm, 1 lá (một đọt non mới nhú và một lá non ngay kề bên dưới).

Người ta thường hái vào hôm thời tiết đẹp, nắng vừa phải thì lá trà mới là ngon nhất. Cánh trà sau khi chế biến thường nhỏ, mỏng và xoăn tít. Nõn trà nhỏ hơn đầu tăm và được bện chặt vào nhau. Khi pha nước thường có màu vàng xanh, sóng sánh ánh cốm.

Thú thực tôi không phải là người sành về trà, nhưng khi được thưởng thức thứ trà hảo hạng này, có chút lâng lâng bởi hương thơm ngầy ngậy, thoang thoảng hương cốm đặc trưng. Khi uống trà có vị chát dịu, hậu ngọt sâu lắng, lưu lại trong khoang miệng rất lâu.

Cũng vì những đặc tính hấp dẫn người dùng đó mà HTX đã chọn chè tôm nõn là sản phẩm chủ lực để tập trung phát triển. Hiện, trung bình mỗi năm HTX xuất bán ra thị trường khoảng 100 tấn. Với giá bán giao động từ 400.000 - 900.000 đ/kg tùy từng loại.

Để cho ra được một sản phẩm chè tôm nõn, phải trải qua cả chục công đoạn nào hái chè, làm héo nhẹ, diệt men, vò trà, sàng tơi, sao trà, lấy hương, bảo quản…

Sản phẩm trước khi đưa ra thị trường được đóng gói hút chân không và gắn tem nhãn truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Trung Quân.

Sản phẩm trước khi đưa ra thị trường được đóng gói hút chân không và gắn tem nhãn truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Trung Quân.

Theo kinh nghiệm của những nghệ nhân lành nghề nơi đây, khâu lấy hương là công đoạn quan trọng nhất quyết định đến mùi thơm của trà. Mặc dù nhiệt lượng của lò rất cao nhưng công đoạn này phải làm bằng tay mới cảm nhận được nhiệt, hương thơm của trà mới cho ra được sản phẩm ưng ý.

Qua khu chế biến, là khu bảo quản chè và kết thúc tại không gian văn hóa trà của HTX mới đi vào hoạt động. Khu nhà gỗ 5 gian được đặt giữa vườn chè xanh ngắt, vừa là nơi để du khách xa gần có dịp trải nghiệm cách thức sản xuất chè truyền thống và văn hóa thưởng trà.

Về định hướng phát triển trong thời gian tới, HTX sẽ tiến hành mở rộng quy mô sản xuất, chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu chè chuyển dịch dần theo hướng hữu cơ. Tăng cường đầu tư thiết bị công nghệ và đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tăng doanh thu, phát triển trồng chè kết hợp với du lịch trải nghiệm, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên.

https://nongsanviet.nongnghiep.vn/quyen-ru-huong-vi-tra-tom-non-hao-dat-d296141.html
 Theo Trung Quân/nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập56
  • Hôm nay0
  • Tháng hiện tại0
  • Tổng lượt truy cập92,384,480
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây