Ông Huỳnh Quốc Khởi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bạc Liêu cho biết: Việc phục tráng giống lúa mùa Một bụi đỏ Hồng Dân được thực hiện từ năm 2006. Sở Giáo dục Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu phối hợp với UBND huyện Hồng Dân, Viện Lúa ĐBSCL và Trường Đại học Cần Thơ phục tráng giống lúa này.
Đến năm 2009, giống lúa Một bụi đỏ Hồng Dân mới được đưa vào sản xuất ở địa phương. Trong quá trình phục tráng có 2 dòng một bụi đỏ gồm: HD5 và HD6, nhưng hiệu quả của giống HD6 tốt hơn.
Sau đó, gạo Một bụi đỏ Hồng Dânđược Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn thương hiệu độc quyền. Tại thời điểm được cấp giấy chứng nhận năm 2008, đây là thương hiệu gạo thứ 2 trên toàn quốc được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.
Giống lúa Một bụi đỏ Hồng Dân sản xuất trên vùng tôm lúa và chỉ làm được một vụ duy nhất trong năm. Thời gian sinh trưởng từ 120 đến 135 ngày. Quy trình sản xuất theo hướng tự nhiên. Trong ruộng lúa nuôi tôm nên rất ít dùng phân bón và quản lý dịch hại bằng thuốc sinh học.
Đặc điểm của gạo một bụi đỏ là dẻo thơm, hạt dài, được đánh giá cao không thua kém gạo thơm các nước trong khu vực. Từ năm 2009 đến nay, mô hình luân canh tôm - lúa Một bụi đỏ được đưa vào sản xuất đại trà tại huyện Hồng Dân. Theo bà con nông dân trong vùng cho biết, so với trước đây hiệu quả của mô hình luân canh này mang lại giá trị kinh tế cao hơn.
Ông Nguyễn Văn Hoàng (ở ấp Chủ Chọt, xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân), kể: Những năm trước đây, bà con trong huyện trồng đủ loại cây, đủ loại giống lúa nhưng chỉ có cây khóm và giống lúa Một bụi đỏ phát triển tốt. Từ năm 2006 một số nông dân trong xã cấy giống lúa này rất trúng nên nhiều người làm theo. Nhưng gạo Một bụi đỏ lúc đó chất lượng ăn không ngon như bây giờ do hạt cơm hơi cứng.
Mấy năm qua, nhờ lãnh đạo huyện kết hợp các nhà khoa học Trường đại học Cần Thơ phục tráng, nâng cấp giống lúa Một bụi đỏ nên gạo mới dẻo, thơm ngon và giàu dinh dưỡng như hiện nay. Gạo Một đỏ Hồng Dân hiện nay tiêu thụ mạnh nên cuộc sống của nhiều người làm giống lúa này có phần khá giả hơn.
Cùng với việc phục tráng giống lúa mùa bản địa, từ năm 2020 Sở NN-PTNT Bạc Liêu triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng mô hình trình diễn và nhân rộng sản xuất giống lúa ST 24, ST 25 trên địa bàn tỉnh với quy mô 3.500 ha. Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu làm cầu nối kêu gọi doanh nghiệp đồng hành tham gia bao tiêu sản phẩm. Tổ chức bà con nông dân sản xuất theo hình thức cộng đồng với khối lượng hàng hóa lớn và tập trung.
Trên diện tích 3.500 ha được triển khai đã hình thành chuỗi liên kết giá trị cung ứng và bao tiêu sản phẩm cho vùng sản xuất tôm lúa theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Mục tiêu hướng tới xây dựng thương hiệu “Lúa thơm - Tôm sạch”, giúp nông dân tạo ra được sản phẩm chất lượng cao, an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường.
Theo đánh giá của cán bộ phụ trách mô hình và những hộ nông dân trực tiếp tham gia sản xuất, giống lúa ST24 có khả năng thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng tại địa phương. Đặc biệt là khả năng chịu mặn, chịu phèn rất tốt, dễ canh tác. Năng suất lúa đạt trung bình 6 tấn/ha, với giá bán 7.000đ/kg đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất.
Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu cho biết: Tỉnh Bạc Liêu sẽ thực hiện nhiều giải pháp để phát triển nông nghiệp hữu cơ. Theo đó, tiếp tục hỗ trợ phục tráng giống lúa mùa địa phương (Một bụi đỏ Hồng Dân), giống lúa mới BLR413. Đồng thời, nhân rộng các giống lúa chất lượng cao, chịu phèn, mặn, có tính kháng sâu bệnh tốt như: ST24, ST25 tại địa phương, nhằm sản xuất theo hướng hữu cơ.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã