Vợ chồng chị Dễ lựa chuối nguyên liệu vừa chín tới để lột phơi khô.
Ngoài trồng lúa, nuôi cá đồng, trồng cây ăn trái, gần 25 năm qua, vợ chồng chị Tôn Thị Dễ, ở ấp 10 B, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời còn tranh thủ thời gian nhàn rỗi thực hiện nghề ép chuối khô truyền thống để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Chị Dễ cho biết: “Nghề ép chuối khô của gia đình chị được truyền lại từ thời ông bà nội, ông bà già cho đến đời tôi. Hồi trước, chuối nguyên liệu nhiều nhưng chủ yếu ép để ăn, cho bà con chòm xóm. Đến đời ba má tôi và vợ chồng tôi thì chủ yếu ép chuối khô để bán. Cao điểm của mùa ép chuối khô chủ yếu từ đầu tháng 10 đến cuối tháng chạp hàng năm. Thời điểm này, chuối khô làm ra để cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán”.
Chuối vừa ép xong được chị Dễ đưa lên vỉ phơi khô.
Năm nào cũng vậy, cứ bước vào đầu tháng 10 âm lịch, vợ chồng chị Dễ lại bắt tay vào thực hiện nghề truyền thống ép chuối khô. Bình quân mỗi mùa, gia đình chị Dễ ép khoảng 20 tấn chuối nguyên liệu và cho ra khoảng 6 tấn chuối khô thành phẩm. Vào mùa sản xuất, ngoài 6 lao động của gia đình, mỗi ngày vợ chồng chị Dễ còn thuê thêm 2 lao động để ép và phơi chuối. Chị Dễ cho biết: “Chuối khô cũng dễ ép nhưng để làm ra được những miếng chuối ngon ngọt đòi hỏi phải có kinh nghiệm lựa chọn chuối nguyên liệu và xác định thời điểm nào chuối đã chín tới để ép cho lên mật thì mới là quan trọng. Thông thường, chuối nguyên liệu khi đã chín tới được lột vỏ, phơi một ngày nắng tốt rồi ngày hôm sau mới đem vào ép. Sau khi ép, chuối được cho lên vỉ và phơi khô. Nếu nắng tốt, thì chỉ phơi 1 ngày chuối đã khô và bán được. Thời điểm này, chuối nguyên liệu có giá khoảng 4.500 đồng/kg và chuối khô thành phẩm có giá dao động từ 22.000 đến 25.000 đồng/kg. Sau khi phơi khô, chuối khô thành phẩm được thương lái đến tận nhà thu mua, dễ tìm đầu ra và giá cả ổn định”.
Nhờ ép chuối khô truyền thống mà gia đình chị Dễ có thu nhập cao vào mùa giáp Tết.
Ngoài 20 công đất cấy lúa, vợ chồng chị Dễ còn lên liếp trồng 5 công chuối xiêm để có thêm nguồn nguyên liệu phục vụ chu nghề ép chuối khô của gia đình. Nhờ có thêm nguồn nguyên liệu tại chỗ nên vợ chồng chị Dễ đỡ phải mua chuối nguyên liệu và việc sản xuất chuối khô của gia đình sẽ có lãi cao hơn. Bình quân mỗi mùa Tết, gia đình chị Dễ có có thu nhập khoảng 30 – đến 40 triệu đồng từ nghề ép chuối khô. Anh Trần Văn Cảnh – ông xã chị Dễ - cho biết: “Gia đình tôi hiện vẫn thực hiện việc ép chuối khô theo cách truyền thống, không sử dụng máy móc, thiết bị hiện đại. Ngoài tạo công ăn, việc làm cho lao động tại gia đình, vào mùa cao điểm vợ chồng tôi còn thê mướn, tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương. Tôi thấy, hiện nay nếu làm vườn, nhất là trồng chuối xiêm thì hiệu quả cao hơn so với trồng lúa. Chuối trồng xong chỉ chờ cho đến ngày ra trái rồi mới đi thu hoạch, trồng một lần thu hoạch nhiều năm và nhẹ công chăm sóc”.
Hết mùa ép chuối khô, anh Trần Văn Cảnh còn đi thu hoạch chuối của gia đình trồng, đi thu gom, mua chuối nguyên liệu về bán lại cho các cơ sở sản xuất chuối khô trên địa bàn có lò sấy và được sản xuất quanh năm. Nhờ cách làm này mà mỗi tháng gia đình anh Cảnh có thêm nguồn thu nhập từ 7 đến 10 triệu đồng. Nhờ vậy mà kinh tế của gia đình vợ chồng anh Cảnh, chị Dễ ngày một khấm khá, vươn lên.
Theo Diễm Phương/camau.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã