Công nghệ cào bóc, tái sinh tại chỗ trong duy tu, sửa chữa kết cấu áo đường mềm đã được áp dụng trên địa bàn Hà Tĩnh
Những năm qua, Hà Tĩnh đã huy động tổng lực để đầu tư xây dựng đồng bộ nhiều tuyến giao thông, góp phần quan trọng trong phát triển KTXH. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, sau một thời gian sử dụng một số tuyến đường đã xuống cấp, cần được duy tu bảo dưỡng. Việc áp dụng công nghệ nào để đảm bảo tiết kiệm thời gian, chi phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng là vấn đề đặt ra cho chủ đầu tư cũng như các đơn vị thi công.
Tuyến đường liên xã Yên Lộc - Thanh Lộc (cũ) huyện Can Lộc có nhiều vị trí có nền đường yếu, có ảnh hưởng của nước ngầm, mặt đường xuất hiện vị trí cục bộ bị bong bật lớp láng nhựa. Trong đó, có 7-8 vị trí ăn sâu xuống phần móng, tạo các “ổ gà” kích thước trung bình 20cmx40cm.
Trước thực trạng hư hỏng, xuống cấp của tuyến đường trên, năm 2017, Sở GTVT Hà Tĩnh áp dụng công nghệ cào bóc, tái sinh tại chỗ trong duy tu, sửa chữa tuyến đường với chiều dài hơn 1,2 km. Đây là công nghệ làm mới mặt đường bằng cào bóc tái chế lại mặt đường cũ, được Bộ GTVT quyết định cho ứng dụng rộng rãi trong đầu tư xây dựng. Đến nay, qua 3 năm đi vào sử dụng, tuyến đường này vẫn đảm bảo chất lượng.
Ứng dụng công nghệ cào bóc, tái sinh tại chỗ đã rút ngắn tiến độ thi công và ngay sau khi thi công có thể thông xe ngay.
Ông Lê Anh Sơn – Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình (Sở GTVT) cho biết, nguyên lý làm việc của công nghệ này là sử dụng máy chuyên dụng có chức năng phá, xáo xới một phần chiều sâu của kết cấu mặt đường cũ (thường khoảng 15÷30 cm) vốn đã bị xuống cấp, kết hợp với cốt liệu bổ sung (nếu có), đồng thời trộn với một số chất gia cố, kết dính như bitum bọt, nhũ tương nhựa đường, xi măng (phổ biến),... sau đó san rải và đầm chặt lại, tạo nên một lớp móng mới hay mặt đường mới với lớp vật liệu tương đối đồng nhất (lớp tái chế).
Tiến sỹ Nguyễn Danh Hải – Viện kỹ thuật xây dựng hạ tầng cho biết, đây là giải pháp công nghệ với hàng loạt ưu điểm như: Cường độ nền, mặt đường được cải thiện đáng kể; chịu tác động của nước ngầm, nước mặt tốt hơn so với móng đường truyền thống do được gia cố thêm xi măng; khắc phục được tình trạng phải nâng cốt cao độ mặt đường, nhất là khu vực qua đông dân cư.
Đặc biệt, ứng dụng công nghệ cào bóc, tái sinh tại chỗ đã rút ngắn tiến độ thi công và đảm bảo phương tiện lưu thông ngay trong ngày trên những đoạn vừa sửa chữa. Kinh phí chỉ tương đương hoặc thấp hơn so với một số phương án sửa chữa nâng cấp nền móng truyền thống. Công nghệ này cũng thân thiện với môi trường, tận dụng tối đa vật liệu kết cấu nền mặt đường hiện trạng.
Tuyến đường Khánh Vĩnh Yên được thi công và đưa vào sử dụng từ năm 2017
“Công nghệ này đã được áp dụng trên địa bàn Hà Tĩnh từ năm 2016. Đến nay đã có 4 huyện triển khai áp dụng công nghệ thi công tại 22 tuyến đường với chiều dài là 31,8 km. Qua 4 năm đi vào sử dụng, các tuyến đường này vẫn đảm bảo chất lượng” - Ông Lê Anh Sơn, Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình (Sở GTVT Hà Tĩnh) cho hay.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã