Nông dân HTX Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong chăm sóc rau, quả vụ Đông.
Theo ông Đặng Đình Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế TX Đông Triều, để làm nền tảng cho việc phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, gắn với tiêu thụ sản phẩm, trong quá trình tái cơ cấu, TX Đông Triều đã chủ động thực hiện việc quy hoạch và xây dựng các vùng sản xuất tập trung. Qua đó, góp phần đảm bảo duy trì sản xuất ổn định, thực hiện theo quy hoạch, sản xuất theo hướng công nghiệp và bán công nghiệp.
Đến nay thị xã đã cơ bản ổn định các vùng sản xuất theo hướng chuyên canh cây trồng, vật nuôi gắn với lợi thế địa bàn như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao 4.500ha, vùng na dai 1.000ha, vùng tập trung nuôi trồng thủy sản 1.500ha, vùng cây cam Canh, bưởi Diễn 100ha; vùng vải, nhãn 900ha; vùng rau an toàn 100ha; vùng khoai tây Atlantic trên 200ha; vùng chăn nuôi lợn tập trung tại xã Bình Khê và xã Nguyễn Huệ, tiểu vùng nuôi trồng thủy sản nước ngọt tập trung, với tổng diện tích 785,5ha.
Từ các vùng sản xuất tập trung này đã tạo nền tảng tốt để TX Đông Triều thực hiện việc liên kết tiêu thụ nông sản. Thời gian qua, thị xã đã chủ động phối hợp với các đơn vị để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi. Đơn cử như: Các xã, phường Bình Dương, Nguyễn Huệ, Hưng Đạo liên kết với Viện Cây lương thực và cây thực phẩm sản xuất, tiêu thụ lúa giống PC26 để xuất khẩu sang Nhật Bản. Nông dân phường Hồng Phong phối hợp với Công ty CP Giống cây trồng Quảng Ninh liên kết sản xuất giống lúa nếp cái hoa vàng trên cánh đồng mẫu với quy mô 51,6ha. Đặc biệt, mô hình trồng khoai tây Atlantic với sự liên kết của "4 nhà" trên diện tích 216ha là một trong những mô hình mang lại hiệu quả cao và ổn định trên địa bàn. Hiện nay, các vụ khoai tây năng suất trung bình đạt từ 13-14 tấn/ha. Sau 3 tháng canh tác, mỗi 1ha trồng khoai tây Atlantic, nông dân Đông Triều thu được từ 75-80 triệu đồng. 100% sản lượng khoai tây đạt tiêu chuẩn đều được Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina (Hàn Quốc) bao tiêu.
Bên cạnh đó, thị xã cũng khuyến cáo các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tích cực đổi mới sản xuất, áp dụng công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản trong và ngoài tỉnh. Nổi bật như: Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao VinEco, tại xã Hồng Thái Tây đã kết nối tiêu thụ sản phẩm trong chuỗi siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể của công ty trên toàn quốc; Công ty CP Đầu tư xây dựng và Thương mại 188 (phường Mạo Khê), Công ty TNHH Long Hải (phường Kim Sơn); Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong (phường Hồng Phong)... đã ký kết tiêu thụ sản phẩm với các siêu thị, các bếp ăn tập thể của ngành than, trường học bán trú, trường học tập trung có bếp ăn tập thể trên địa bàn toàn tỉnh và một số tỉnh ngoài.
Bà Lê Thị Thà, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp chất lượng cao Hoa Phong, cho hay: Những năm qua hợp tác xã đã sản xuất nông sản theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với các sản phẩm như rau, củ, quả và các sản phẩm từ nông nghiệp chế biến chất lượng cao. Trong chuỗi này, để các sản phẩm đáp ứng được yêu cầu, hợp tác xã phải tổ chức sản xuất khép kín từ các khâu chọn con giống, nuôi trồng sản xuất và đưa sản phẩm ra thị trường; đầu tư về công nghệ, máy móc để cho ra thị trường những sản phẩm an toàn, khoa học và đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Với cách thực hiện này mỗi ngày hợp tác xã cũng cấp ổn định ra thị trường khoảng 2 tấn rau, củ, quả; tạo thu nhập và việc làm thường xuyên cho trên 100 lao động.
Cùng với các giải pháp trên, thị xã cũng chú trọng công tác xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm; phối hợp với các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp để kết nối, giới thiệu, tiêu thụ các sản phẩm nông sản. Trong đó đặc biệt là tham gia các hội chợ OCOP của tỉnh, đưa vào bày bán tại các Trung tâm thương mại, chợ đầu mối như: BigC, Vinmart với các mặt hàng chủ lực như: Na, gạo nếp cái hoa vàng, rau sạch, sữa… Đặc biệt, hiện nay, 100% sản phẩm nông sản của Đông Triều tham gia hội chợ hay bày bán tại các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối đều thực hiện dán tem truy xuất nguồn gốc theo quy định, góp phần ngăn ngừa hàng nhái, hàng giả, tạo sức cạnh tranh, tăng độ tin cậy của người tiêu dùng. Các kênh tiêu thụ khác cũng được thị xã khai thác một cách triệt để, trong đó có những kênh thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến, qua đó mở ra cơ hội tiếp cận thị trường hiệu quả cho mặt hàng nông sản của thị xã.
Theo Nguyễn Thanh/quangninh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã