Học tập đạo đức HCM

Tin NN Tây Bắc: Dưa chuột vụ đông sớm ở Bảo Thắng cho năng suất cao

Thứ ba - 10/11/2020 01:39
Thời điểm này, nông dân huyện Bảo Thắng (Lào Cai) đang vào mùa thu hoạch dưa chuột vụ đông sớm. Thời tiết năm nay thuận lợi nên dưa sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, giá bán ổn định, giúp người trồng có thu nhập cao.
dua-chuot.jpg
 

Trong khi nhiều diện tích cây vụ đông của các địa phương khác mới xuống giống, thì diện tích dưa chuột vụ đông sớm của Bảo Thắng đã cho thu hoạch. Ảnh: Báo Lào Cai.

Vụ đông năm 2020, huyện Bảo Thắng triển khai trồng hơn 10 ha dưa chuột liên kết với đơn vị thu mua, tập trung tại các xã: Gia Phú, Sơn Hải, Thái Niên.

Nhờ tuân thủ quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, nên dưa cho năng suất cao (từ 30 – 35 tấn/ha), với giá bán 5.000 đồng/kg, người trồng có thu nhập trên 150 triệu đồng/ha.

Xã Hòa Mạc trồng 20 ha khoai lang mật

Vụ đông năm nay, người dân xã Hòa Mạc (Văn Bàn, Lào Cai) đăng ký trồng khoảng 20 ha khoai lang mật, tăng 15 ha so với năm 2019.

khoai-lang.jpg
 

Vụ đông năm nay nông dân xã Hòa Mạc trồng khoảng 20 ha khoai lang mật. Ảnh: Báo Lào Cai.

Cây khoai lang mật rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của đồng đất Hòa Mạc, sinh trưởng và phát triển tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Năm 2019, cây khoai lang mật trồng thử nghiệm ở xã Hòa Mạc cho năng suất từ 15 – 20 tấn/ha, giá bán bình quân 6 nghìn đồng/kg, trừ hết chi phí người dân thu lợi từ 50 – 60 triệu đồng/ha. Đây là mức lợi nhuận lớn hơn nhiều so với những cây trồng truyền thống như ngô, lúa…

Hiện, người dân xã Hòa Mạc đã trồng được hơn 10 ha khoai lang mật, diện tích còn lại đang được làm đất và sẽ trồng trong thời gian tới. Được biết, Công ty Gia Bảo (Hà Nội) là đơn vị liên kết, trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, cung cấp giống, phân bón và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người dân trồng khoai lang mật ở xã Hòa Mạc.

Yên Bái gieo trồng gần 10 nghìn ha cây vụ đông

Theo ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn, tính đến 5/11, toàn tỉnh Yên Bái đã gieo trồng được gần 10 nghìn ha cây vụ đông.

cay-vu-dong.jpg
 

Nông dân thị xã Nghĩa Lộ chăm sóc bầu ngô đông trước khi ra ruộng. Ảnh: Báo Yên Bái.

Trong đó, cây ngô đông trồng 6.000 ha, đạt 99,5% kế hoạch ( thành phố Yên Bái 90 ha, huyện Văn Yên 1.750 ha, thị xã Nghĩa Lộ 1.470 ha, huyện Lục Yên 780 ha, huyện Trấn Yên 550 ha, huyện Văn Chấn 60 ha, huyện Yên Bình 700 ha). 

Cây khoai lang, tổng diện tích gieo trồng được 1.003 ha, đạt 104,8% kế hoạch (thành phố Yên Bái 20 ha, thị xã Nghĩa Lộ 135 ha, huyện Lục Yên 220 ha, huyện Văn Yên 150 ha, huyện Trấn Yên 50 ha, huyện Văn Chấn 125ha, huyện Yên Bình 303 ha). 

Cùng với đó, rau màu các loại đã gieo trồng được 2.936 ha, đạt 84% kế hoạch (thành phố Yên Bái gieo trồng được 300 ha, thị xã Nghĩa Lộ 286 ha, huyện Lục Yên 550 ha, huyện Văn Yên 405 ha, huyện Trấn Yên 650 ha, huyện Văn Chấn 230 ha, huyện Yên Bình 515 ha).

Trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân gieo trồng vụ đông đúng khung thời vụ để có năng suất và sản lượng cao, đặc biệt là đảm bảo nguồn rau xanh phục vụ thị trường Tết.

Phát triển cây chè ở xóm Bà Rà

cay-che.jpg
 

Trồng chè đem lại thu nhập ổn định cho một số hộ dân tại xóm Bà Rà, xã Hùng Sơn (Kim Bôi). Ảnh: Báo Hòa Bình.

Đã ở tuổi "thất thập cổ lai hy” nhưng ông Phùng Đăng Phúc, xóm Bà Rà, xã Hùng Sơn (Kim Bôi, Hòa Bình) luôn trăn trở làm thế nào để xây dựng và phát triển thương hiệu chè Bà Rà.

Ông Phúc chia sẻ: Cách đây 16 năm, tôi là người đầu tiên đưa cây chè về trồng tại đất đồi Bà Rà. Tự tay trồng những hàng chè trên sườn đồi, chứng kiến cây chè sinh trưởng, phát triển xanh tốt đã tiếp cho tôi thêm niềm tin để vận động bà con trong xóm mở rộng diện tích. Chè Bà Rà có hương vị thơm, đặc biệt nước rất xanh, thậm chí nước chè sau khi pha để 2 ngày vẫn xanh. Hiệu quả kinh tế của chè cao hơn nhiều so với một số cây trồng khác ở địa phương. Tuy nhiên, đến nay, cây chè phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Diện tích trồng chè hạn chế, thị trường tiêu thụ chủ yếu ở các xã lân cận.       

Xóm Bà Rà có 87 hộ, 100% người dân trong xóm là người Dao. Năm 2019, thu nhập bình quân của xóm đạt trên 20 triệu đồng/người. Toàn xóm còn 15 hộ nghèo, chiếm 17,2%. Người dân Bà Rà chủ yếu phát triển chăn nuôi nông hộ, trồng rừng nên thu nhập chưa cao. Chính vì vậy, việc lựa chọn cây trồng chủ lực phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của xóm đang là bài toán nan giải đối với cấp ủy, chính quyền xã Hùng Sơn. Từ năm 2006 đến nay, một số hộ đã mạnh dạn trồng thử cây chè và nhận thấy cây chè phù hợp với điều kiện tự nhiên của xóm, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng rừng.

Hiện, tổng diện tích chè toàn xóm khoảng hơn 2 ha, có 4 hộ trồng, gồm các hộ: Phùng Đăng Phúc, diện tích 7.000 m2, Lý Sinh Sơn 6.000 m2, Lý Sinh Viên 6.000 m2, Lý Hữu Huy 3.000 m2. Theo các hộ trồng chè trong xóm chia sẻ, thổ nhưỡng, khí hậu của xóm Bà Rà phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển của cây chè. Kỹ thuật chăm sóc chè cũng không yêu cầu cao. Trung bình một năm chỉ cần bón phân 1 - 2 lần. Do địa hình đồi dốc hiếm nước, nên có khi quanh năm người dân không tưới nước cho chè. Cây chè có khả năng chống lại các đối tượng sâu bệnh gây hại, 4 hộ trồng chè không phun thuốc bảo vệ thực vật. Sản phẩm chè đảm bảo sạch 100%.

Gia đình ông Phùng Đăng Phúc trồng 7.000 m2 chè. Trung bình mỗi năm thu hoạch khoảng 14 lứa chè. Năng suất mỗi lứa 2 - 3 tạ búp chè tươi. Búp chè tươi sau khi thu hoạch gia đình tự sao bằng phương pháp thủ công. Chè khô bán với giá từ 100.000 - 150.000 đồng/kg, chủ yếu bán cho người dân trong xã và các xã lân cận. Mỗi năm, gia đình thu được khoảng gần 100 triệu đồng từ trồng chè. Giá trị kinh tế từ cây chè đem lại cao hơn nhiều so với trồng ngô và trồng rừng. 

Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn Nguyễn Khắc Thành cho biết: Mặc dù cây chè ở Bà Rà sinh trưởng, phát triển tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, diện tích chè còn rất ít, chưa tương xứng với tiềm năng. Bà con thiếu vốn để đầu tư sản xuất, nguồn nước tưới chưa có, phụ thuộc vào tự nhiên. Các hộ trồng chè chưa có máy móc, thiết bị tiên tiến để chế biến chè khô. Hiện, cấp ủy, chính quyền xã Hùng Sơn xác định chè là cây trồng thế mạnh của địa phương, hướng tới xây dựng thương hiệu chè sạch Bà Rà. Vì vậy, thời gian tới, cấp ủy, chính quyền xã tập trung mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; tìm nguồn giống cây chè chất lượng, phù hợp với địa phương. Phối hợp Ngân hàng CSXH giúp bà con vay vốn đầu tư sản xuất. Năm 2021, sản phẩm chè sạch của xóm Bà Rà sẽ đăng ký tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm.       

Cây chanh leo ở bản Tường Han

Hiện nay, bản Tường Han, xã Mường Do (Phù Yên, Sơn La) có trên 80% số hộ trồng cây chanh leo, với gần 60 ha đã cho thu hoạch, năng suất đạt từ 16-17 tấn/ha, sản lượng trung bình gần 1.000 tấn quả/năm.

chanh-leo.jpg
 

Người dân bản Tường Han, xã Mường Do (Phù Yên) phân loại chanh leo trước khi xuất bán.

Cây trồng này đã góp phần nâng cao đời sống người dân, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12% (năm 2020); nhiều hộ dân có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ trồng chanh leo.

Ông Đinh Văn Viện, Trưởng bản Tường Han, cho biết: Trước đây, trên 130 ha đất sản xuất nông nghiệp, bà con chủ yếu trồng các loại cây lương thực ngắn ngày, do năng suất cây trồng đạt thấp, nên đời sống còn nhiều khó khăn. Năm 2017, huyện đã phối hợp với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại và phương pháp thu hoạch quả cây chanh leo do cho người dân trong xã. Sau đó, các hộ đã đăng ký trồng với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc, được hỗ trợ giống, phân bón theo hình thức trả chậm và được bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Hiện, bản có trên 120 hộ dân trồng cây chanh leo, với gần 60 ha; có hộ thu nhập từ 150 - 300 triệu đồng/năm từ trồng chanh leo, như gia đình các ông: Lường Văn Lâm, Lường Văn Xứng, Đinh Văn Dân, Đinh Mạnh Hòa, bà Hà Thị Khuyên...

Theo người dân ở bản Tường Han, trồng cây chanh leo kỹ thuật không đòi hỏi quá cao, người trồng cần cắt tỉa lá thường xuyên, tạo độ thông thoáng, đủ ánh nắng cho giàn chanh leo, bón phân, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo khuyến cáo đã được tập huấn. Cây chanh leo lưu gốc trên 3 năm; sau 6 tháng trồng sẽ cho thu hoạch 9 tháng/năm (trừ 3 tháng mùa đông), năng suất từ 15-17 tấn/ha/năm, như vậy 1 ha trồng chanh leo có thu nhập từ 150-170 triệu đồng/năm. Quả chanh leo thường dùng để chế biến các loại thực phẩm, như: Nhân kẹo, nhân bánh, nước ép, siro chanh leo; lá cây chanh leo dùng làm trà và vỏ chế biến mứt vỏ sấy dẻo...  

Theo  V.N (tổng hợp)/kinhtenongthon.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Quyết định số 211/QĐ-TTg

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập168
  • Hôm nay61,626
  • Tháng hiện tại240,891
  • Tổng lượt truy cập88,919,225
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây