Trang trại lợn rừng của anh Chu Quang Phúc nằm ở một khu đồi biệt lập, gọi là đỉnh Mu Muộn, cách đường Quốc lộ 3B và khu dân cư khoảng hơn 1km. Tổng diện tích của trang trại là hơn 11ha.
Anh Phúc bắt đầu đầu tư vào chăn nuôi thử nghiệm từ năm 2008. Đến năm 2012, từ nguồn vốn tích lũy cộng với tiền vốn vay từ nhiều nguồn đã mua khoảng 100 con lợn giống về nuôi, rồi tự gây giống, nhân đàn. Từ năm 2014 đến nay, trang trại chăn nuôi lợn dần hoạt động ổn định, có thời điểm tổng đàn lên đến cả nghìn con. Tích lũy theo thời gian để đầu tư được cơ sở hạ tầng, chuồng trại đồng bộ như ngày hôm nay.
Để đàn vật nuôi phát triển tốt, khỏe mạnh nên từ công tác tuyển chọn giống được ưu tiên nhằm tránh tình trạng cận huyết, giúp cho tỷ lệ nhiễm bệnh giảm, đàn lợn tăng trưởng đều. Đồng thời tự trang bị máy móc để giảm bớt công lao động sơ chế thức ăn. Thức ăn cho lợn là ngô, đỗ tương, rau củ quả tạp, cỏ, mía,… được ủ chế phẩm sinh học và bổ sung thêm bỗng bia để tăng sức đề kháng, giúp vật nuôi khỏe mạnh, phát triển tốt.
Chia sẻ về việc chăn nuôi lợn rừng trong điều kiện dịch bệnh, theo anh Phúc phải làm tốt việc phun khử trùng, trang trại phải cách xa khu dân cư, nguồn nước đảm bảo sạch sẽ, thoáng mát, bãi chăn thả đủ rộng để cho lợn có thể chạy nhảy. Một yếu tố quan trọng nữa là thực hiện tốt việc tiêm vacxin phòng bệnh cho đàn lợn, tuân thủ nghiêm quy định “nội bất xuất, ngoại bất nhập” để hạn chế phát sinh mầm bệnh.
Hiện tại, trang trại của anh Chu Quang Phúc có tổng đàn lợn rừng khoảng 500 con, lợn giống và lợn thịt được xuất bán với giá 150.000 - 160.000 đồng/kg. Ngoài ra, anh Phúc còn nuôi thêm dúi, ngỗng, doanh thu ước đạt mỗi năm từ 2,5 - 3 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho hàng chục lao động là bà con đồng bào sinh sống tại địa phương.
Anh Chu Quang Phúc quê ở huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên, lớn lên phải bươn trải qua nhiều công việc khác nhau, lặn lội đến các chợ, các khu vực vùng sâu vùng xa để bán hàng rong. Quá trình đi buôn bán lên đến huyện Chợ Đồn đã gặp và lấy vợ tại đây. Nhận thấy ở miền núi đất rộng, người thưa có tiềm năng để phát triển chăn nuôi mạnh dạn làm thử, mới đầu chỉ nuôi ít, sau dần nâng lên.
Thời gian đầu trải qua nhiều thất bại do chưa có kinh nghiệm, nhưng anh Phúc không nản chí bỏ cuộc mà tìm hiểu nguyên nhân, rồi tiếp tục đi học hỏi thực tế ở nhiều nơi. Những thất bại đó trở thành bài học xương máu trong làm kinh tế đối với anh Phúc, sau đó anh đã lựa chọn nuôi lợn rừng, loài vật này có đặc tính hoang dã, ăn tạp, sức đề kháng cao, được nhiều người tiêu dùng ưa thích.
Đến nay, trang trại của anh Phúc không chỉ cung cấp lượng thịt lợn rừng lớn ra thị trường, mà còn là một địa chỉ cung cấp giống chất lượng, uy tín ở tỉnh Bắc Kạn. Anh Phúc cũng sẵn sàng chia sẻ về kỹ thuật chăn nuôi và tạo điều kiện tốt nhất về con giống cho người dân địa phương, nơi chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số cùng phát triển.
Với tư duy dám nghĩ, dám làm, vượt qua khó khăn để thành công, anh Phúc đã được các cấp ghi nhận, khen thưởng. Điển hình nhất là Bằng khen của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT vì có thành tích trong thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp giai đoạn 2013 - 2018, UBND tỉnh Bắc Kạn tặng Bằng khen vì thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất.
https://nongnghiep.vn/trang-trai-lon-rung-tien-ty-lon-nhat-bac-kan-d305129.html
Theo Toán Nguyễn - Quang Dũng/nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;