Ông Phan Hùng Vương, 58 tuổi, ở ấp Lộc Hòa, xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh, là một trong những người đầu tiên ở Tây Ninh trồng sầu riêng từ 22 năm trước.
Ông là một trong những nông dân sản xuất giỏi của tỉnh. Nắm bắt xu hướng thị trường, từ 2 năm nay, ông quyết định thay đổi cách trồng, chăm sóc sầu riêng theo hướng hữu cơ. Dù bước đầu năng suất giảm, thu nhập giảm theo, nhưng ông bảo, sẽ quyết tâm làm.
Cách đây hơn chục năm, vườn sầu riêng của ông Vương là một trong số ít mô hình nông nghiệp nổi tiếng, được nhiều người biết đến. Đài truyền hình, báo chí, cơ quan chức năng các tỉnh, khi lên Tây Ninh công tác đều được giới thiệu đến tham quan vườn sầu riêng của gia đình ông Vương.
“Hồi đó, Tây Ninh chưa có ai trồng, diện tích sầu riêng của các tỉnh khác cũng chưa nhiều như bây giờ, nên vườn của tôi được chú ý cũng dễ hiểu thôi”, ông Vương mở đầu.
Trước đó, toàn bộ khu vườn này chỉ trồng lúa một vụ, thu nhập chỉ đủ ăn. Đến khi chuyển sang trồng sầu riêng, lần đầu thu hàng chục tấn trái, lời cả trăm triệu, gia đình ông như trút được suy nghĩ làm gì, trồng gì đeo bám bao năm qua. “Trồng sầu riêng cho thu nhập gấp 10 lần trồng lúa, lại ổn định hơn. Cấy lúa, giỏi lắm mỗi vụ kiếm 2-3 chục triệu là cao”.
Hiện nay, ông Vương có tổng cộng 320 gốc sầu riêng Ri6, đây là thế hệ thứ hai thay thế vườn cũ đã già cỗi, tổng diện tích 3ha. Ông Vương cho biết, 3 năm trước, khi chưa áp dụng quy trình hữu cơ, bình quân ông thu mỗi ha từ 18-20 tấn, thương lái đến mua tận vườn.
“Mặc dù cũng thiệt thòi vì thương lái họ hay chiêu trò, đặt cọc trước rồi đến lúc thu hoạch lại giả bộ giở chứng không mua, bỏ cọc. Nhưng vẫn bán tốt. Năng suất lại cao, nên lời cũng khá. Năm 2010 là năm sầu riêng cho năng suất cao nhất, đạt tới 30 tấn/ha, giá bình quân 20.000 đồng/kg, tôi thu hơn 500 triệu đồng/ha”, ông Vương nói.
Theo ông Vương, đất đai, thổ nhưỡng Tây Ninh rất ôn hòa, không ngập lụt, bão bùng, hạn mặn càng không, nước lúc nào cũng đủ cung cấp cho cây trồng. Với cây sầu riêng, càng phù hợp hơn. Một ưu điểm nữa của sầu riêng Tây Ninh là luôn chín sớm hơn các vùng miền khác.
Vì thế, các nơi khác trái còn xanh thì ở đây đã được ăn. Đầu mùa còn ít nên giá luôn cao hơn, nhiều người mua hơn. Đây là một lợi thế mà không phải nơi nào cũng có”, ông Vương khẳng định.
Nhờ cây sầu riêng mà gia đình ông Vương thoát nghèo và dần khá, giàu lên, nổi tiếng khắp huyện Trảng Bàng.
Hiện tại, người con trai lớn của ông Vương đã tốt nghiệp Trường Đại học Bách Khoa TP.HCM, chuyên ngành Cơ khí chế tạo máy, hiện đang làm việc tại Nhật Bản, con trai út đang là sinh viên năm thứ ba Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM.
Ông Vương cho biết, năm nay thị trường sầu riêng đang có dấu hiệu bão hòa, cung vượt cầu, thương lái lợi dụng yếu tố này để ép nhà vườn, nên bán không được giá. “năm nay giá sầu riêng loại 1 tại vườn chỉ từ 40-50 ngàn đồng/kg. Còn lại chỉ được 30-35 ngàn đồng/kg”, ông Vương cho biết.
Bắt đầu từ vụ sầu riêng 2019, theo tư vấn của một kỹ sư, đồng thời, cũng nhận thức được hướng sản xuất bền vững, ông Vương bắt đầu chăm sóc sầu riêng theo quy trình hữu cơ.
Mặc dù làm khá bài bản, ngoài tư vấn của kỹ sư, ông còn đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ một số nhà vườn chuyên canh cây sầu riêng ở Bến Tre, Tiền Giang và một số tỉnh ở khu vực miền Đông Nam bộ, nhưng năm đầu, sầu riêng chỉ đạt 5-7 tấn/ha. Đến năm thứ 2, tình trạng khả quan hơn, năng suất đạt khoảng dưới 10 tấn/ha.
Một nghịch lý là, sầu riêng hữu cơ ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng và giá cao hơn thị trường, nhưng thương lái lại khôn mặn mà với sản phẩm hữu cư.
Lý do là việc thu hoạch, bảo quản nhiêu khê hơn, dẫn đến giá thành đội lên cao hơn, lời ít. Vì thế, toàn bộ sầu riêng của gia đình ông Vương đều phải bán lẻ tại các sạp trái cây ngoài chợ, một số cửa hàng, siêu thị quen và người mua quen.
“Nếu thu hoạch sầu riêng xử lý hoá học, một ngày 2 công lao động, họ thu hoạch khoảng 6 tấn, còn thu hoạch vườn sầu riêng hữu cơ, chỉ được khoảng 2 tạ. Tức là giá nhân công đội lên nhiều lần.
Hay một chuyến xe thương lái chở vài tạ sầu riêng hữu cơ đến người tiêu dùng, dù giá cao nhưng vẫn không có lời.
Trong khi họ chở chục tấn sầu riêng xử lý hóa học, dù giá thấp hơn nhưng số lượng nhiều, họ vẫn lời nhiều hơn. Đó chính là lý do sầu riêng hữu cơ người tiêu dùng thích, nhưng thương lái lại chê”.
Nói về lý do chuyển từ cách canh tác truyền thống với phân hoá học, thuốc trừ sâu sang hướng hữu cơ, ông Vương cho biết: “Người tiêu dùng bây giờ, trong đó có tôi, gia đình tôi, ngày càng có nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch, không hoá chất.
Trong tương lai gần, sẽ không ai chấp nhận ăn sản phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thêm nữa, cây trồng lạm dụng các loại phân bón hóa học, thuốc BVTV, thuốc kích thích… không chỉ có hại cho cây, mà còn hại môi trường, sức khỏe cộng đồng.
Đặc biệt, đất trồng nếu không được bồi dưỡng bằng phân hữu cơ sẽ dẫn đến thoái hóa, giảm năng suất. Nhưng việc chọn lựa phân hữu cơ nào cho hiệu quả lại không đơn giản, vì tôi thấy vô số sản phẩm ghi nhãn mác hữu cơ, của doanh nghiệp hẳn hoi, nhưng hiệu quả thì không giống nhau.
Còn nếu canh tác bằng các loại phân bón hữu cơ truyền thống hay các dạng hữu cơ không rõ nguồn gốc cũng là một thách thức.
Ngoài ưu điểm thì cũng có những nhược điểm lớn, đó là hàm lượng dưỡng chất thấp nên phải bón nhiều làm tăng chi phí vận chuyển và nếu phân được xử lý chưa tốt có thể tạo điều kiện cho mầm bệnh phát sinh, gây hại, đặc biệt là khi phân được chế biến từ các nguồn rác thải nông nghiệp, phân chuồng… mang mầm bệnh sẵn có.
Cho nên, mình đi theo hướng này, sẽ gặp rất nhiều khó khó khăn. Nhưng xu hướng sản phẩm sạch là tất yếu để tòn tại, phát triển bền vững, Nhưng dù khó khăn tôi cũng quyết tâm theo”, ông Vương tâm sự.
Sau khi chuyển đổi mô hình sang hữu cơ, ông Vương muốn ngành chức năng địa phương xuống khảo sát, cấp chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, nhưng không được, vì diện tích quá nhỏ. Vì thế, trái sầu riêng của ông hiện không có gì khác biệt so với sầu riêng trồng hóa học, giá cũng không chênh lệch nhiều.
“Ông Vương là một nông dân có tâm, mặc dù khó khăn, thu nhập giảm, nhưng ông vẫn quyết làm sầu riêng sạch.
Mô hình sầu riêng của ông Vương mới chuyển sang chăm sóc hữu cơ vụ thứ 2, nên năng suất thấp hơn trước cũng là bình thường. Mô hình làm đúng kỹ thuật chứ không sai, nên vụ thứ 2 năng suất gần gấp đôi vụ đầu tiên.
Còn về đầu ra, cũng tùy năm, tùy thời điểm mà thương lái mua nhiều hay ít. Nhưng chắc chắn một điều, sản phẩm hữu cơ sẽ là lựa chọn của đại đa số người tiêu dùng. Nên ông Vương đã và đang đi đúng hướng”, ông Hồ Văn Khang, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Trảng Bàng, Tây Ninh.
Hồng Thủy/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;