Theo đánh giá, việc phát triển, nâng cao và thắt chặt chất lượng sản phẩm OCOP đã có nhiều đổi mới. Đáng chú ý là việc phát triển sản phẩm mới tăng nhanh, thúc đẩy sản phẩm chuyên nghiệp, áp dụng các quy trình thẩm định mới... Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Trưởng Ban Nông thôn mới tỉnh cho biết: Nhờ bám sát nhiệm vụ trọng tâm và chủ đề công tác năm để triển khai các nhiệm vụ, chương trình OCOP đã đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt trong phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Trà hoa vàng và một số sản phẩm thế mạnh của Quảng Ninh được lựa chọn chuẩn hóa theo hướng chuyên nghiệp, giúp nâng cao chất lượng và thương hiệu sản phẩm. Ảnh: Giới thiệu sản phẩm trà hoa vàng tại Liên hoan ẩm thực Quảng Ninh 2020.
Mặc dù bị tác động mạnh mẽ từ dịch Covid-19 khiến các hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng, một số hoạt động thậm chí bị "đóng băng", nhưng việc duy trì phát triển sản phẩm OCOP vẫn đạt được kết quả cao và là một trong những nét nổi bật trong hoạt động 6 tháng đầu năm 2020. Kết quả này do sự nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp, sự vào cuộc hướng dẫn, hỗ trợ, tiếp sức doanh nghiệp giữa dịch bệnh nhằm phát triển sản phẩm theo chu trình mới.
Nhờ đó, 6 tháng đầu năm 2020 đã có 70 sản phẩm được thẩm định và ra quyết định chấp thuận đạt yêu cầu tham gia chương trình OCOP. Trong đó, hầu hết các sản phẩm mới đăng ký trong 6 tháng đầu năm là các sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm, đồ uống... Con số này đã vượt chỉ tiêu 20 sản phẩm, đạt 140% chỉ tiêu cả năm đề ra (50 sản phẩm), nâng tổng số sản phẩm tham gia OCOP lên 435 sản phẩm, trong đó số sản phẩm đạt sao là 191, gồm: 8 sản phẩm đạt 5 sao, 57 đạt 4 sao và 126 đạt 3 sao.
Một trong những nét mới đáng chú ý chính là việc triển khai tổ chức và đổi mới Cuộc thi đánh giá và xếp hạng sản phẩm OCOP. Đó là việc áp dụng phần mềm Chấm điểm phục vụ Hội đồng đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP các cấp đảm bảo khách quan, chính xác và khoa học. Không chỉ hạn chế được sai sót do chấm thủ công, phương pháp chấm mới giúp giảm phiền hà cho doanh nghiệp, giảm thiểu thời gian, thủ tục hành chính, việc in và nộp hồ sơ sản phẩm.
Để thực hiện đồng bộ, trước hết phần mềm này được áp dụng thí điểm ở cuộc thi cấp cơ sở. Nhờ những đổi mới đó, hiện cuộc thi cơ bản đã hoàn thành ở cấp cơ sở và cấp tỉnh. “Không chỉ có những lợi ích trên, cách triển khai mới này không chỉ tạo cơ sở dữ liệu bền vững, khả năng lưu trữ tốt mà còn là cơ sở để cung cấp, giới thiệu, quảng bá hình ảnh về chương trình, sản phẩm trên các kênh thông tin về sau” - ông Nguyễn Văn Đức chia sẻ.
Thực hiện chủ đề công tác năm, chương trình “Sản phẩm chuyên nghiệp” cũng được thúc đẩy, đặt làm trọng tâm triển khai. Ban Xây dựng NTM đã tiến hành khảo sát và xác định các doanh nghiệp tham gia chuẩn hóa 5 sản phẩm theo chỉ đạo điểm, gồm: Chả mực Hạ Long, Rượu Ba kích, Ruốc hàu, Nước mắm sá sùng, Trà hoa vàng. Hiện các doanh nghiệp đang phối hợp với đơn vị tư vấn xây dựng dự án nâng cấp chuyên nghiệp hóa sản phẩm; khảo sát và đánh giá các tiêu chí sản phẩm phù hợp với chương trình. Các sản phẩm chỉ đạo điểm và sản phẩm đạt 5 sao cấp tỉnh sẽ được nâng cấp để dự thi sản phẩm 5 sao cấp quốc gia.
Theo đó, tăng cường việc quản lý nhãn hiệu OCOP theo chỉ đạo của tỉnh về quy định quản lý nhãn hiệu OCOP-QN, qua đó triển khai cấp quyền sử dụng nhãn hiệu OCOP-QN cho 100% sản phẩm đạt 3 sao trở lên. Điều này giúp tăng cường quản lý đối với sản phẩm OCOP, hạn chế việc lợi dụng nhãn hiệu OCOP để kinh doanh thương mại các sản phẩm không đảm bảo chất lượng.
Việc dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc được các đơn vị sản xuất quan tâm với gần 85% sản phẩm thuộc Chương trình OCOP đã được dán tem điện tử, hoặc đã có mã số, mã vạch trong 6 tháng đầu năm. Việc dán tem truy xuất nguồn gốc đã góp phần khẳng định uy tín thương hiệu của sản phẩm OCOP, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.
Ngoài ra, công tác quản lý sản phẩm được thực hiện nghiêm túc. Theo đó đã quyết định thu hồi giấy chứng nhận đạt sao đối với 10 sản phẩm OCOP đã cấp sao; đưa 65 sản phẩm (chưa cấp sao) ra khỏi Chương trình OCOP do không còn sản xuất, không đảm bảo tiêu chuẩn và không có tiềm năng phát triển để đánh giá phân hạng...
Cách làm trên đã cho thấy hiệu quả phần nào trong việc phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Theo lãnh đạo Ban NTM, để tiếp tục phát huy kết quả này, thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai ứng dụng mới nhằm đánh giá sản phẩm OCOP tốt hơn, triển khai một số ứng dụng sản phẩm công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, chuẩn hóa một số sản phẩm chỉ đạo điểm 5 sao cấp quốc gia...
Theo Hà Phong/quangninh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã