Vĩnh Phúc: Chương trình OCOP mở rộng cơ hội cho sản phẩm làng nghề
Chương trình OCOP đã, đang và sẽ tạo thêm nhiều cơ hội để các làng nghề trên địa bàn tỉnh củng cố hình thức sản xuất, nâng cao chất lượng, đổi mới mẫu mã, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Từ đó, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực, gia tăng giá trị.
Ba làng nghề mộc truyền thống: Yên Lan, Xuân Lãng và Hợp Lễ (thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên) có gần 250 hộ trực tiếp mở xưởng sản xuất kinh doanh (SXKD), thu hút hơn 2.700 lao động với mức thu nhập khá.
Trước kia, các sản phẩm mộc của làng còn đơn điệu, chất lượng chưa cao nên chưa có chỗ đứng, nhưng khoảng chục năm trở lại đây, những chiếc sập gụ, tủ chè, bàn ghế mỹ nghệ hay các sản phẩm đồ gỗ gia dụng trang trí nội thất với kiểu dáng đẹp, hài hòa, tinh tế giúp đồ gỗ Thanh Lãng ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường.
Tuy nhiên, nếu như làng nghề được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm thì doanh thu, giá trị sản phẩm sẽ còn tăng lên đáng kể.
Vì vậy, cùng với nhiều chính sách, chương trình OCOP cũng được kỳ vọng tiếp sức cho các sản phẩm làng nghề.
Dù chất lượng tốt, tính thẩm mỹ cao, được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ghi nhận, nhưng thị trường tiêu thụ của Cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ Tiến Nhung, TDP Đoàn Kết vẫn chưa thật sự ổn định, giá trị còn thấp so với sản phẩm cùng loại của nhiều làng nghề mộc trong cả nước.
Vậy nên, khi được địa phương tuyên truyền, hướng dẫn về chương trình OCOP, nhận thấy đây là cơ hội nâng cao chất lượng, khẳng định thương hiệu sản phẩm, anh Kim Văn Tiến, chủ cơ sở quyết định hoàn thiện hồ sơ để đăng ký tham gia.
Anh chia sẻ: “Chương trình OCOP giúp tôi có động lực đầu tư máy móc, đổi mới công nghệ, cải tiến mẫu mã, mở rộng quy mô sản xuất. Từ đó, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm, tạo chỗ đứng vững chắc trên thị trường”.
Những năm qua, nghề chăn nuôi và chế biến sản phẩm từ rắn đã đem lại việc làm, nguồn thu nhập đáng kể cho gần 800 hộ dân làng rắn truyền thống Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Tường).
Tuy nhiên, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Trung Quốc, thị trường chính ngừng thu mua, các sản phẩm của làng nghề không xuất bán được.
Trước những khó khăn, thách thức, nhiều hộ dân tập trung sản xuất các sản phẩm từ rắn như cao rắn, rượu rắn…, hướng đến thị trường nội địa, mở ra hướng đi mới cho sản phẩm làng nghề song những sản phẩm này còn khá mới mẻ, chưa được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến.
Chính vì vậy, sau khi được địa phương mời dự các buổi tập huấn về chương trình OCOP, một số hộ sản xuất làng nghề đã chủ động đăng ký tham gia.
Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn Hạ Văn Hùng cho biết: Chương trình OCOP đã đem lại luồng sinh khí mới, giúp người dân làng nghề đang đứng trước nguy cơ mai một ý thức về khả năng tồn tại và phát triển nếu biết đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng xu hướng tiêu dùng trên thị trường.
Để tận dụng một cách hiệu quả cơ hội mà Chương trình OCOP mang lại, xã tiếp tục khuyến khích người dân tham gia. Từ đó, nâng tầm thương hiệu làng nghề, mở rộng thị trường tiêu thụ, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân.
Vĩnh Phúc hiện có 27 làng nghề được công nhận, trong đó, có 19 làng nghề truyền thống, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất như: Mộc, gốm, đan lát mây tre, rèn, chế biến nông lâm sản...
Những năm qua, các làng nghề đã góp phần tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho lao động nông thôn.
Không chỉ được tiêu thụ rộng rãi tại nhiều tỉnh thành trong cả nước, một số sản phẩm làng nghề còn được xuất khẩu ra nước ngoài.
Đây là cũng là lợi thế để tỉnh phát triển sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, đến nay, số lượng làng nghề tham gia chương trình OCOP còn khá khiêm tốn.
Hiện, vẫn chưa có sản phẩm làng nghề được đánh giá, phân hạng đạt chất lượng từ 3 sao trở lên.
Theo đánh giá của các ngành chức năng, các sản phẩm làng nghề trên địa bàn tỉnh phần lớn chưa phù hợp với quy định sản phẩm của chương trình. Một số sản phẩm làng nghề phù hợp với quy định thì có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, sản lượng thấp.
Nhằm phát triển các sản phẩm truyền thống, trợ lực cho các làng nghề theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển và thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế nông thôn, giai đoạn 2021-2025, tỉnh tiếp tục hỗ trợ phát triển các sản phẩm đặc sản, truyền thống.
Phấn đấu toàn tỉnh phát triển mới từ 70-80 sản phẩm OCOP đạt chất lượng từ 3 sao trở lên, trong đó có các sản phẩm làng nghề như: Cao rắn, rượu rắn; sản phẩm mây tre, đan; đồ gỗ mỹ nghệ trang trí…
Ninh Bình: Cấp giấy chứng nhận xếp hạng sao cho 14 sản phẩm OCOP
Thực hiện chương trình OCOP, năm 2020 toàn tỉnh có 9 chủ thể sản xuất đăng ký 14 sản phẩm để hoàn thiện, chuẩn hóa sản phẩm OCOP. Các sở, ngành, đơn vị có liên quan đã tập trung khảo sát sản phẩm, hỗ trợ chuẩn hóa và xây dựng hồ sơ chất lượng sản phẩm; xây dựng tài liệu quản lý chất lượng nội bộ; thiết kế hệ thống Websise, hộp đựng sản phẩm; hoàn thiện và in tem truy xuất nguồn gốc; xây dựng câu chuyện sản phẩm; chứng nhận tiêu chuẩn VietGap cho nguyên liệu đầu vào; chứng nhận tiêu chuẩn ISO...
Kết quả đánh giá phân hạng đã có 11 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 3 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Các sản phẩm được đánh giá, xếp hạng đảm bảo về chất lượng, điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc.
Tại hội nghị, Ban tổ chức đã trao Giấy chứng nhận của UBND tỉnh cho 9 chủ thể công nhận 14 sản phẩm sản phẩm OCOP xếp hạng 4 sao và 3 sao.
Trong đó sản phẩm xếp hạng 4 sao gồm: Chè An Nguyên, Trà Xanh Tâm An Nguyên, Trà hoa vàng Mạn Hảo 30g, Trà Hoa vàng 50g, Chạch sụn kho niêu đất, Mắm tép Trang Quyết, Cơm cháy Xích thổ, Muối ngâm chân Sinh Dược, Trà An Thái, Cao Đinh Lăng, Tranh lá Bồ Đề.
Các sản phẩm đạt 3 sao: Nem chua Yên Mạc, Nấm mộc nhĩ Hương Nam, Nấm linh chi Tư bản 200g.
Tất cả các sản phẩm được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận sẽ được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao được in trên bao bì sản phẩm.
Hưng Yên: Hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP
Tỉnh Hưng Yên đã dành gần 30 tỷ đồng khuyến khích các địa phương thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), với nhiều giải pháp thiết thực, giúp các chủ thể tham gia phát triển sản phẩm OCOP đạt hiệu quả cao.
Tỉnh đã hỗ trợ 3 mô hình phát triển, nâng hạng sản phẩm OCOP cho 4 Hợp tác xã về máy móc, thiết bị, đường giao thông để phát triển, nâng hạng sản phẩm. Trong đó, giúp Hợp tác xã nghệ Chí Tân (Khoái Châu) phát triển, nâng hạng sản phẩm từ nghệ như: bột nghệ, tinh bột nghệ, Nanocurcumin. Hợp tác xã sản xuất cung ứng rau quả và cây dược liệu An Thịnh Phát và Hợp tác xã Nông nghiệp Ngũ Phúc (Phù Cừ) được hỗ trợ phát triển, nâng hạng sản phẩm dưa lưới, dưa vàng. Hợp tác xã Nhãn Miền Thiết huyện Khoái Châu phát triển, nâng hạng sản phẩm nhãn quả tươi, chế biến từ nhãn. Ngoài ra, các huyện, thị xã, thành phố lồng ghép các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản phẩm.
Tỉnh cũng tạo điều kiện để các địa phương thành lập mới 113 Hợp tác xã nông nghiệp, hỗ trợ một phần kinh phí mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh, xây dựng kết cấu hạ tầng; hỗ trợ 50 Hợp tác xã mua máy, thiết bị sơ chế, chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm và xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Với nguồn kinh phí hỗ trợ gần 17 tỷ đồng, mỗi Hợp tác xã được hỗ trợ tối đa 300 triệu đồng. Đồng thời, tỉnh thành lập mới 99 tổ hợp tác nông nghiệp tư vấn hướng dẫn tổ chức, xây dựng phương án hoạt động sản xuất kinh doanh, mua sắm một số máy móc, thiết bị phục vụ hoạt động. Kinh phí hỗ trợ 1,98 tỷ đồng (20 triệu đồng/tổ hợp tác).
Tại các huyện đã hình thành 5 mô hình Hợp tác xã kiểu mới như: 2 Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Xuân Quan (Văn Giang) và Yên Phú (Yên Mỹ); 3 Hợp tác xã nông nghiệp chuyên ngành gồm: Hợp tác xã chăn nuôi - dịch vụ an toàn Siêu Việt (Văn Lâm); Hợp tác xã sản xuất cung ứng rau quả và cây dược liệu An Thịnh Phát (Phù Cừ); Hợp tác xã sản xuất rau quả và dịch vụ thương mại xã Đồng Thanh (Kim Động).
Các Hợp tác xã kiểu mới được hỗ trợ hướng dẫn xây dựng tổ chức bộ máy theo quy định của Luật Hợp tác xã, thành lập các tổ, nhóm chuyên môn; hướng dẫn phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, triển khai thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị thông qua hợp đồng hợp tác. Mỗi Hợp tác xã được hỗ trợ 280 triệu đồng kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng và mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ hoạt động, sản xuất, kinh doanh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hưng Yên cũng đang phối hợp với các huyện triển khai hỗ trợ các địa phương xây dựng 4 mô hình Hợp tác xã phát triển sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm gồm: Hợp tác xã thủy sản Hưng Phát (Phù Cừ), 2 Hợp tác xã chăn nuôi - kinh doanh gà Đông Tảo xã Dạ Trạch và xã Đông Tảo (Khoái Châu), Hợp tác xã chăn nuôi con giống gia cầm Ngô Đức Thắng, xã Phạm Ngũ Lão (Kim Động).
Các thành viên Hợp tác xã được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống, vật tư để chăn nuôi triển khai mô hình đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm; tìm kiếm thị trường, đối tác tiêu thụ sản phẩm cho thành viên. Với nguồn kinh phí hỗ trợ 2 tỷ đồng, mỗi Hợp tác xã được hỗ trợ bình quân 300 - 400 triệu đồng.
Đến nay, toàn tỉnh Hưng Yên đã đánh giá, phân hạng và xếp hạng được 67 sản phẩm của 34 chủ thể sản xuất (Hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp và chủ cơ sở). Trong đó 1 sản phẩm đạt 5 sao, 17 sản phẩm đạt 4 sao, 49 sản phẩm đạt 3 sao. Các sản phẩm được công nhận thuộc nhóm thực phẩm, đồ uống và thảo dược đều đảm bảo chất lượng, an toàn theo quy định./.
https://kinhtenongthon.vn/tin-nn-dbsh-ocop-thoi-luong-sinh-khi-moi-cho-cac-lang-nghe-truyen-thong-post40202.html
Theo Thanh Tâm (Tổng hợp)/kinhtenongthon.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã