Chia sẻ kinh nghiệm về những lần phối giống cho lợn nái, anh Nguyễn Văn Dũng - công nhân trang trại lợn 600 con ở xã An Phú (Mỹ Đức, Hà Nội) cho biết: Có ba điều kiện cần và đủ đối với lợn cái phối giống lần đầu đó là tuổi, khối lượng và chu kỳ động dục mà lợn cái đã trải qua.
Cụ thể, đối với lợn giống nội, phối giống lần đầu khi lợn cái đạt 7-7,5 tháng tuổi, đối với lợn giống lai (ngoại x nội) thì phối lúc 7,5- 8 tháng tuổi.
Về khối lượng của lợn nái phối giống thì với lợn Móng Cái rơi vào khoảng 50- 55kg, Mường Khương khoảng từ 48-50kg, lợn địa phương như lợn Bản, lợn Cỏ, lợn Vân Pa, lợn Táp ná,…rơi vào khoảng 25-30kg.
Về chu kỳ động dục thì với tất cả các giống lợn, không bao giờ để lợn cái phối giống ngay ở lần động dục đầu tiên vì lúc này số trứng rụng ít nên sẽ đẻ rất ít con.
Anh Dũng còn cho hay khi phối giống cho lợn nái cần phải lựa chọn thời điểm phối giống thích hợp. Việc lựa chọn thời điểm thích hợp được thể hiện: trước hết cần theo dõi để xác định khi nào lợn đã đạt tới trạng thái “chịu đực” để điều tiết thời điểm thích hợp. Thời điểm phối giống thích hợp cho lợn nái phối lần đầu và lợn nái đã đẻ từ 1 lứa trở lên là không giống nhau.
“Lợn cái ở “trạng thái chịu đực” là khi đã hội tụ đủ đồng thời 3 đặc điểm: hoa (âm hộ lợn cái) đã chuyển sang trạng thái thâm và nhăn; dịch đã chuyển sang trạng thái đặc và dính, lợn nái, lợn cái đang ở trạng thái “mê ì”. Cần dựa vào đó chúng ta mới xác định thời điểm phối giống thích hợp cho từng loại lợn nái”, anh Dũng tỉ mỉ chia sẻ.
Đối với lợn nái tơ cần thực hiện ngay khi phát hiện được rằng lợn cái đã ở trạng thái “chịu đực”, phối lặp lại cách lần phối đầu 10-20 giờ (ví dụ phối lần đầu vào buổi sáng thì đến chiều tối phối lại), nếu phối lần một vào buổi chiều thì phối lần hai vào sáng sớm hôm sau.
Ngoài ra, anh còn đặc biệt lưu ý bà con nếu có điều kiện, lợn nái tơ nếu được phối giống trực tiếp là tốt nhất. Còn đối với lợn nái rạ thì cần phối lần 1 thực hiện sau 10-12 giờ kể từ khi phát hiện lợn “chịu đực”, và phối lặp lại sau lần một 10-12 giờ.