Phải kiểm soát mạnh
Có rất nhiều lý do để đưa kháng sinh vào danh mục phải kiểm soát nghiêm ngặt, trong đó quan trọng nhất là sự nguy hiểm nếu các vi khuẩn đề kháng với kháng sinh được hình thành và phát triển khi việc sử dụng kháng sinh không đúng cách. Sự nguy hại này có thể xảy ra ở cả trong tôm nuôi nhiễm khuẩn và con người nhiễm khuẩn, bởi lúc đó vi khuẩn đã đề kháng được kháng sinh nên việc dùng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh là không thể (cần phải dùng loại kháng sinh khác), trong khi đó bệnh do vi khuẩn chỉ có thể dùng kháng sinh điều trị.
Thậm chí, một số loại kháng sinh làm cho vi khuẩn không chỉ đề kháng với kháng sinh đó mà kháng với nhiều loại kháng sinh khác nhau. Hay, các nguyên tố mã hóa có sức đề kháng có thể di chuyển từ loài vi khuẩn này sang loài vi khuẩn khác, khiến các vi khuẩn này trở nên đề kháng một loại kháng sinh, mặc dù chúng chưa tiếp xúc kháng sinh này.
Dư lượng một số loại kháng sinh trong tôm nuôi có thể gây ra các vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người tiêu dùng, chẳng hạn mù vĩnh viễn và mất thị lực đã được báo cáo với Fluoroquinolones và Enrofloxacin, Chloramphenicol là làm suy tủy. Bên cạnh đó, nhiều loại kháng sinh còn ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe người lao động. Khi người lao động sử dụng kháng sinh trong nuôi tôm không được trang bị bảo hộ lao động đầy đủ, phần da bị lộ ra và hít bụi từ bột kháng sinh có ảnh hưởng không tốt đối với sức khỏe.
Kháng sinh còn có tác động rất lớn đối với môi trường do nhiều loại kháng sinh có độ bền cao và thoát ra môi trường kênh rạch tự nhiên qua đường nước thải. Khi đó, các loại kháng sinh này có thể thay đổi hệ sinh thái bằng cách thay đổi cấu trúc thông thường của vi khuẩn, được các sinh vật hấp thụ (vẹm, nghêu, sò huyết) và tác động lớn đến động, thực vật dưới nước. Nói cách khác, việc dùng kháng sinh không đúng cách không chỉ là mối đe dọa đối với người sử dụng sản phẩm tôm mà còn gây nguy hại đối với người sống ở vùng nuôi tôm.
Sử dụng đúng cách
Như đã nói trên, kháng sinh chỉ diệt vi khuẩn gây bệnh (bệnh phân trắng, gan tụy…) nên không dùng kháng sinh để trị các bệnh về virus (như bệnh đốm trắng, đầu vàng…). Một số người hiểu sai rằng có một số loại sản phẩm chứa kháng sinh đang được bán trên thị trường có thể phòng trị được bệnh do vi rút.
Chỉ sử dụng các loại kháng sinh thành phẩm dành cho thủy sản có nguồn gốc đáng tin cậy, trên nhãn hàng hóa phải ghi rõ địa chỉ, có đủ thành phần, cách sử dụng và hướng dẫn bảo quản. Không sử dụng trong nuôi tôm các loại kháng sinh dành điều trị cho người, phải bảo đảm kháng sinh đạt tiêu chuẩn về dược phẩm.
Kháng sinh không dùng để phòng bệnh, bởi khi dùng kháng sinh với liều thấp, kéo dài liên tục để phòng bệnh sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe vật nuôi và gây hiện tượng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh, làm cho việc điều trị khó khăn, tốn kém. Cần nắm được thông tin chi tiết về mọi loại kháng sinh; nếu buộc phải dùng khánh sinh để trị bệnh thì phải đúng thời điểm theo hướng dẫn của cán bộ chuyên môn.
Sử dụng kháng sinh để trị bệnh tôm phải đúng liều lượng, thời gian, liên tục 3 - 7 ngày. Thông thường lúc bệnh mới được phát hiện thì việc chữa trị đạt hiệu quả cao; nếu ngược lại thì bệnh nặng, hiệu quả thấp. Tránh sử dụng lặp lại cùng một loại kháng sinh, để giảm nguy cơ kháng thuốc. Việc sử dụng kháng sinh phải ngưng trước khi thu hoạch 3 - 4 tuần.
Không được sử dụng nhiều hơn một loại kháng sinh tại cùng một thời gian, nếu không có hướng dẫn của cán bộ chuyên môn. Sản phẩm kháng sinh cần được sử dụng, bảo quản cẩn thận và xem xét các rủi ro với con người. Người cho tôm ăn phải có đủ bảo hộ lao động, nhất là găng tay, để tránh da tiếp xúc kháng sinh nếu các loại kháng sinh được trộn với thức ăn. Người nuôi tôm tuyệt đối không sử dụng các loại kháng sinh đã bị cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh và nuôi trồng thủy sản để trị bệnh trong nuôi tôm.
>> Vấn đề cần quan tâm hiện nay là các nhà sản xuất và đại lý kinh doanh hóa chất, thuốc thú y thủy sản không cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác về những sản phẩm kháng sinh cho người nuôi tôm. Do đó, cần phải có biện pháp buộc nhà sản xuất, kinh doanh kháng sinh cung cấp những thông tin tốt hơn về thành phần định lượng, độ an toàn và hiệu quả sử dụng. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;