Anh Trần Hữu Tự, thôn Tân Hóa 2, xã Lộc Nga, thành phố Bảo Lộc vốn là nông hộ có kinh nghiệm nuôi cá nước ngọt thương phẩm như cá rô phi, cá chép, cá trắm. Năm 2020, theo sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, anh nuôi thử nghiệm cá leo, một giống cá còn rất mới mẻ với hầu hết nông hộ nuôi cá xứ núi. Và kết quả ban đầu cho thấy, ao đất nhà anh là nơi con cá leo sống và phát triển rất khả quan.
Chỉ vào ao cá rộng gần 2 sào mặt nước, anh cho biết tháng 6/2020, anh đã thả 2.000 cá leo giống. Giống cá do Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ, trung tâm còn hỗ trợ thêm 70% lượng cám cho cá ăn cũng như chuyển giao kỹ thuật chăm sóc. Anh trao đổi: “Cá leo giống khi thả nặng tầm 7-8 gram/con, trọng lượng khoảng 150 con/kg. Hiện sau 10 tháng nuôi, con cá leo bắt lên cân thử nặng trung bình 1,4 kg/con, coi như phát triển khá tốt”. Theo anh Tự, cá leo là loài ăn đêm. Khi còn nhỏ, cá leo ăn cám là chủ yếu. Khi lớn hơn, cá leo ăn mồi sống như cá con, tép con..., khá dễ chăm và hầu như không có bệnh tật. Cá sống ở tầng đáy nên phía trên, anh vẫn có thể thả cá ăn tầng mặt như trắm, rô phi.
Anh Tự cho biết, trước khi thả cá, anh làm vệ sinh ao rất kỹ, bỏ vôi, bón phân hữu cơ để nước sạch, giàu dinh dưỡng. Ao lại có hệ thống van, lọc để nước ra - vào suối Lộc Nga nên nước sạch và được thay đổi liên tục. Chính vì vậy, đám cá leo có môi trường sống khá gần môi trường sống trong tự nhiên, không bệnh tật. Ngoài ra, anh Tự còn nuôi nhiều cá rô phi. Giống rô phi ăn trên tầng nước mặt, nhiều con rô phi cái đẻ trứng, trứng nở ra cá con, cung cấp thức ăn tươi cho cá leo ở tầng đáy. Cán bộ khuyến nông kiểm tra cá leo nhà anh Tự nhận xét cá phát triển tốt, nhanh lớn, tương tự với cá leo sống trong tự nhiên.
Anh Nguyễn Văn Thành, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Lâm Đồng cho biết, cá leo hay còn gọi là cá Nheo có tên khoa học là Wallago attu thuộc loại cá da trơn. Cá thường sống ở sông, kênh rạch và đồng ruộng, trên hệ thống sông Đồng Nai cũng từng có nhiều cá leo tự nhiên. Cá có kích thước lớn, giàu giá trị dinh dưỡng, chất lượng thịt thơm ngon, rất được thị trường ưa chuộng nên bị khai thác nhiều, trong sông suối tự nhiên lượng cá leo giảm mạnh. Vì vậy, Trung tâm thực hiện mô hình “Nuôi cá leo thương phẩm trong ao đất” để thử nghiệm một vật nuôi có giá trị kinh tế cao.
Theo tính toán của anh Thành, cá leo sau 10 tháng nuôi có thể đạt trọng lượng từ 1 - 1,5 kg. Và trên thực tế, cá leo nuôi tại hộ anh Trần Hữu Tự sau 10 tháng cũng cho trọng lượng trung bình 1,4 kg/con, khả năng sinh trưởng rất tốt. Một nông hộ khác cũng cho kết quả tương tự khi nuôi trong mô hình ao đất. Với giá bán trung bình 90 ngàn đồng/kg cá leo thương phẩm trên thị trường, khi thu hoạch các hộ có thể thu được từ 140-160 triệu đồng/hộ. Tuy nhiên, anh Trần Hữu Tự cho biết, anh sẽ không thu hoạch ngay mà sẽ chờ tới 16-18 tháng nuôi, khi cá đạt trong lượng từ 2 kg/con trở lên mới bán, cá có chất lượng ngon hơn và thị trường ưa chuộng hơn.
Anh Nguyễn Văn Thành đánh giá, với những kết quả mô hình đạt được đã cho thấy Bảo Lộc là địa phương có điều kiện phù hợp cho việc phát triển nuôi cá leo thương phẩm. Mô hình đã giúp người dân có thêm lựa chọn đối tượng nuôi mới nhằm thay thế các đối tượng nuôi truyền thống, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản, ngày càng đáp ứng nhu cầu thị trường trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
http://baolamdong.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã