Lâm Đồng là tỉnh có nhiều tiểu vùng sinh thái nông nghiệp. Từ năm 2005 - 2006, thông qua công tác khuyến nông, Lâm Đồng đã đầu từ nhiều mô hình sản xuất, đồng thời định hướng nông dân có điều kiện đất đai tiến hành trồng thực nghiệm cây mắc ca. Nhờ sự hỗ trợ tích cực các chính sách của tỉnh, trong thời gian ngắn, diện tích mắc ca đã phát triển nhanh.
Đến năm 2016, toàn tỉnh có hơn 980 ha mắc ca; diện tích kinh doanh hơn 265ha; sản lượng quả khô hơn 309 tấn; trong đó trên 936ha trồng xen, chủ yếu trong vườn cây cà phê, chè chiếm 93,8% và 43,7ha trồng thuần trên đất lâm nghiệp và trên đất nông nghiệp.
Sau khi có công bố Quy hoạch phát triển cây mắc ca vùng Tây Bắc và Tây Nguyên tại Quyết định số 1134/QĐ-BNN-TCLN ngày 05/4/2016 của Bộ NN-PTNT, định hướng diện tích cây mắc ca tỉnh Lâm Đồng đến 2020 đạt 2.500 ha. Trên cơ sở kết quả khảo nghiệm trong 10 năm, Lâm Đồng đã có những đánh giá bước đầu về khoa học công nghệ (KH-CN) và hiệu quả tổng hợp về kinh tế, xã hội và môi trường để làm cơ sở thực tiễn phát triển.
Nhằm có cơ sở pháp lý phát triển cây mắc ca với tầm nhìn dài hạn, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 1062/QĐ-UBND, ngày 20/5/2016, về việc phê duyệt quy hoạch phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030. Như vậy, Lâm Đồng là tỉnh đầu tiên trong cả nước có quy hoạch phát triển cây mắc ca với tầm nhìn dài hạn.
Nhờ làm tốt công tác quản lý nhà nước và đầu tư KH-CN, đến năm 2020 toàn tỉnh có hơn 4.863 ha mắc ca (chiếm 30% cả nước); diện tích kinh doanh 1.179ha; sản lượng quả khô đạt 2.157,34 tấn; trong đó 4.722,4ha trồng xen (chủ yếu trong vườn cà phê, chiếm 72,4%) và 140,9ha trồng thuần (trong đó 62,5% trồng trên đất lâm nghiệp, 37,5% trồng trên đất nông nghiệp).
So với quy hoạch tổng thể của Bộ NN-PTNT, định hướng tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2020 là 2.500 ha, đã vượt 2.363,3ha; so với năm 2016 diện tích tăng 3.883 ha; sản lượng tăng 1.847,6 tấn.
Nhìn chung, cây mắc ca phù hợp với nhiều tiểu vùng sinh thái ở Lâm Đồng, cây sinh trưởng tốt và có hiệu quả kinh tế cao, không chỉ góp phần giảm nghèo mà còn làm giàu cho nhiều hộ dân, góp phần giải quyết việc làm cho bà con nông dân vùng sâu, vùng xa vùng đồng bào dân tộc, đồng thời cải thiện độ che phủ với tốc độ nhanh.
Lâm Đồng là một trong những tỉnh trồng mắc ca rất sớm. Từ năm 2006, tỉnh đã triển khai quy hoạch trồng cây mắc ca với những nhiệm vụ và giải pháp phù hợp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung đầu tư trồng mới xen canh kết hợp với chức năng che bóng cho cà phê, chè; phát triển công nghiệp chế biến gắn với cơ cấu sản phẩm đa dạng, chất lượng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
UBND tỉnh Lâm Đồng đã thành lập Ban chỉ đạo Phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh, trong đó Trưởng ban là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, do đó rất thuận lợi trong chỉ đạo điều hành, và giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên là lãnh đạo của các Sở, ngành có liên quan. Vì vậy chương trình triển khai ngay và được chính quyền các cấp triển khai quyết liệt, đồng bộ.
Tỉnh đã ban hành các văn bản về việc triển khai thực hiện quy hoạch phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2030; tăng cường công tác quản lý chất lượng cây giống mắc ca trên địa bàn tỉnh. Do đó, công tác quản lý nhà nước được tăng cường trong suốt quá trình tổ chức thực hiện.
Tỉnh cũng tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân xây dựng vùng nguyên liệu mắc ca được chứng nhận theo các tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; đa dạng hóa sản phẩm mắc ca chế biến theo thị hiếu người tiêu dùng, tiến tới xây dựng thương hiệu mắc ca Lâm Đồng.
Hướng dẫn hồ sơ pháp lý thành lập HTX, tổ hợp tác trồng mắc ca cho người dân nhằm giảm chi phí sản xuất, liên kết tạo ra sản phẩm với số lượng lớn, làm đầu mối cung cấp cho các doanh nghiệp có nhà máy chế biến; khuyến khích tạo ra nhiều sản phẩm OCOP mang tính đặc thù của địa phương. Tổ chức xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, quảng bá mắc ca Lâm Đồng.
Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ mắc ca, nhất là các doanh nghiệp chế biến, có thị trường đầu ra ổn định. Định hướng đến năm 2023 hình thành khoảng 05 chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ mắc ca trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, ngân sách tỉnh và các địa phương tiếp tục hỗ trợ một phần về chi phí xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ mắc ca bền vững.
Lâm Đồng đã nghiên cứu và phát triển cây mắc ca khoảng 15 năm, đến nay có thể khẳng định mắc ca là cây trồng mới có nhiều triển vọng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, xin chia sẻ một số bài học kinh nghiệm và hướng đi trong quá trình phát triển cây mắc ca bền vững ở Việt Nam.
- Cây mắc ca yêu cầu sinh thái rất khắt khe so với yêu cầu đất đai, do đó mỗi địa phương cần xác định từng tiểu vùng sinh thái để có bộ giống phù hợp nhất.
- Đây là cây trồng mới, do đó muốn phát triển một cách khoa học, bền vững, mỗi địa phương phải có ban chỉ đạo phát triển mắc ca cấp tỉnh để chỉ đạo các sở ngành và địa phương triển khai đồng bộ, hiệu quả.
- Đặc điểm sinh lý cây mắc ca yêu cầu khắt khe về sinh thái, do đó mỗi địa phương cần có quy hoạch cây mắc ca với tầm nhìn dài hạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 làm cơ sở pháp lý để thực hiện các chính sách.
- Về giống mắc ca, đây là vấn đề cực kỳ quan trọng, quyết định 85% thành công hay thất bại khi phát triển mắc ca, do đó tùy vào vùng sinh thái của địa phương, cần chú ý 3 vấn đề cốt lõi sau đây:
- Cây giống: Chỉ sử dụng cây giống mắc ca ghép, không sử dụng cây giống thực sinh để đồng đều về sinh trưởng và thuần giống; cây giống phải lấy ở những vườn ươm được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận và đảm bảo tiêu chuẩn xuất vườn;
+ Giống dùng làm gốc ghép: Giống H2 và giống 695;
+ Giống dùng làm chồi ghép: Do cây mắc ca là cây thụ phấn chéo, do đó không trồng thuần 01 giống mà phải trồng từ 2 giống trở lên để đảm bảo khả năng thụ phấn và năng suất cao, nhưng không quá nhiều giống vì sẽ khó chăm sóc và thu hoạch.
Tùy theo tiểu vùng sinh thái mà ưu tiên sử dụng một trong 6 bộ giống sau: Bộ 1, gồm các giống QN1, 246, A16; Bộ 2 gồm các giống Daddow, 788, A16; Bộ 3 gồm các giống Daddow, 344, 842; Bộ 4 gồm các giống 842, 741, 816; Bộ 5 gồm các giống 741, 508, H2; Bộ 6 gồm các giống 695, 842, 816.
- Trong quá trình phát triển, cần tiến hành 2 hình thức trồng xen và trồng thuần với quỹ đất và hiện trạng cây trồng để phát huy hiệu quả kinh tế cao nhất.
- Trong quá trình phát triển, tùy theo thực trạng sản xuất nông nghiệp và nguồn lực của địa phương mà ban hành các chính sách cho phù hợp làm động lực để phát triển mắc ca bền vững. Khi định hướng phát triển mắc ca cũng cần định hướng cơ sở chế biến ngay từ đầu, sau đó thu hút các nhà máy chế biến có công suất lớn tương ứng với vùng nguyên liệu để người trồng mắc ca an tâm, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển mắc ca bền vững.
- Trong tổ chức thực hiện, các cấp chính quyền phải vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, đặc biệt làm tốt công tác tuyên truyền để nông dân và cộng đồng doanh nghiệp thấy rõ hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường, từ đó có quyết tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng lựa chọn hình thức trồng phủ hợp.
Có thể nói, cây mắc ca là cây trồng mới ở Việt Nam có nhiều triển vọng, do đó muốn phát triển mắc ca bền vững, các địa phương cần có quy hoạch phù hợp có tầm nhìn dài hạn; cần tăng cường chiều sâu trong việc ứng dụng công nghệ đối với sản xuất và chế biến mắc ca.
Trước mắt, hình thành các vùng sản xuất mắc ca ứng dụng công nghệ cao để triển khai các biện pháp canh tác tiên tiến, đồng bộ, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng mắc ca; đào tạo tập huấn các kỹ thuật trọng yếu mà thực tiễn sản xuất còn hạn chế.
Xây dựng mô hình thâm canh cây mắc ca để chuyển giao kết quả đạt được cho người dân, từng bước phát triển mắc ca hữu cơ để đáp ứng yêu cầu thị trường thế giới trong tương lai.
TS Phạm S (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng)/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;