An Giang là tỉnh đi đầu ở ĐBSCL áp dụng công nghệ sinh thái trên đồng ruộng với mô hình ruộng lúa bờ hoa. Đây là phương thức sản xuất nông nghiệp an toàn, thân thiện với môi trường, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả cho người trồng lúa.
Trong quá trình thực hiện mô hình, nhiều cá nhân, tập thể áp dụng công nghệ sinh thái trong sản xuất lúa, rau màu đều cho kết quả tốt, tăng lợi nhuận cao hơn so với canh tác theo truyền thống.
Nhiều năm nay, ngành nông nghiệp An Giang đã phát động nông dân trong tỉnh ứng dụng mô hình công nghệ sinh thái trên cơ sở áp dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật, trồng thêm cây có hoa trên bờ để dẫn dụ thiên địch, góp phần hạn chế dịch hại, từ đó vừa giảm chi phí phun thuốc BVTV, vừa làm đẹp cảnh quan nông thôn và bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV An Giang cho biết: Chương trình “Công nghệ sinh thái” được Chi cục Trồng trọt và BVTV An Giang triển khai ứng dụng từ vụ hè thu 2010, đến nay đã thực hiện 315 mô hình, với gần 4.000 lượt nông dân tham gia ứng dụng trên diện tích 3.212ha.
Mô hình ứng dụng công nghệ sinh thái đã thu hút thiên địch diệt trừ sâu hại giúp giảm mật độ rầy nâu và sâu cuốn lá. Chủng loại hoa được chọn ở các mô hình khá đa dạng và phong phú như sao nháy, hướng dương, cúc ngũ sắc, cúc tím, móng tay, màu gà, sục sạc, trâm ổi, xuyến chi, dừa cạn, vòi voi, mười giờ, vạn thọ…
Trong đó, loại hoa chủ yếu các mô hình lựa chọn là sao nháy, hướng dương, mười giờ và cúc vì dễ trồng và sức sống tốt. Ngoài ra, các mô hình còn chọn các loại cây tăng thu nhập như mè, đậu bắp, đậu đen, đậu xanh, đậu cove…
Theo ông Hiền, hướng bền vững ở mô hình công nghệ sinh thái nhằm giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng và hạn chế ô nhiễm môi trường.
Việc áp dụng cần phải tổng hợp các tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác lúa, từng bước hướng dẫn nông dân thực hiện nhiều giải pháp mang tính điều chỉnh như: Trang phẳng mặt ruộng điều khiển bằng tia lazer; áp dụng tưới nước tiết kiệm; giảm lượng giống gieo sạ; bón phân hữu cơ, giảm phân bón hóa học; hạn chế thuốc BVTV thông qua áp dụng mô hình công nghệ sinh thái; sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu, rầy, xuống giống theo thời vụ để tránh thiên tai, lũ lụt, dịch hại…
Bên cạnh đó, cần giúp nông dân nhận thức được tầm quan trọng của giải pháp canh tác lúa trên nền “1 phải 5 giảm”. Đồng thời, cần hình thành một quy trình cụ thể, thống nhất để đảm bảo phát triển sản xuất theo hướng bền vững, giảm ô nhiễm môi trường đồng ruộng.
Áp dụng công nghệ cao hướng đến giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận cho nông dân. Bên cạnh đó, quy chuẩn hoá cụ thể quy trình sản xuất theo hướng công nghệ cao trong sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng Globbal GAP.
Nông dân tham gia đều có ý thức áp dụng các quy trình kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm” giúp giảm mật độ gieo sạ lúa từ 180 - 200kg/ha xuống còn 90 - 120kg/ha, đặc biệt còn giảm lượng sử dụng phân bón, thuốc BVTV rất đáng kể.
Qua đánh giá, mô hình công nghệ sinh thái giúp nông dân giảm được số lần phun thuốc trừ sâu rầy ít nhất từ 2 - 3 lần/vụ. Riêng trong vụ lúa đông xuân 2021, tỉnh An Giang thực hiện hàng chục mô hình công nghệ sinh thái tại 11 huyện, thị và thành phố trong tỉnh.
Tổng chi phí sản xuất lúa trung bình tại các mô hình này chỉ khoảng 21 - 22 triệu đồng/ha, thấp hơn bên ngoài khoảng 3,8 triệu đồng/ha và lợi nhuận cao hơn bình quân 4,3 triệu đồng/ha.
Với kinh nghiệm hơn 25 năm trong nghề trong lúa, lão nông Lê Văn Phước ở xã Bình Hòa, huyện Châu Thành (An Giang) đã quen với việc sử dụng thuốc BVTV để phòng ngừa sâu bệnh và đó được xem là giải quyết hữu hiệu của nhiều nông dân nơi đây nhưng lại tốn nhiều chi phí đầu tư.
Vụ đông xuân 2016, ông Phước được ngành nông nghiệp tỉnh An Giang mời đi tham quan học tập mô hình công nghệ sinh thái trồng hoa trên bờ ruộng, áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý dịch hại bằng thiện địch, giảm chi phí thuốc BVTV và bảo vệ sức khỏe...
Qua chuyến đi đó, ông Phước đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ sinh thái vào việc sản xuất lúa của gia đình, giảm được chi phí thuốc BVTV, phân bón và giảm công lao động, giúp gia đình ông tăng thêm lợi nhuận.
Điều quan trọng, ruộng lúa không được sử dụng thuốc cỏ vì sử dụng sẽ làm chết hoa. Ban đầu gia đình ứng dụng trên vài công đất, qua nhiều năm hiện nay đã áp dụng toàn diện tích hơn 3ha lúa giống và cho hiệu quả cao.
Ông Phước cho biết: Sau khi xuống giống vụ lúa từ 7 – 10 ngày, sẽ tiến hành trồng hoa dọc theo bờ ruộng, cách bờ khoảng 20cm và khi hoa lớn thì sẽ thu hút được nhiều lại thiên địch như bọ rùa, ong ký sinh, nhện… giúp tiêu diệt rầy nâu, sâu cuốn lá, giúp giảm chi phí.
Những loại hoa được trồng quanh bờ ruộng là những loài có hương thơm và màu sắc sặc sỡ để thu hút thiên địch như hoa sao nhái, cúc đồng tiền, đậu bắp, hướng dương, mè…
Nhờ áp dụng sản xuất lúa theo mô hình công nghệ sinh thái, với tổng diện tích hơn 3ha, vụ lúa nào gia đình ông Phước cũng cho năng suất cao hơn các ruộng xung quanh. Cụ thể, vụ đông xuân rồi đạt năng suất từ 7,5 – 8 tấn/ha, hè thu từ 7 – 7,5 tấn/ha và thu đông dự kiến từ 6 – 7 tấn/ha.
Còn tai huyện An Phú, trong vụ lúa hè thu và thu đông 2021, trên tuyến đường giao thông nội đồng các xã như Phú Hữu, Vĩnh Hội Đông, Phú Hội, Vĩnh Hậu, Quốc Thái, Thị trấn An Phú..., mọi người sẽ bị thu hút bởi sắc vàng rực rỡ hai bên đường và cả bờ ruộng.
Đây là địa điểm mà Trạm Trồng trọt và BVTV huyện An Phú thực hiện mô hình công nghệ sinh thái, một mô hình tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực trồng trọt, phát triển trên nền tảng IPM.
Ông Nguyễn Văn Tường, Trưởng trạm Trồng trọt và BVTV huyện An Phú cho biết: Bình quân mỗi vụ lúa toàn huyện có 5.000ha đất canh tác lúa, trong đó có gần 100ha được áp dụng mô hình công nghệ sinh thái, được bà con nông dân nơi đây hưởng ứng trồng hoa nhái, hoa hướng dương, mào gà… dọc theo đường giao thông nội đồng và bờ ruộng.
Khi vào vụ, các loại hoa trồng trên bờ ruộng nở vàng rực cả tuyến đường, tạo nên vùng nông thôn yên bình đầy sắc hoa.
Đặc biệt, khi nông dân tham gia canh tác lúa theo công nghệ sinh thái hạn, đã hạn chế đến mức thấp nhất dùng thuốc BVTV, đặc biệt là hai nhóm thuốc là trừ sâu, trừ rầy vào đồng ruộng. Từ đó giúp nông dân giảm được chi phí sản xuất khoảng 2 triệu đồng/ha/vụ, đồng thời tăng lợi nhuận 3 - 4 triệu đồng/ha.
Bên cạnh đó, nếu áp dụng tốt theo mô hình này, sẽ giảm được ô nhiễm môi trường, bảo vệ được sức khỏe của cộng đồng và đồng thời tạo cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp.
“Hướng tới, huyện An Phú sẽ tiếp tục triển khai và nhân rộng mô hình công nghệ sinh thái, phấn đấu mỗi vụ và mỗi xã sẽ có 1 mô hình ruộng lúa bờ hoa từ vài chục ha trở lên.
Song song đó, Trạm sẽ phân công nhân viên BVTV xã và cán bộ Trạm xuống trực tiếp hỗ trợ nông dân thực hiện, lồng ghép các buổi tuyên truyền, tọa đàm phòng chống sâu bệnh đầu vụ để tiến hành vận động nông dân cùng thực hiện.
Có thể khẳng định, mô hình công nghệ sinh thái kết hợp giảm giống, phân, thuốc BVTV, công lao động… đã thật sự mang lại rất nhiều lợi ích cho nông dân”.
(Ông Nguyễn Văn Tường, Trưởng trạm Trồng trọt và BVTV huyện An Phú, An Giang)
LÊ HOÀNG VŨ/https://nongnghiep.vn/
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;