Tái cấu trúc ngành lúa gạo để làm gì: tiếp tục gia tăng sản lượng để đảm bảo an ninh lương thực, tiếp tục gia tăng xuất khẩu; hay để cải thiện hiệu quả nông nghiệp, gia tăng thu nhập của người nông dân? Các mục tiêu này tách rời hay đan xen, kết hợp nhau là cả một bài toán phức tạp.
Việc liên tục tăng sản lượng và gia tăng xuất khẩu nhằm duy trì vị trí cường quốc xuất khẩu gạo thì việc này dường như đang trả giá khá đắt. Cho nên đã có không ít ý kiến đề nghị giảm sản lượng, giảm xuất khẩu; chỉ tăng xuất khẩu gạo có giá trị cao, lúa có chất lượng cao.
Phân bổ lại nguồn lực là công việc khó khăn, và phải trên cơ sở đánh giá những thay đổi trong nền kinh tế từ nhu cầu trong nước đến thị trường thế giới. Những điều này đã không được thực hiện, khi nhận thấy thì đã quá muộn và cái giá phải trả đã không còn là nhỏ.
Gia tăng thu nhập là mục tiêu dễ nhận được sự đồng thuận cao nhưng sẽ không dễ dàng thực hiện. Tăng thu nhập bằng cách nào khi mà càng sản xuất càng khó bán, càng sản xuất càng bị lỗ, nhưng không sản xuất thì lấy gì mà sống? Các giải pháp do vậy rất dễ sa vào biện pháp dân túy như yêu cầu hỗ trợ, yêu cầu thiết lập giá sàn, yêu cầu không được tăng giá đầu vào, yêu cầu bao tiêu... Nghĩa là những biện pháp mà để có thu nhập thêm cho người này, phải lấy từ thu nhập của người khác, từ thuế của người dân, kết cục cũng không bền, không hiệu quả.
Vấn đề là không phải xuất khẩu càng nhiều càng tốt nữa nhưng không xuất khẩu được rõ ràng càng tệ hơn. |
Kết quả xuất khẩu được đến hôm nay là thành quả của một quá trình dài, biểu thị sức mạnh của năng lực cạnh tranh. Vấn đề là không phải xuất khẩu càng nhiều càng tốt nữa nhưng không xuất khẩu được rõ ràng càng tệ hơn. Giảm sản lượng lúa gạo, trong ngắn hạn (2-3 năm) cần giảm quy mô xuất khẩu còn 3-5 triệu tấn/năm; trong thời gian dài hơn, cần giảm xuống còn 2-3 triệu tấn/năm.
Xuất khẩu để duy trì năng lực cạnh tranh của ngành nhờ vào mối quan hệ thị trường quốc tế; không duy trì được xuất khẩu thì ngành lúa gạo sẽ sớm mất sức cạnh tranh, không bao lâu Việt Nam sẽ quay lại nhập khẩu gạo. Xuất khẩu là cách tốt nhất, ít tốn kém nhất cho việc dự trữ lúa gạo so với chi phí xây kho, lưu kho để đảm bảo an ninh lương thực. Xuất khẩu lúa gạo vẫn là sự khẳng định vị thế của một quốc gia có ưu thế về nông nghiệp.
Do đó, nên duy trì ở mức trên để không tạo áp lực lớn đến diện tích đất trồng trọt, để phân bổ lại nguồn lực đất đai sang các loại cây trồng khác.
Việc chuyển sang trồng lúa chất lượng cao là cách thức để nâng cao giá trị hạt gạo khi xuất khẩu, nhưng không nên nhấn mạnh đến mức xem loại lúa có chất lượng thấp như là tội đồ của nguyên nhân khó khăn hiện nay. Bài toán nằm ở chỗ cấu trúc đất đai cho cây trồng. Nếu lúa có chất lượng cao thời gian sinh trưởng dài, giá thành cũng cao thì chưa hẳn mang lại lợi ích gì lớn.
Nền kinh tế vẫn rất cần những loại lúa gạo có giá rẻ cho nhu cầu sản xuất bún, bánh, kẹo, làm bia, rượu, thậm chí là cho thức ăn chăn nuôi. Nhu cầu tấm, cám, phụ phẩm từ trấu, thậm chí rơm rạ không hề nhỏ trong nền kinh tế. Những thứ như vậy không đi từ lúa gạo chất lượng cao, dài ngày. Hiệu quả phải tính trên bài toán tổng thể, quy về đơn vị diện tích và chi phí bỏ ra chứ không đơn giản tính trên kim ngạch xuất khẩu của mỗi tấn gạo để rồi so sánh gạo Việt Nam với gạo Thái Lan hay Campuchia.
Câu chuyện khó khăn
Mặc dù ai cũng có thể đồng ý phải tái cấu trúc, nhưng rồi ngay cả người vừa đồng ý hôm trước, hôm sau cũng có thể quay lại phản đối, nếu quyền lợi bị va chạm.
Khó khăn, trở ngại đầu tiên có thể đến từ nông dân bởi nó ảnh hưởng đến công ăn việc làm, thu nhập của họ. Họ có thể kỳ vọng vào thu nhập được cải thiện trong tương lai, nhưng vào lúc này, lúc tái cấu trúc họ dựa vào cái gì để sống, để đảm bảo việc học hành của con cái? Chưa nói thói quen canh tác khi chuyển sang hệ thống mới có thể chưa cho năng suất tốt; rồi hệ thống hậu cần cho những loại cây trồng mới, lấy ở đâu ra?
Khó khăn, trở ngại khác đến từ các doanh nghiệp trong ngành xuất khẩu lúa gạo. Họ đã đầu tư hàng chục, hàng trăm tỉ đồng; nếu quy mô xuất khẩu giảm thì tài sản, kho tàng, máy móc dư thừa trở thành gánh nặng không nhỏ với bản thân, gia đình và với cả các ngân hàng. Những khó khăn này sẽ giải quyết ra sao là bài toán về hoạch định chính sách.
Khó khăn thứ ba đến từ chính quyền địa phương. Giảm sản lượng là giảm tăng trưởng ngay trước mắt. Những lo lắng về những điều chưa biết rõ, ám ảnh tất cả các cấp lãnh đạo. Với một ngành liên quan đến hàng chục triệu người như lúa gạo là một bài toán khó. Tái cấu trúc thì đồng ý, nhưng giải pháp rất có nguy cơ quay trở lại cơ chế phi thị trường.
Những khó khăn và trở ngại lớn nhất có thể đến từ cấp cao nhất khi thấy quá khó khăn và chưa biết điều gì sẽ xảy ra. Thái độ thận trọng là rất cần khi ra quyết sách nhưng quá thận trọng sẽ làm cho tái cơ cấu hoặc không thể diễn ra, hoặc sẽ đi những bước thụt lùi.
Hạn chế về thể chế
Tái cơ cấu đòi hỏi phải có động lực thúc đẩy và nhân tố thực hiện. Nền sản xuất với hàng triệu nông hộ trên những mảnh đất quy mô nhỏ tự làm chủ, tự quyết định thì rất khó hợp tác với nhau, rất khó cho ứng dụng công nghệ. Chi phí cho đầu tư đổi mới, ứng dụng sẽ vô cùng lớn. Hàng triệu hộ tự quyết định sẽ khó tránh khỏi tâm lý bầy đàn. Khi giá cả tăng vọt thì đổ xô sản xuất, sản xuất dư thừa; khi giá cả sụp đổ thì lâm vào nợ nần, khốn quẩn; cái vòng luẩn quẩn cứ kéo dài.
Hạn chế về thể chế có thể thấy trước kết cục của tái cấu trúc là khó có thể đi xa hơn.
Đất đai và quyền tài sản về đất đai được quy định ở Hiến pháp mới, tuy có thay đổi đáng kể so với Hiến pháp 1992, nhưng khó có thể giúp cho các doanh nghiệp yên tâm đầu tư.
Cho đến nay con số đầu tư vào nông nghiệp (so với GDP) giảm không dừng. Năm 2000, đầu tư vào nông nghiệp chiếm 4,7% GDP; năm 2005 còn 3,1%; năm 2010 còn 2,4% và năm 2012 chỉ còn 1,6%. Vốn FDI vào nông nghiệp cho đến nay chiếm 3,4% số dự án và 1,5% tổng vốn đăng ký. Số doanh nghiệp hoạt động toàn bộ khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ chiếm 1% số doanh nghiệp, 2,3% lao động và 0,9% số vốn đăng ký kinh doanh. Các con số này so với năm 2005 còn thấp hơn, cho thấy thể chế cho nông nghiệp hết sức yếu kém.
Trong bối cảnh này đặt ra vấn đề tái cấu trúc thì dễ nhưng kết quả sẽ ra sao thì rất khó trả lời. Điều cần làm chính là phải có thể chế tốt mở đường, đặc biệt là với đất đai và quyền tài sản. Nếu không, tái cấu trúc sẽ chỉ dừng ở khẩu hiệu và chỉ mở ra trong các hội thảo, hội nghị.
Theo thesaigontimes.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã