ợn thương phẩm: Càng nuôi, càng... lỗ!
Chị Nguyễn Thị Hoa, chủ hộ chăn nuôi ở Thượng Lộc (Can Lộc) bắt đầu xây dựng chuồng trại nuôi lợn thương phẩm từ năm 2013. “Vạn sự khởi đầu nan”, mấy năm đầu hết chạy vạy vốn liếng, lại tìm mối liên kết nhưng bị từ chối vì đường sá không thuận lợi, chị vẫn quyết tâm tự mình vượt khó. Những tưởng sự vất vả sẽ có ngày được đền đáp, ai ngờ, giá cứ thế lao dốc từ cuối năm 2016 đến nay. “Trước tết, bán 500 con lợn với giá 31,5 nghìn đồng/kg, tôi lỗ 400 triệu đồng. Nếu giá lợn duy trì 35.000 đồng/kg thì người chăn nuôi phải bắt giống ngoài như tôi hòa vốn là may. Cuối năm 2016, tôi đầu tư thêm trại nái (quy mô 150 con) để giảm giá thành sản xuất nhưng nay chưa thả nuôi vì thiếu vốn”.
Trang trại còn tồn đến 3.000 con lợn giống, ông Nguyễn Tiến Sơn (xã Cẩm Sơn - Cẩm Xuyên) buộc phải chuyển sang nuôi lợn thương phẩm trong tình thế bất đắc dĩ và thấp thỏm nỗi lo thua lỗ.
Giá lợn “rớt không phanh”, thấp nhất trong vòng 10 năm nay, trong khi giá thức ăn, thuốc thú y thì vẫn không hề giảm đã khiến nhiều hộ chọn giải pháp an toàn là dừng nuôi lợn. Chị Nguyễn Thị Lan Vy ở Phù Việt (Thạch Hà) sau “cú sốc” lỗ vốn nặng vẫn chưa thể “hoàn hồn”. Không còn vốn, chị quyết định bỏ trống chuồng còn hơn “đánh bạc” với thị trường: “Trước tết, sau một thời gian chờ đợi giá lợn ổn định không thành, gia đình tôi đã phải bán lỗ đàn lợn 20 con. Đến nay, dù giá lợn có dấu hiệu ấm trở lại nhưng nếu chỉ ấm đến mức 35.000 - 36.000 đồng/kg, tính ra, người nuôi vẫn lỗ. Hơn nữa, chúng tôi cũng chưa tìm thấy đầu ra ổn định nên quyết định tạm dừng nuôi”.
Tình trạng giá lợn “rớt” thảm và “rớt” trong thời gian dài đã khiến tất cả các hộ nuôi lợn trên địa bàn tỉnh rơi vào cảnh lỗ vốn nặng. Hiện nay, toàn tỉnh có 316 tổ hợp tác nuôi lợn với sự tham gia của 3.160 hộ dân. Theo cơ quan chuyên môn, đây chính là đối tượng chịu lỗ nặng nhất bởi thức ăn, thuốc thú y đều phải mua qua khâu trung gian và không đủ năng lực tài chính chống chọi với “cơn bão thị trường”.
Trại lợn giống: Các ông chủ đang “ngồi trên lửa”
Lợn thương phẩm “rớt” giá, người nuôi không tái đàn đã kéo theo tình trạng dồn hàng ở các trại lợn giống khiến những ông chủ trang trại này như “ngồi trên lửa”. Nếu như trước đây, mỗi con lợn giống nặng 8 kg có giá 1,5-1,6 triệu đồng thì hiện nay “rớt” xuống còn 800.000 - 900.000 đồng mà cũng không mấy ai mua.
Nhiều trang trại chăn nuôi đang lao đao vì ứ hàng, “rớt” giá.
Ông Nguyễn Anh Tình (Hương Minh - Vũ Quang) cho biết: “Trại của tôi có 400 con nái, trước đây, cứ lứa lợn giống nào đến hạn xuất là xuất không kịp nhưng việc giá lợn thương phẩm “rớt” thảm như vừa rồi cũng khiến giá lợn giống giảm sâu. Không chỉ giảm mà hiện nay, đàn lợn giống 800 con đã đến hạn xuất chuồng của gia đình tôi đang bị dồn ứ, chưa tìm được mối để xuất. Vợ tôi suốt ngày khóc lên khóc xuống vì lỗ vốn ngày này qua ngày khác. Tôi cũng đã tính đến việc cải tạo chuồng để phát triển đàn lợn thành lợn thương phẩm nhưng càng nuôi càng lỗ như thế này thì cũng không biết nên làm gì”.
Là một trong những huyện có tổng đàn lợn cao nhất hiện nay, các trại nái của huyện Cẩm Xuyên cũng đang trong thời kỳ lao đao. Ông Lê Ngọc Hà - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Hiện nay, Cẩm Xuyên có 6 trại nái quy mô từ 300 con trở lên và sau đợt giá lợn hơi “rớt” thảm thì trại nái còn dồn trên 7.000 con lợn giống”.
Trang trại lợn giống Cẩm Sơn (Cẩm Xuyên) của gia đình anh Nguyễn Tiến Sơn mới bắt đầu bỏ giống từ tháng 3/2015 với quy mô 350 con. Sau lứa đầu tiên, tiền lãi thu được đã giúp anh trả được một phần trong 12 tỷ đồng kinh phí xây dựng trang trại. Anh Nguyễn Tiến Sơn cho biết: “Trại của tôi chuyên xuất giống cho các hộ nuôi lợn thương phẩm ở một số xã như Cẩm Sơn, Cẩm Thịnh, Cẩm Hưng… Từ tháng 10/2016 trở lại nay, giá lợn hơi “rớt” thảm cũng khiến lợn giống rơi vào tình trạng ứ đọng, dồn hàng. Đến thời điểm hiện nay, trang trại của tôi còn tồn 3.000 con lợn con từ 6–35 kg, trong đó, 600 con đã đạt trọng lượng 35 kg/con nên tôi phải chuyển sang nuôi thương phẩm. Điều đáng lo là, cơ sở của tôi cứ mỗi tháng sản xuất 700 con lợn giống, nếu thị trường cứ ế ẩm, người chăn nuôi không tái đàn thì tôi không thể “ôm” hết số lợn con nữa. Trong khi đó, chi phí mỗi tháng chúng tôi bỏ ra là khoảng 700 triệu đồng, còn duy trì nữa thì chỉ có lỗ”.
Tính tổng trên cả tỉnh, trong số 26 cơ sở lợn nái ngoại cung ứng lợn giống cho chăn nuôi quy mô nhỏ thì có đến 12 cơ sở đang tồn giống với trên 13.000 con. Phân tích tình trạng sản xuất hiện tại từ nhiều chuyên gia, nếu thị trường khép chặt và giá cả không trở lại thì nguy cơ người dân dừng hẳn việc nuôi lợn sẽ thành hiện thực.
Theo Nhóm PV Kinh Tế/ Báo hà Tĩnh