Theo Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm nay, XK thủy sản nước ta đã đạt 3,387 tỷ USD. Nếu so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng trưởng XK thủy sản trong 7 tháng qua là không cao. Nguyên nhân chính là do có tới 2 trong 3 nhóm mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra có mức tăng trưởng khá thấp. Tính toán của VASEP cho thấy, từ đầu năm đến giữa tháng 7, XK tôm chỉ tăng 4% về giá trị so với cùng kỳ 2011. Cá tra còn thấp hơn nữa khi chỉ tăng 1,9%.
Trái ngược với 2 nhóm hàng trên, nhóm hàng hải sản lại có mức tăng trưởng rất mạnh. Trong đó, nhiều mặt hàng hải sản chủ chốt có mức tăng trưởng 2 con số. Tăng trưởng ấn tượng nhất là mặt hàng cá ngừ: Từ ngày 1/1 đến 15/7 đã XK được 311,594 triệu USD, tăng tới 42,3% so với cùng kỳ 2011. Mực và bạch tuộc đạt 267,914 triệu USD (tăng 15,1%), cua ghẹ và giáp xác khác đạt 49,677 triệu USD (tăng 13,8%) ...
Thu mua hải sản nguyên liệu ở Gò Công (Tiền Giang)
Đặc biệt trong quý 2 vừa rồi, XK các mặt hàng hải sản chủ lực của nước ta đã trở thành điểm sáng trong bối cảnh XK tôm và cá tra sa sút đáng kể. Cụ thể, XK cá biển (trừ cá ngừ) có mức tăng trưởng lên tới 64%. Tiếp theo là cá ngừ tăng 53%, mực và bạch tuộc tăng 40% ...
Đáng chú ý là ở thị trường EU, trong khi XK cá tra và tôm của Việt Nam trong quý 2 gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi tình trạng nợ công, thì XK cá ngừ vẫn tăng tới 55,2% so với cùng kỳ 2011. Nhờ đó, trong nửa đầu năm nay, giá trị XK hải sản đã đạt 1,14 tỷ USD, chiếm gần 40% tổng giá trị thủy sản XK và vượt qua tôm để trở thành nhóm hàng có giá trị XK cao nhất trong lĩnh vực thủy sản.
Sự thành công của XK hải sản trong năm nay, trước hết là do lượng khải sản khai thác trên biển tăng khá. Theo Bộ NN-PTNT, 7 tháng đầu năm nay, cả nước đã đánh bắt được 1,425 triệu tấn hải sản, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng cá ngừ đại dương tăng khá. Tuy đã chấm dứt mùa đánh bắt cá ngừ đại dương, nhưng sản lượng mặt hàng này của ngư dân tỉnh Bình Định đã đạt 5.635 tấn, Phú Yên đạt 6.000 tấn và Khánh Hòa 1.000 tấn, tăng nhiều so với mùa cá ngừ đại dương 2011.
Sản lượng các loài cá nổi trên biển năm nay cũng tăng mạnh. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu trên thế giới, từ đầu năm đến nay, các DN đã tăng cường NK cá biển, cá ngừ, mực và bạch tuộc nguyên liệu về chế biến XK.
Trước những thuận lợi về XK hải sản, VASEP đang hướng tới mục tiêu đưa giá trị XK nhóm hàng này đạt 3 tỷ USD trước năm 2015 (năm 2011, XK hải sản đã đạt trên 2 tỷ USD). Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Chủ tịch Ủy ban Hải sản của VASEP, muốn đạt được điều này, phải giải quyết ngay vấn đề mấu chốt là khâu nguyên liệu. Bởi với mức XK như hiện nay, các DN chế biến hải sản đã gặp nhiều khó khăn về nguồn nguyên liệu do nguồn lợi hải sản ở vùng biển nước ta đang cạn kiệt. Chẳng hạn, nguồn mực và bạch tuộc từ khai thác trong nước hiện chỉ đáp ứng được 20-30% công suất của các nhà máy. Do đó, các DN đang phải nhập khá nhiều mực, bạch tuộc từ Myanmar, Thái Lan, Indonesia về gia công, chế biến XK. |
Việc đảm bảo tốt hơn các tiêu chí ATTP cũng đã giúp cho XK nhiều mặt hàng hải sản của nước ta đã có mức tăng khá vào nhiều thị trường quan trọng. Chẳng hạn, từ đầu năm đến nay, Nhật Bản đã trở thành thị trường XK lớn nhất của mực và bạch tuộc Viêt Nam, với giá trị trên 79 triệu USD, chiếm 29,55% tổng giá trị mực và bạch tuộc XK. Trong 7 tháng qua, có nhiều tháng giá trị XK mực và bạch tuộc sang Nhật Bản tăng rất mạnh, như tháng 2 tăng tới 157,8%, từ tháng 3 đến tháng 7 tăng từ 50 đến 155% mỗi tháng.
Nguyên nhân chính giúp cho mực và bạch tuộc Việt Nam được XK ngày càng nhiều sang Nhật Bản là do nhu cầu ở thị trường này tăng cao và nhất là trong nửa đầu năm nay, số lô hàng bị cơ quan chức năng Nhật Bản cảnh báo nhiễm Chloramphenicol trong 6 tháng đầu năm nay giảm rõ rệt so với cùng kỳ năm ngoái. Do đó, VASEP đã mạnh dạn đưa ra dự báo rằng trong quý 3 này, XK mực, bạch tuộc sang Nhật Bản tiếp tục tăng trưởng mạnh với giá xuất hấp dẫn, ổn định hơn so với các thị trường khác.
Cũng theo VASEP, trong quý 3 này, do nhu cầu tiếp tục tăng cao trên thị trưởng thế giới, các mặt hảng hải sản chủ lực như cá ngừ, cá biển, mực và bạch tuộc đang có nhiều điều kiện đạt mức tăng giá trị XK từ 25-40% so với cùng kỳ 2011. Cụ thể, giá trị XK cá ngừ trong quý 3 có thể đạt khoảng 175 triệu USD, mực và bạch tuộc 165 triệu USD, cua ghẹ và giáp xác khác 35 triệu USD, cá biển các loại khoảng 275 triệu USD ... Nhờ đó, tổng giá trị hải sản XK trong quý 3 có thể đạt 675 triệu USD, chiếm 36,6% tổng giá trị thủy sản XK của cả quý.
Sơn Trang
Nguồn:nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã