Học tập đạo đức HCM

Nông nghiệp Đồng bằng sông Hồng: Giá thịt lợn theo đà tăng mạnh

Thứ bảy - 09/06/2018 10:54
Thời gian gần đây, giá lợn hơi trên địa bàn các tỉnh trên khu vực Đồng bằng sông Hồng và khắp cả nước đang có xu hướng tăng lên từng ngày, khiến giá thịt lợn thành phẩm cũng theo đà tăng mạnh.

Thái Bình: Giá lợn thịt thành phẩm đồng loạt tăng

Hiện, giá lợn hơi tại miền Bắc đang được thu mua trong khoảng 48.000 - 52.000 đồng/kg. Riêng tại địa bàn tỉnh Thái Bình, hiện nay, giá lợn hơi dao động từ 49.000 - 52.000 đồng/kg và giá thịt lợn thành phẩm hầu hết tại các chợ dân sinh cũng đồng loạt tăng. Cụ thể, tại các khu chợ trên địa bàn thành phố Thái Bình, giá thịt lợn dao động từ 75.000 - 80.000 đồng/kg.

Các tiểu thương cho biết: Chỉ trong khoảng hai tháng, giá thịt lợn đã có nhiều thay đổi. Trong tháng 4, tất cả các loại thịt tăng đồng giá 7.000 đồng/kg, thịt ba chỉ ngon tăng từ 63.000 đồng/kg lên 70.000 đồng/kg, thịt mông và vai tăng từ 58.000 đồng/kg lên 65.000 đồng/kg. Từ đầu tháng 5 đến thời điểm hiện tại, giá thịt lợn tiếp tục tăng với thịt ba chỉ ngon, thịt mông và vai đều có giá 80.000 đồng/kg.

Tại các khu chợ ở tuyến huyện, giá thịt lợn cũng tăng theo mặt bằng chung của thị trường nhưng tùy từng loại thịt có giá thấp hơn một chút, dao động trong khoảng 70.000 - 80.000 đồng/kg.

Giá thịt lợn trong hệ thống các cửa hàng thực phẩm sạch có thể truy ra nguồn gốc xuất xứ cũng có sự dao động ở mức trên dưới 120.000 đồng/kg. Cụ thể, giá thịt lợn hữu cơ ở một cửa hàng thực phẩm sạch trên đường Lý Bôn (thành phố Thái Bình) vẫn duy trì ở mức giá 125.000 đồng/kg đối với thịt ba chỉ, mông và vai, còn thịt nạc thăn có giá 140.000 đồng/kg. 

b-1.jpg
Giá bán thịt lợn các chợ tăng mạnh. (Ảnh: Internet)

Qua khảo sát ý kiến của người tiêu dùng, nhiều khách hàng cho biết, từ các phương tiện thông tin đại chúng đã nắm bắt được việc giá thịt lợn hơi đang tăng từng ngày khiến cho giá thịt lợn thành phẩm cũng có nhiều thay đổi trong thời gian gần đây. Mọi người cũng cho rằng, với mức giá lợn hơi hiện tại đã phần nào bù lỗ cho người chăn nuôi và thịt lợn thành phẩm đến tay người tiêu dùng vẫn có mức giá phù hợp. Tuy nhiên, điều mà người tiêu dùng luôn quan tâm đó là các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý, giám sát chặt chẽ vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng.

Nam Định: Phát triển nuôi cá lồng ở Yên Phúc


Để khắc phục khó khăn của vùng quê thuần nông, những năm qua, Đảng ủy, UBND xã Yên Phúc (Ý Yên) đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các hộ dân tận dụng lợi thế ven sông Đào để phát triển nuôi cá lồng. Hiện toàn xã có 7 hộ tổ chức nuôi cá lồng với khoảng 50 lồng. Một số hộ nuôi thu nhập thực tế vài trăm triệu đồng trở lên, cho thấy hướng phát triển kinh tế mới hiệu quả ở Yên Phúc.

Anh Vũ Đình Tuấn có 15 lồng nuôi cá điêu hồng, cá lăng, cá trắm và cá chép  chia sẻ, sau khi học hỏi kinh nghiệm nuôi cá lồng của bạn bè và tìm hiểu qua sách, báo, năm 2014, được các cơ quan chức năng cấp phép, anh mạnh dạn đầu tư gần 1 tỷ đồng làm lồng nuôi cá. Lồng cá được làm kiên cố bằng sắt, thép với 3 lượt lưới bao quanh, có hệ thống phao nâng đỡ làm bằng thùng phuy đặt cách bờ 3-5m để đảm bảo lưu thông dòng chảy. Mỗi lồng có diện tích 36m2, mật độ nuôi thả từ 1.000-2.000 con.

Anh Tuấn cho biết thêm, khi mới nhập cá giống về phải nuôi trong ao cho cá thích nghi với môi trường. Khi cá đã quen, đủ cứng cáp và có sức đề kháng tốt mới thả ra lồng trên sông. Môi trường nước trong lồng nuôi luôn phải đảm bảo ổn định, vệ sinh trong, ngoài lồng nuôi thường xuyên, không để rác trôi nổi mắc vào. Thức ăn chủ yếu sử dụng cám công nghiệp và các loại cá tạp.

b2.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Theo tính toán của anh Tuấn, lồng cá nuôi trên sông cho thu nhập cao gấp 2-3 lần so với nuôi trong ao, hồ. Mỗi năm, anh Tuấn xuất ra thị trường trong tỉnh và cả các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Ninh Bình, Hà Nam khoảng 100 tấn cá, thu nhập hơn 600 triệu đồng. Với những thành công đó, năm nay, anh Tuấn dự định đầu tư thêm 10 lồng cá. Đến thăm hộ ông Khiếu Đình Kiều đúng lúc ông đang cho đàn cá ăn. Ông Kiều cho biết, so với nuôi cá ở trong ao, hồ thì nuôi cá lồng trên sông có ưu điểm là nguồn nước thay đổi không ngừng, môi trường nước không bị ô nhiễm.

Yên Định (Thanh Hóa): 1.000ha cây trồng được bao tiêu sản phẩm đầu ra

Để ngành nông nghiệp phát triển theo hướng tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế, tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững, những năm qua, huyện Yên Định (Thanh Hóa) chú trọng đến việc hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm.

Đến nay, trên địa bàn huyện đã có hơn 1.000ha cây trồng, như: Ớt xuất khẩu, ngô ngọt, bí xanh, dưa chuột... được sản xuất theo hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp, doanh thu đạt từ 200 đến 300 triệu đồng/ha/năm. Ngoài ra, có 85 trang trại chăn nuôi đã ký hợp đồng liên kết với Công ty CP Nông sản Phú Gia, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam và Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam để chăn nuôi gà, lợn.

b3.jpg
Sơ chế rau trước khi cung cấp ra thị trường. (Ảnh: Internet)

Việc tham gia mô hình liên kết sản xuất, người dân được chuyển giao kỹ thuật sản xuất an toàn nên sản phẩm đạt chất lượng, đầu ra ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Hưng Yên: Bội thu lúa vụ xuân

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ân Thi (Hưng Yên) Nguyễn Thu Giang cho biết: Vụ xuân năm nay, huyện gieo cấy trên 7,6 nghìn hecta lúa, trong đó lúa chất lượng cao chiếm 68% diện tích, gồm các giống lúa nếp, Bắc thơm số 7, thơm RVT..., còn lại được gieo cấy bằng các giống lúa lai và lúa thuần. Vụ này, huyện thực hiện 1 mô hình gieo cấy lúa Bắc thơm số 7 quy mô 30ha tại xã Hồ Tùng Mậu và một số mô hình khảo nghiệm, trình diễn các giống lúa mới khác. Qua tổng hợp, đến ngày 6/6, nông dân trong huyện xuống đồng thu hoạch được khoảng 1,5 nghìn hecta lúa, đồng thời tập trung nhân lực, phương tiện làm đất chuẩn bị gieo mạ mùa trà sớm. Do được gieo cấy đúng lịch thời vụ, điều tiết nước hợp lý, bón phân cân đối nên các trà lúa xuân năm nay phát triển tốt, năng suất bình quân ước đạt trên 66 tạ/ha.
 
Theo tổng hợp của các huyện, thành phố, đến ngày 6/6, nông dân trong tỉnh thu hoạch được khoảng 6 nghìn hecta lúa xuân, chủ yếu ở các huyện: Ân Thi, Phù Cừ, Tiên Lữ. Qua đánh giá sơ bộ của các địa phương và nông dân, vụ xuân năm nay “mưa thuận gió hòa”, lúa ít sâu bệnh, năng suất cao hơn so với vụ xuân năm trước. Một số doanh nghiệp, thương lái đã về tận ruộng thu mua thóc tươi của nông dân với giá cao, qua đó đã giúp nông dân không phải phơi sấy thóc để dành thời gian chuẩn bị gieo cấy lúa mùa. 
b4.gif
Thu hoạch lúa. (Ảnh: Internet)

Hải Dương: Vải thiều được cấp "visa"  sang Australia


Quả vải Hải Dương được cấp "visa" xuất khẩu sang Australia đã được 3 năm và hiện vẫn đang tiếp tục hành trình chinh phục thị trường lớn này.

Australia là nước có nhu cầu nhập khẩu hoa quả lớn. Những năm qua, Hải Dương đã nắm bắt được lợi thế đó để đưa quả vải chiếm lĩnh thị trường này. Theo thống kê của Thương vụ Việt Nam tại Australia, mỗi năm Australia tiêu thụ khoảng 1.000 tấn vải. Hiện nay ở đây đã có vải Thái Lan, Trung Quốc nhưng theo đánh giá của người tiêu dùng Australia, vải của hai nước này có vị chát và không có hương thơm đặc biệt như vải của Việt Nam, nhất là vải Thanh Hà. 

Năm 2015, Công ty TNHH Dịch vụ và thương mại Rồng Đỏ đã xuất khẩu những lô vải thiều Thanh Hà đầu tiên sang Australia. Từ đó đến nay, các doanh nghiệp đã không ngừng nỗ lực đưa quả vải Hải Dương thâm nhập thị trường này. Bà Nguyễn Thị Mận, Giám đốc Công ty Xuất khẩu nông lâm thủy sản Thanh Hà cho biết: "Vải Hải Dương đã từng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ thì không khó xuất sang Australia. Tỉnh quan tâm phát triển các vùng vải đạt chuẩn xuất khẩu là một điều kiện thuận lợi để quả vải đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của Australia”.

b6.jpg
Công nhân Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Rồng Đỏ sơ chế vải xuất khẩu sang Australia. (Ảnh: Internet)

Việc tiếp cận được thị trường Australia đã góp phần giúp quả vải Hải Dương khẳng định thương hiệu và nâng cao giá trị. Vụ vải thiều năm2017, vải Hải Dương ở Australia được bán với giá cao gấp 8 lần so với trong nước, khoảng 400.000 đồng/kg. Vụ vải năm 2018, nhiều doanh nghiệp lớn như Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Công ty Xuất khẩu nông lâm sản Thanh Hà... đã cam kết thu mua vải thiều để xuất sang thị trường này. Ngoài quả vải tươi, một số doanh nghiệp đã nghiên cứu chế biến để xuất khẩu, nhằm đa dạng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh.

300 gian hàng tham gia hội chợ nông sản an toàn vùng Đồng bằng sông Hồng


Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp và Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nam, Hội chợ nông nghiệp công nghệ cao và nông sản an toàn các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng năm 2018 sẽ diễn ra từ ngày 15 đến 21/6/2018, tại sân vận động TP. Phủ Lý. Ban tổ chức hội chợ đã nhận được sự tham gia của 21 tỉnh, thành phố trong cả nước, với quy mô khoảng 300 gian hàng.

b7.jpg
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)


Các sản phẩm giới thiệu tại hội chợ gồm: Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao; công nghệ sinh học, giống cây trồng, vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sinh vật cảnh; sản phẩm hàng hóa nông sản đặc sản vùng miền; máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến nông sản; vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y...

Hội chợ nhằm giới thiệu những thành tựu về phát triển nông nghiệp, nhất là những sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, mở rộng giao lưu, liên kết hợp tác đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn./.

 

 Thanh Tâm   Tổng hợp/kinhtenongthon.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập122
  • Hôm nay37,611
  • Tháng hiện tại235,052
  • Tổng lượt truy cập92,612,716
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây