Hiệu quả thiết thực
Ông Đinh Tấn Hậu ngụ ấp Phước Định 1, xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long, có 8 công đất vườn trồng cây ăn trái (chủ yếu là chôm chôm Java). Hơn 7 năm nay, ông xử lý cho chôm chôm ra trái rải vụ theo ý muốn nên hạn chế được tình trạng “rộ mùa, rớt giá”. Ông Hậu cho biết: “Trước đây, tôi để chôm chôm ra trái thuận mùa vào khoảng tháng 4 đến tháng 7. Nhưng, khi diện tích chôm chôm phát triển nhiều, đặc biệt là tại một số tỉnh miền Đông Nam bộ và mùa thu hoạch chôm chôm cũng là mùa thu hoạch rộ trái vải ở miền Bắc, giá chôm chôm giảm mạnh. Sau khi một số nhà vườn tìm được cách xử lý cho chôm chôm ra trái nghịch mùa thành công, tôi và hầu hết nhà vườn trồng chôm chôm học và làm theo”. Theo ông Huỳnh Văn Tộc ngụ ấp Chợ, xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre, từ khoảng 7 năm nay, gia đình ông và nhiều nhà vườn tại địa phương cũng xử lý cho chôm chôm và nhiều loại trái cây khác, như: sầu riêng, nhãn… ra trái nghịch mùa, rải vụ. Giá bán trái cây của nhà vườn tăng gấp nhiều lần so với trái cây chính vụ, lợi nhuận tăng cao. Đơn cử, giá bán chôm chôm nghịch vụ thời gian qua ở mức khá cao 18.000-45.000 đồng/kg trở lên, tùy loại. Trong khi giá chôm chôm chính vụ trong nhiều năm chỉ ở mức 4.000-6.000 đồng/kg, khó bán do “đụng hàng” với chôm chôm giá rẻ của Đồng Nai, Bình Dương và một số tỉnh khác thuộc miền Đông Nam bộ. Ông Huỳnh Văn Tộc chia sẻ: “Kỹ thuật xử lý cây ra trái rải vụ không quá khó, nông dân có thể học hỏi kinh nghiệm của nhau. Thường nông dân áp dụng giải pháp sử dụng nylon làm màng phủ quanh gốc để xiết nước, sau đó kết hợp với các biện pháp cung cấp dinh dưỡng hợp lý để kích thích cho cây ra trái. Tuy nhiên, để cây trúng mùa, đòi hỏi cần phải nghiên cứu kỹ thời gian xiết nước, bón phân kết hợp tưới nước hợp lý đối với từng loại cây và từng vùng đất cụ thể. Nhìn chung, các địa phương vùng ĐBSCL có thuận lợi so với vùng miền Đông Nam Bộ trong sản xuất trái cây rải vụ bởi có hệ thống kênh, mương và thủy lợi chủ động được việc tưới tiêu nước”.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bến Tre, trong năm qua có hơn 3.469/5.189 ha chôm chôm và 1.110/1.670 ha sầu riêng ở Bến Tre được sản xuất ra trái rải vụ, giá bán cao hơn gấp 3 lần so với chính vụ, nên đa phần người sản xuất cây ăn trái rải vụ có thu nhập ổn định.
Cần tăng cường phối hợp
Trái cây rải vụ cho lợi nhuận gấp 1,2 - 2 lần so với chính vụ Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, năm 2017, đã sản xuất rải vụ được 12.140/74.935ha cây ăn trái. Trong đó,có 5.745/8.210ha sầu riêng, 3.000/4.915ha thanh long, 1.445/4.363ha nhãn, 1.750/4.253ha xoài và 200/640 ha chôm chôm. Sản xuất trái cây rải vụ giúp nông dân có lợi nhuận cao hơn sản xuất chính vụ từ 1,2- 2 lần. Cụ thể: So với trồng chính vụ, sầu riêng cho trái rải vụ lợi nhuận gần 530 triệu đồng/ha, cao hơn 290 triệu đồng/ha; chôm chôm cho trái rải vụ đạt lợi nhuận trên 385 triệu đồng/ha, cao hơn 88 triệu đồng/ha; xoài đạt hơn 210 triệu đồng/ha, cao hơn 54 triệu đồng/ha; nhãn đạt lợi nhuận bình quân 177,8 triệu đồng/ha, cao hơn 43 triệu đồng/ha; thanh long đạt lợi nhuận hơn 123 triệu đồng/ha, cao hơn 52 triệu đồng/ha. | |
Thời gian qua, Bộ NN&PTNT và nhiều địa phương khuyến khích và hỗ trợ cần thiết, nhất là về mặt kỹ thuật, kết nối cung - cầu nhằm phát triển sản xuất trái cây rải vụ. Đây thực sự là động lực giúp nông dân và các địa phương vùng ĐBSCL khai thác tốt lợi thế về cây ăn trái, tăng hiệu quả sản xuất trên cùng một loại cây trồng và diện tích canh tác. Tuy nhiên, việc liên kết và phối hợp giữa các địa phương trong sản xuất trái cây rải vụ vẫn còn “lỏng lẻo”...
Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho rằng: “Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần tăng cường liên kết để sản xuất trái cây rải vụ đạt hiệu quả bền vững. Tránh xảy ra tình trạng nông dân các địa phương tập trung sản xuất rải vụ trùng lắp các loại cây ăn trái vào cùng một thời điểm ảnh hưởng xấu đến giá cả đầu ra khi thu hoạch rộ. Đồng thời, có sự luân chuyển sản xuất trái cây rải vụ một cách hợp lý giữa các địa phương, không làm liên tục trên một diện tích, tránh cây bị suy kiệt không thể phục hồi hoặc kém khả năng chống chịu với sâu bệnh…”. Thời gian qua, nhà vườn tại Cần Thơ cũng sản xuất rải vụ thành công đối với nhiều loại cây ăn trái, nhất là với cây xoài và cây nhãn. Ngành nông nghiệp cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ để giúp nông dân trồng cây ăn trái theo các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) và áp dụng các kỹ thuật sản xuất trái cây rải vụ bền vững. Quan tâm sử dụng phân bón hữu cơ cùng các chế phẩm sinh học và luân chuyển giữa các diện tích vườn cây trong xử lý ra trái rải vụ để tránh cây bị cằn cỗi và đất bị bạc màu ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng trái.
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp ĐBSCL, sản xuất trái cây rải vụ không chỉ giúp nông dân có cơ hội bán trái cây giá cao, tăng hiệu quả sản xuất, phát huy lợi thế cây trồng, điều kiện tự nhiên của vùng mà còn tạo thuận lợi để đẩy mạnh xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu cung cấp trái cây liên tục cho thị trường. Tuy nhiên, xử lý trái cây nghịch vụ nếu không được quy hoạch cụ thể cho từng cây trồng, từng vùng sinh thái, từng mùa vụ…thì khó tránh khỏi điệp khúc “được mùa, rớt giá”. Sản xuất trái nghịch mùa thường tốn nhiều chi phí và năng suất sẽ thấp hơn so với trái cây chính vụ. Nếu giá bán lại thấp như chính vụ, nông dân dễ bị thiệt hại “kép”. Bên cạnh đó, một số loại phân bón, hóa chất phục vụ cho cây trái ra hoa nghịch mùa có khả năng làm suy kiệt cây, đất đai dễ bạc màu, ảnh hưởng xấu đến môi trường và hệ sinh thái. Ngành chức năng cần quản lý chặt và hướng dẫn nông dân thực hiện các giải pháp kỹ thuật sinh học, mang tính thân thiện với môi trường.
KHÁNH TRUNG/baocantho.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã