Gia đình chị La Thị Vui, thôn Anh Dũng là một trong những hộ đầu tiên đưa cây đinh lăng cao sản vào trồng ở xã Bạch Lựu (huyện Sông Lô). Đó là thời điểm cuối năm 2013, trên đường đi làm ruộng về nhà, sau khi được người bán tư vấn về hiệu quả của giống đinh lăng cao sản, chị Vui đã đến tận nơi tìm hiểu và mua hơn 2.000 gốc về trồng trong vườn nhà.
Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm nên 30% trong số này bị chết, sau đó chị Vui tích cực chăm sóc nên số cây còn lại phát triển khá tốt, tỏ ra thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương. Đến khi được thu “trái ngọt”, chị Vui rất mừng vì đinh lăng được giá, với giá bán toàn bộ rễ, thân, lá khoảng 30.000 – 40.000 đồng/kg, gia đình chị thu về gần 60 triệu đồng, cao gấp nhiều lần so với một số cây trồng khác tại địa phương.
Thời điểm đó, chị Vui rất mừng vì mình chọn được hướng đi đúng bởi đinh lăng cao sản dễ trồng, dễ chăm sóc. Theo đó, từ khi trồng đến khi thu hoạch chỉ cần bón phân 2 lần và tưới nước đủ độ ẩm là được.
Từ những người trồng đầu tiên và hưởng thành quả, như một “vệt dầu loang”, cây đinh lăng cao sản đã len lỏi vào nhiều mảnh vườn, bờ ao của người dân huyện Sông Lô. Nhiều người mạnh dạn phá bỏ những diện tích cây ăn trái để trồng đinh lăng, đơn cử như bà Nguyễn Thị Lại ở thôn Hồng Sen (xã Bạch Lựu) đã phá bỏ không thương tiếc vườn cây ăn quả để trồng 2.600 gốc đinh lăng từ tháng 5/2016, thậm chí còn không tiếc tiền xây dựng hệ thống giàn tưới nước khá hiện đại.
Theo nhẩm tính của bà, khi đinh lăng cho thu hoạch, chỉ cần bán với giá 20.000 – 25.000 đồng/kg lá, thân, rễ là bà đã có thu cả trăm triệu đồng.
Tính đến cuối năm 2017, xã Bạch Lựu đã có khoảng 50 hộ trồng đinh lăng cao sản, tập trung nhiều nhất ở các thôn: Anh Dũng, Hồng Sen,… Do có nhiều ưu điểm hơn giống đinh lăng truyền thống như lá to, trọng lượng thân, gốc nặng hơn, thời gian thu hoạch ngắn nên giống đinh lăng cao sản được nhiều người ưa chuộng. Đó là chưa kể, vốn đầu tư, công chăm sóc đều nhẹ.
Cũng thời điểm này, lãnh đạo các địa phương trên địa bàn huyện Sông Lô vẫn tỏ ra lạc quan về hiệu quả kinh tế của loài đinh lăng cao sản, coi đó là một giải pháp để khai thác tiềm năng đất trung du. Tuy nhiên, ngay trong thời kỳ “đỉnh cao” của sự phát triển thì những mối lo mơ hồ cũng đã xuất hiện vì người dân chỉ biết trồng, còn mọi thông tin về đầu ra đều không rõ ràng, giá cả bấp bênh.
Bản thân chị Vui cũng thừa nhận, khi còn ít người trồng, giá đinh lăng khá cao, lên đến 50.000 – 60.000 đồng/kg nhưng sau này khi diện tích được mở rộng, giá giảm chỉ còn một nửa, sức mua cũng giảm dần. Điều quan trọng nữa là, việc tiêu thụ của người dân hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái mà chưa xây dựng được mối liên kết tiêu thụ bền vững.
Nếm “quả đắng”
Dù không hề mong muốn nhưng cuối cùng người dân Sông Lô vẫn phải gánh chịu hậu quả của việc làm theo phong trào do chính mình tạo ra. Thời điểm nay, đinh lăng rớt giá trầm trọng, thậm chí cho không ai lấy.
Cũng từng ào ạt cải tạo vườn trồng đinh lăng cao sản chưa lâu, giờ ông Nguyễn Văn Trọng ở thôn Chiến Thắng (xã Phương Khoan) đành ngậm ngùi chia mảnh đồi rộng gần 2ha thành hai nửa, một vẫn để diện tích đinh lăng “chờ thời”, một chuyển sang trồng bạch đàn.
Như nhiều người dân trên địa bàn huyện Sông Lô, ông Trọng bắt đầu trồng đinh lăng từ năm 2014 khi thấy nhiều người dân địa phương có thu nhập khá từ loại cây này. Hơn 2ha đất đồi được ông phủ kín các gốc đinh lăng. Ông Trọng cũng kịp được hưởng “trái ngọt” trước khi nếm “quả đắng” vào thời điểm năm 2015, khi đinh lăng được thương lái thu mua với giá 40.000 – 45.000 đồng/kg với thân và 20.000 đồng/kg với củ, lúc đó ông nhẹ nhàng đút túi 150 triệu đồng.
Nhưng “niềm vui ngắn chẳng tày gang”, các thương lái thưa vắng dần, giá đinh lăng ngày càng giảm, thậm chí thời điểm cuối năm 2017, giá chỉ còn 2.000 đồng/kg. “Giờ thì chả có ai thèm hỏi, nhiều nhà đành chặt phá đinh lăng”, ông Trọng ngậm ngùi cho biết.
Ông Nguyễn Tiến Phú, Chủ tịch UBND xã Phương Khoan cũng thừa nhận, phong trào trồng đinh lăng diễn ra ồ ạt ở địa phương từ vài năm trước do nhiều hộ thu lãi lớn nhờ trồng loại cây này. Có những thời điểm, 60 – 70% số hộ dân trong xã tham gia trồng đinh lăng với diện tích lên tới 20ha, khắp trong vườn, đồng ruộng, trên đồi, đâu đâu cũng thấy đinh lăng. Sau đó, đinh lăng rớt giá, và giờ thì không có người mua, bà con lại chặt bỏ để trồng cây khác.
Điều đáng nói là, chính quyền xã Phương Khoan không có chủ trương khuyến khích trồng đinh lăng nhưng cũng không thể can thiệp vào quyết định trồng hay chặt của người dân. Kết cục này có vẻ cũng được nhìn thấy trước bởi cho đến nay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc vẫn chưa có đơn vị nào đứng ra thu mua, bao tiêu sản phẩm, tất cả đều phụ thuộc vào thương lái.
Hiện, tổng diện tích cây đinh lăng trên địa bàn huyện Sông Lô đã lên đến 40,5ha. Ông Hoàng Mạnh Hồng, Phó trưởng phòng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: "Huyện đã nhiều lần chỉ đạo các xã khuyến cáo người dân, không nên tập trung trồng nhiều một loài cây theo phong trào, tránh trường hợp “được mùa mất giá” nhưng cũng không cản được người dân. Bây giờ, thương lái không chịu thu mua đinh lăng, người dân đành chặt bỏ, thiệt hại kinh tế là tương đối lớn”.
Chục năm trước, người dân Sông Lô, Lập Thạch từng phải chịu “quả đắng” vì cây thanh hao hoa vàng khi cứ trồng ồ ạt mà không tính tới tiêu thụ ở đâu, giờ lại đến cây đinh lăng. Đến bao giờ khuyến cáo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị đối thoại với nông dân: “Trước khi gieo hạt bà con phải nghĩ đến tiêu thụ ở đâu” mới thành hiện thực?
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã