Trung Quốc tăng cường kiểm soát nhập tôm tiểu ngạch
Theo Tổng cục Thủy sản, diện tích thả nuôi tôm nước lợ 5 tháng đầu năm 2018 là hơn 636.800ha; trong đó, diện tích thả nuôi tôm sú là hơn 582.300ha, tôm thẻ chân trắng là 54.500ha. Sản lượng thu hoạch hơn 195.700 tấn, trong đó sản lượng tôm sú là gần 85.700 tấn (giảm 4,9% so với cùng kỳ năm 2017), sản lượng tôm chân trắng hơn 110.000 tấn (tăng 27,8% so với cùng kỳ năm 2017).
Cũng theo Tổng cục Thủy sản, giá tôm thẻ chân trắng tại ĐBSCL trong quý I/2018 ổn định ở mức cao. Tuy nhiên, từ tháng 4 đến nay, giá tôm thẻ giảm từ 10.000-30.000 đồng/kg tùy theo cỡ tôm, tùy theo địa phương và vùng miền.
Cụ thể, trung bình tháng 4, giá tôm thẻ chân trắng cỡ 100 con/kg tại ĐBSCL ở mức 85.000 đồng /kg, giảm 9.000 đồng/kg so với trung bình tháng 3. Sang tháng 5, giá tôm thẻ chân trắng ĐBSCL tiếp tục giảm xuống mức 78.000 đồng/kg, giảm 7.000 đồng/kg so với trung bình tháng 4.
Giá tôm thẻ giảm mạnh thời gian gần đây khiến người nuôi tôm hoang mang. (Ảnh: Chúc Ly).
Theo ngành chuyên môn, sản lượng tôm thẻ chân trắng nước ta tăng 27,8% so với cùng kỳ 2017 nhưng cũng mới chỉ đạt hơn 110.000 tấn, do vậy đây không phải là nguyên nhân chính gây giảm giá. Trong khi đó, giá tôm giảm tập trung vào tháng 4.2018, chủ yếu giảm nhiều ở cỡ tôm 80-100 con/kg đối với tôm thẻ chân trắng, chủ yếu ở ĐBSCL và ở những hộ nuôi nhỏ lẻ có phát hiện tôm có dư lượng kháng sinh.
Nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm giá tôm trong thời gian vừa qua là do sản lượng tôm thương phẩm của các nước đều tăng do được mùa, khiến nguồn cung tăng mạnh. Ngoài ra, nhu cầu tại Mỹ sụt giảm bởi tồn kho cao, cùng với đó là một số bất ổn chính trị tại Trung Đông, trong khi thị trường Trung Quốc tăng cường kiểm soát tình trạng buôn lậu tôm dẫn đến lượng tôm tiêu thụ qua đường tiểu ngạch giảm. Các nhà nhập khẩu đã nhân cơ hội này gây sức ép giảm giá, đặc biệt tại Ấn Độ, nên người dân có tâm lý bán tháo.
Đặc biệt, tại hội nghị nhiều đại biểu cũng nhận định, có thể có hiện tượng một số doanh nghiệp thu mua tôm nguyên liệu trong nước nhân cơ hội này ép giá, gây tâm lý bất ổn cho người nuôi.
Giá tôm thẻ sẽ tăng trong vài tháng tới
Theo dự báo của các chuyên gia, hiện nay giá tôm chân trắng tại một số địa phương bắt đầu chững lại, dự báo giá tôm nguyên liệu sẽ được cải thiện trong thời gian tới. Các nước Ấn Độ, Bangladesh, Thái Lan và một số nước đã qua thời điểm thu hoạch rộ và do thua lỗ nên hạn chế thả nuôi tiếp, khả năng giảm nguồn cung trong quý III và quý IV.2018.
Bộ Trưởng Nguyễn Xuân Cường chủ trì hội nghị. (Ảnh: Chúc Ly).
Nhiều Doanh nghiệp chế biến xuất khẩu của Việt Nam đã bắt đầu ký kết được các đơn hàng lớn phục vụ các dịp lễ quan trọng cuối năm 2018, vì vậy giá tôm sẽ tăng trở lại trong thời gian tới (khoảng tháng 8, 9 năm 2018).
Ông Lê Văn Quang - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn thủy sản Minh Phú, nhận định: Giá tôm nguyên liệu hiện tại rất rẻ sẽ kích thích tiêu dùng. Theo đó, người nuôi tôm tại các quốc gia như: Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam…bị thua lỗ và sẽ có xu hướng treo ao không nuôi tiếp. Bên cạnh đó, từ giữa tháng 5.2018, đã có dấu hiệu khách hàng bắt đầu mua vào, và tăng mạnh vào cuối tháng.
Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh công nghệ cao 2 giai đoạn trong hồ nổi, áp dụng kỹ thuật tách chất thải rắn, tái sử dụng nước của anh Long Văn Nghĩa (TP.Bạc Liêu, Bạc Liêu) được Bộ Trưởng Nguyễn Xuân Cường đánh giá cao. (Ảnh: Chúc Ly).
Cụ thể, cuối tháng 5, Tập đoàn Thủy sản Minh phú đã ký hợp đồng với khách hàng được gần 10.200 tấn với giá trị kim ngạch xuất khẩu tương đương 110 triệu USD. Trong 2 ngày 1 và 2 tháng 6, Minh Phú đã ký hợp đồng được hơn 2.500 tấn, tương đương giá trị khoảng 28,2 triệu USD.
Theo ông Quang, dự kiến từ tháng 6 đến tháng 10, lượng hàng Minh Phú bán ra mỗi tháng sẽ tăng hơn từ 20-50% so với lượng hàng ký hợp đồng trong 5 tháng đầu năm.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng: Người dân phải bình tĩnh trước tình hình hiện nay. Đối với người nuôi thâm canh thì không bán tôm size non; bà con nuôi ao đất thì cần điều chỉnh về quy trình nuôi, cho tôm ăn hợp lý. Đối với các doanh nghiệp đầu vào thì nên xem đây là cơ hội rà soát lại quản trị để hạ giá thành đi đôi với chất lượng, để nuôi dưỡng thị trường lâu dài. Trong khi đó, tôi cũng yêu cầu các doanh nghiệp chế biến phải chia sẻ khó khăn với người nuôi, coi người nuôi là bạn hàng bền vững cho mình.
“Đối với các tỉnh, trong công tác quản lý phải thật chặt chẽ, cùng với các cơ quan ngành dọc, cơ quan chuyên môn hướng dẫn bà con ngay lúc này càng phải tập trung về quy trình, theo dõi dịch bênh, kiểm soát chất lượng và liên kết sản xuất theo chuỗi để không bị động. Đối với các ngành chuyên môn, cần tổng kết những mô hình mới, cùng với địa phương tùy quy mô, khu vực để hướng dẫn bà con áp dụng” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Theo Chúc Ly/ Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM, Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM và Bộ tiêu chí quốc gia về huyện NTM nâng cao giai đoạn 2021 - 2025;